Quy hoạch sử dụng đất ‘thường xuyên bị điều chỉnh, không ít trường hợp có lợi ích nhóm’
Theo GS Trần Ngọc Đường, căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quá rộng, thiếu cụ thể, dễ bị lợi dụng.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang tiếp tục được công bố để lấy ý kiến nhân dân.
Theo Điều 71 dự thảo luật, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có thể được điều chỉnh do biến đổi bất thường của tình hình kinh tế xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện hoặc do phát triển của khoa học công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
Bình luận về quy định này, GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng điều kiện điều chỉnh là quá rộng. GS Đường nhấn mạnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua “thường xuyên bị điều chỉnh, thiếu ổn định, trong đó không ít trường hợp có lợi ích nhóm”.
Do đó, GS Đường đề nghị ban soạn thảo quy định chặt chẽ nội dung này trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Cụ thể, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận/huyện phải do cấp tỉnh quyết định, tránh “cấp nào tự thay đổi, điều chỉnh quy hoạch cấp đó”.
Về nội dung dự thảo quy định việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thực hiện ở 3 cấp gồm quốc gia, tỉnh, huyện, tiến hành từ trên xuống, GS Đường cũng cho rằng chưa hợp lý, vì việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải làm từ dưới lên mới sát thực tế và khả thi.
“Tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét lại thẩm quyền thu hồi đất; định giá đất thu hồi, bởi đây là những vấn đề rất nóng trong thực tế, cần quy định chặt chẽ”, GS Đường nhấn mạnh.
Cũng góp ý về dự thảo luật, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, dẫn báo cáo của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết tỷ lệ đơn thư liên quan đến đất đai khoảng 70% tổng đơn thư hằng năm. Nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính, quy hoạch sau điều chỉnh quy hoạch trước.
“Một số nơi quy hoạch sử dụng đất để tăng thu ngân sách hoặc phát triển dự án của địa phương mà chưa quan tâm đến tác động lâu dài", ông Nhưỡng nói và kiến nghị ban soạn thảo quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, có thể hàng trăm năm, không nên hạn chế thời hạn quy hoạch dưới 50 năm và phải dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tác động toàn diện.
Ông Nhưỡng cho rằng quy hoạch cần đáp ứng không gian phát triển cũng như bảo đảm đời sống của người dân, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc và gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 4 cuối năm 2022. Hiện nay, các cơ quan đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn chỉnh dự luật trình Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.