Lạm phát gia tăng Thống đốc vẫn quyết giảm lãi suất
Lạm phát vẫn tiếp tục có xu hướng tăng lên. Ở trong nước, lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023. Đây là áp lực lớn đối với điều hành tiền tệ, trong bối cảnh đó quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hành Nhà nước (NHNN) là bước đi gây chú ý.
Thông tin phát đi từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dung (TCTD) dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế.
Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Đáng chú ý, từ tháng 1/2023, NHNN đã mua được ngoại tệ từ các TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông.
Ngày 13/3/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.638 VND/USD, tăng khoảng 0,1% so với cuối năm 2022; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 23.555 VND/USD, giảm 0,1% so với cuối năm 2022; tỷ giá niêm yết mua/bán của NHTMCP Ngoại thương ở mức 23.400/23.740VND/USD, tương đương mức cuối năm 2022.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã các giải pháp để ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay. NHNN đã chỉ đạo các TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. Yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Cơ quan quản lý cũng nghiêm cấm TCTD thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.
Thực tế, trong tháng 2/2023, các NHTM đã tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi.
Để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Đến nay, mặt bằng lãi suất dần ổn định; hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các NHTM khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9,4%/năm, trong đó nhiều NHTM đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.
Theo lãnh đạo NHNN, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đồng thời việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên.
“Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Quyết định giảm lãi suất điều hành để thúc đẩy giảm lãi suất thị trường nhưng NHNN cho biết, không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023.
Trong khi đó, lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt CSTT, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.
Trong thông tin phát đi chiều tối 14/3, NHNN cho biết: “sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay”.
Tín dụng tăng trưởng thấp
Tính đến 9/3/2023, huy động vốn của hệ thống TCTD tăng 0,45% và tín dụng toàn hệ thống tăng 1,12% so với cuối năm 2022.
NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho từng TCTD với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14-15%. NHNN chỉ đạo TCTD kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.