Làn sóng “hoãn nợ” trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản

Kể từ đầu năm đến nay, trước tình hình khó khăn của thị trường vốn, không ít doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản đã thông báo không thể thanh toán lãi, gốc trái phiếu đến hạn.

Hơn 100.000 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong năm 2023

Theo thông tin từ CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND), riêng trong quý I/2023 giá trị trái phiếu đáo hạn ước tính giảm 41,3%, đạt 31.241 tỷ đồng (gấp 3,5 lần quý I/2022).

Tính chung cả năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn ở mức 251.849 tỷ đồng, tăng 64,4% so với năm trước.

Nguồn: Chứng khoán VNDirect.  
Nguồn: Chứng khoán VNDirect.  

Trong đó, xét theo từng nhóm ngành thì bất động sản vẫn là nhóm có giá trị đáo hạn cao nhất trong năm 2023 với 107.752 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng giá trị đáo hạn và tăng 76,2% so với năm trước.

Xếp sau là nhóm tài chính – ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 30,8% tương đương 77.650 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các ngành còn lại chỉ chiếm 26,4%, tương đương 66.446 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp bất động sản đồng loạt thông báo “trễ hạn” trả nợ trái phiếu

Theo thống kê của FiinRatings, tháng đầu năm 2023 ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thành công, thuộc về một đơn vị đầu ngành về nền móng cọc xây dựng là CTCP Đầu tư Phan Vũ.

Khối lượng phát hành riêng lẻ trong tháng 1 chỉ tương đương 2,1% so với tháng liền kề và 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Mức suy giảm lớn về quy mô phát hành trái phiếu này được ghi nhận trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thuận lợi cả về phía cung và phía cầu của thị trường.

Trong khi các doanh nghiệp đang “dè dặt” hơn trong việc phát hành trái phiếu mới thì nhóm các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu trước đó đồng loạt xin hoãn nợ trả nợ trái phiếu đến hạn thanh toán.

Lấy đơn cử như CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC; Mã CK: TDC) vừa báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn trong thời gian từ ngày 15/2/2023 đến ngày 22/3/2023.

Cụ thể, lô trái phiếu mã TDC.BOND.2020.700 đang trong tình trạng chậm thanh toán, tổng tiền lãi phải thanh toán đợt 9 của lô trái phiếu trên là 23,8 tỷ đồng. Tại ngày 15/2, công ty đã thanh toán được 7 tỷ đồng và còn lại 16,8 tỷ đồng chậm thanh toán.

Báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn của TDC.  
Báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn của TDC.  

Becamex TDC cho biết, công ty sẽ thanh toán số lãi còn lại và tiền phạt lãi chậm trả trước ngày 23/3, trong vòng 7 ngày làm việc, nguyên nhân chậm thanh toán là do tình hình thị trường kinh doanh bất động sản thời gian qua rất chậm đã ảnh hưởng tới dòng tiền sản xuất kinh doanh của công ty.

Hay như Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú cũng đưa ra thông báo chậm thanh toán gần 3,3 tỷ đồng lãi trái phiếu đối với lô trái phiếu mã GPRCH2113001 (ngày thanh toán theo kế hoạch là 13/2) do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nice Star thông báo chậm thanh toán 51 tỷ đồng lãi trái phiếu mã NCLCH2226001. Trước đó, công ty cũng đã xin lùi ngày thanh toán lãi đối với lô trái phiếu trên từ ngày 13/1/2022 sang ngày 10/2/2023.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã CK: HAG) cũng không thể thanh toán hơn 140 tỷ đồng lãi và 881 tỷ đồng gốc của trái phiếu HAGLBOND16.26 đúng hạn vào ngày 30/12/2022.

Nguyên nhân được công ty đưa ra là chưa thu được tiền từ khoản nợ của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã CK: HNG) và thanh lý các tài sản không sinh lợi của doanh nghiệp. Phía HAGL dự kiến sẽ chi trả các khoản gốc, lãi nói trên vào quý II/2023.

Về trái phiếu, HAGLBOND16.26 được phát hành ngày 30/12/2016, kỳ hạn 10 năm, tức đáo hạn vào 30/12/2026. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, khối lượng phát hành là 6.596 trái phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành gần 6.596 tỷ đồng.

Trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản, kỳ trả lãi mỗi 3 tháng và lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%/năm.

Trước đó, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG) cũng thông báo về việc chậm thanh toán lãi, gốc đến hạn của mã trái phiếu 30122017-01. Trái phiếu phát hành ngày 30/12/2017, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 30/12/2022. Mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và khối lượng phát hành là 134 trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành 134 tỷ đồng.

Theo đó, tính đến ngày 30/12/2022, công ty phải thanh toán khoản tiền gốc hơn 117 tỷ đồng và 64 tỷ đồng tiền lãi nhưng chưa thể thực hiện do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt dẫn đến dòng tiền không đáp ứng được kế hoạch thanh toán.

Đề xuất giải pháp đối với thị trường TPDN

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng ngày 17/2 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GP.Invest đã đưa ra những quan điểm đối với thị trường TPDN.

Theo đó, năm 2023 sẽ có một lượng lớn TPDN đáo hạn, trong đó, trái phiếu bất động sản chiếm tỷ lệ lớn nhưng bối cảnh thị trường lại trầm lắng. Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều cho rằng Chính phủ nên sớm ban hành Nghị định 65 sửa đổi để hỗ trợ và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Có một số doanh nghiệp đã quá đà trong việc phát hành TPDN để ôm dự án, gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Về giải pháp, chủ tịch GP.Invest cho rằng, cần phải cho gia hạn các trái phiếu này để giảm bớt áp lực dòng tiền thanh toán của các công ty phát hành. Sau đó, bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản còn cần có cơ quan đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp không cân đối được dòng tiền thanh toán trái phiếu đáo hạn.

Với một số trường hợp cụ thể, những dự án nếu khả thi về pháp lý nên cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hoặc Công ty TNHH MTV Quản lý Tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) tiếp cận đánh giá tài sản, dự án (đang sử dụng trái phiếu) để có thể xử lý triệt để, giúp hạ nhiệt thị trường.

Ngoài ra, Nghị định 65 sửa đổi có thể cân nhắcquy định về tỷ lệ trái phiếu phát hành với vốn chủ sở hữu hoặc tài sản của doanh nghiệp. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của ngân hàng và công ty môi giới, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra như thời gian vừa qua.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển