Trái phiếu mất thanh khoản: 'Cần giải pháp hành chính nhanh mạnh, tránh đám cháy lan rộng'
"Trong trường hợp trái phiếu mất tính thanh khoản, tôi cho rằng trước hết cần phân loại và cô lập các phân khúc thị trường để tránh các tác động, hiệu ứng lan toả gây đổ vỡ dây chuyền và sụp đổ niềm tin. Muốn thế thì cần áp dụng các công cụ hành chính nhanh mạnh của Chính phủ kết hợp với các giải pháp chuyên môn từ thị trường cho từng tình huống, khu vực và đơn vị cụ thể theo kiểu “may đo”, hơn là sửa luật hay ban hành luật mới", Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho hay.
Bộ Tài chính đã trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam.
- Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra để xử lý các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi đánh giá cao sự vào cuộc của Bộ Tài chính như một phản ứng chính sách nhanh nhạy với diễn biến của thị trường. Sự nhanh nhạy đó luôn luôn cần thiết, thể hiện rằng bộ máy quản lý nhà nước không quan liêu mà ý thức được các vai trò và chức năng của nền hành chính phục vụ nền kinh tế và dân sinh. Trên cơ sở đó, các cơ quan xây dựng chính sách và điều hành vĩ mô quan trọng như Bộ Tài chính đã hành động theo các nhịp điệu và nhịp thở của thị trường, doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, bởi thị trường tài chính có tính chuyên nghiệp rất cao, cộng với tính liên thông và tương tác đa dạng và đa chiều như huyết mạch của nền kinh tế, các phản ứng chính sách thông qua ban hành pháp luật vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về cân đối tổng thể và lường định các hiệu ứng đặc thù như độ trễ thực thi hay tác động không mong muốn gây phá vỡ sự ổn định cần có.
Có nghĩa rằng, ít nhất trong trường hợp này, theo tôi Bộ Tài chính cần chú trọng tính chuyên nghiệp hơn là chỉ thực thi quyền lực hành chính trong giải pháp ứng xử và hành động.
- Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, việc ban hành Nghị định mới có giải quyết được hết những khó khăn mà thị trường đang gặp phải?
Có lẽ trước hết cần làm rõ các vấn đề hay khó khăn thực chất của thị trường là gì? Tôi từng hình dung thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước đó như là một cơn mộng du, trong đó tất cả các bên tham gia từ doanh nghiệp là người vay, nhà đầu tư là bên cho vay và cơ quan chức năng nữa đều đạt tới sự hưng phấn cao độ trong tâm thế tất cả đều thắng trong một cuộc chơi. Doanh nghiệp tiếp nhận được nguồn vốn dồi dào ít bị kiểm soát nhất, các nhà đầu tư được cam kết lãi suất cao, đồng thời điều hành vĩ mô đạt được thành tích tăng trưởng tốt.
Thế rồi bỗng chốc và rất nhanh xảy ra sự vỡ mộng và các bên đều thức tỉnh và lo lắng về các rủi ro mà trên hết là rủi ro pháp luật, bao gồm thanh tra, điều tra, xử phạt hành chính và khởi tố hình sự. Hậu quả có lẽ như một cơn đột quỵ làm cho các huyết mạch tài chính của thị trường bị ngưng trệ. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải đi tìm nguyên nhân của các hiện tượng để có thể khắc phục nó. Và câu chuyện này rất phức tạp bởi được gọi là “vấn đề thể chế”, nên để giải quyết nó triệt để không thể chỉ bằng một vài biện pháp có tính ứng phó nhất thời như sửa đổi hay ban hành mới các văn bản ở cấp Nghị định Chính phủ được.
- Ông từng nhấn mạnh, các giải pháp của Bộ Tài chính mới dừng ở mức kỹ thuật, chưa đi vào thực chất. Vậy xin được hỏi cụ thể, những quy định nào chưa được sửa đổi một cách thực chất mà chỉ dừng ở mức kỹ thuật, thưa ông?
Vâng, theo dõi dự thảo văn bản sửa đổi Nghị định 65 và 153 mới ban hành chưa lâu, từ dư luận thấy nổi lên ba giải pháp chính mà tôi cho rằng đều mới mang tính “hoàn chỉnh kỹ thuật”. Thứ nhất, nhấn mạnh yếu tố kiểm soát thị trường thông qua “nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp”. Chúng ta đều biết làm như vậy để loại ra nhóm yếu thế, là số đông nhạy cảm, dễ bị tổn thương là người dân thường hay “nhà đầu tư đơn lẻ”.
Tuy nhiên, nhìn về tổng quát, toàn bộ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa qua chính là hướng đến huy động nguồn tiền lớn từ xã hội, tức người dân để vừa tránh né lại vừa cạnh tranh với kênh tín dụng ngân hàng. Và bản thân các “nhà đầu tư chuyên nghiệp” cũng chủ yếu khai thác nguồn vốn từ khu vực này. Do đó, tôi tin rằng chỉ một thời gian sau đó, bằng sử dụng các thủ pháp kỹ thuật, tiền của người dân vẫn được huy động thông qua nhóm các nhà đầu tư đạt chuẩn này.
Thứ hai, áp dụng cơ chế xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp làm điều kiện để phát hành trái phiếu. Điều kiện này rất đúng và phù hợp với thông lệ thế giới. Tuy nhiên, để thực thi nó một cách thực chất và hiệu quả sẽ không đơn giản và dễ dàng. Ai sẽ là người xếp hạng đây? Xếp hạng theo cách nào và trên các cơ sở nào? Các yếu tố liên quan đó trước hết có đạt chuẩn không đã. Bởi cuối cùng, cũng như các hệ thống đánh giá và chứng chỉ công nhận đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, vấn đề cuối cùng là nhà đầu tư có thực sự tin vào việc xếp hạng tín nhiệm đó không và cái bên trong hệ thống đó có năng lực và nghĩa vụ chịu trách nhiệm pháp lý hay không?
Thứ ba, cho phép “thay đổi kỳ hạn và hoán đổi trái phiếu”, thậm chí chuyển từ trái phiếu sang các hợp đồng vay dân sự. Về mặt khách quan, điều này tuỳ thuộc vào các thoả thuận riêng lẻ giữa bên vay và bên cho vay, tức giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, là người sở hữu trái phiếu trên nền tảng của luật dân sự.
Tuy nhiên, từ góc độ quản lý vĩ mô đối với thị trường tài chính, tôi cho rằng đó chính là sự nới lỏng kiểm soát thông qua việc bỏ qua các cam kết đã được luật hoá. Đối với nhà đầu tư, các trái phiếu đã mua là giấy tờ có giá đã được hạch toán vào tài sản hay đưa vào lưu thông sẽ bị thay đổi giá trị, còn đối với cơ quan chức năng đang giám sát phân khúc thị trường này sẽ chỉ còn kiểm soát cái gọi là “đoàn tàu” thôi, trong khi hành khách trong đó đã thay đổi rồi hay thậm chí xuống tàu hết cả. Và đó là một rủi ro cần tính đến khi áp dụng giải pháp này.
- Về mặt chính sách tổng thể, cần có giải pháp gì để có thể lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Nếu nói đến một thị trường tài chính chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế thì tôi cho rằng cần phân biệt và định danh rõ ràng giữa ba trụ cột của nó như đã nói, bởi cần phát huy tính liên thông, bổ trợ tự nhiên của các bộ phận trên một cơ thể thống nhất mà không tách biệt nó để tạo nên cả sự cạnh tranh lẫn trục lợi. Nhìn từ góc độ chính sách, cần ban hành các luật chuyên ngành mà không phải văn bản ở cấp Nghị định hay Thông tư, bởi đó là yếu tố khởi đầu của cơ sở hạ tầng, tiếp đó là xây dựng các thiết chế bổ trợ và sau cùng là thiết lập Cơ quan giám sát thống nhất và tập trung thay vì phân công và chia cắt hành chính như hiện nay.
Còn trong trường hợp các sự cố đã xảy ra như vỡ nợ doanh nghiệp hay trái phiếu mất tính thanh khoản, tôi cho rằng trước hết cần phân loại và cô lập các phân khúc thị trường để tránh các tác động, hiệu ứng lan toả gây đổ vỡ dây chuyền và sụp đổ niềm tin. Muốn thế thì cần áp dụng các công cụ hành chính nhanh mạnh của Chính phủ kết hợp với các giải pháp chuyên môn từ thị trường cho từng tình huống, khu vực và đơn vị cụ thể theo kiểu “may đo”, hơn là sửa luật hay ban hành luật mới.
Cần nhớ rằng, trong khi các chính sách được thảo luận và thẩm định, ban hành và tổ chức thực thi thì thị trường vẫn vận động liên tục. Mọi sự chậm trễ khi có đám cháy sẽ đều làm cho nó lan rộng và mất kiểm soát. Ai cũng biết điều đó và do vậy tôi tin tưởng với động thái quyết liệt và đầy trách nhiệm, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng sẽ sớm đề ra được các giải pháp phù hợp để xử lý vấn đề này.