Lộ diện 'đòn bẩy' mới giúp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng 'hồi sinh'
Việc các luật mới chính thức có hiệu lực cũng như dấu hiệu tích cực của ngành du lịch được xem là 'đòn bẩy' giúp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc sau chuỗi ngày ảm đạm.
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 9,98 triệu lượt, đánh dấu sự gia tăng so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Những quốc gia có số lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Malaysia và Campuchia.
Lượng khách du lịch nội địa trong cùng kỳ cũng ước đạt 79,5 triệu lượt.
Giữa bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, nhiều chuyên gia nhận định rằng bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng hiện đang có nhiều thuận lợi hơn về cả cung/cầu lẫn giá bán. Điều này đặt ra kỳ vọng rằng phân khúc này sẽ có sự khởi sắc đáng kể trong thời gian tới.
Theo bà Phạm Thị Miền - Phó Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư (Hội Môi giới BĐS Việt Nam - VARS) cho biết, động lực của BĐS du lịch - nghỉ dưỡng trong năm 2024 đến từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch.
Theo nhận định của vị chuyên gia này, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng có khả năng sẽ khởi sắc nếu như chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng; cùng với chính sách giảm 2% thuế VAT với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến, hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức.
Nhờ việc có thể đáp ứng nhu cầu về sở hữu, lại có thể khai thác cho thuê và tạo ra dòng tiền mà loại hình căn hộ biển được xem là điểm nhấn của phân khúc này.
Theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn cho biết thị trường BĐS nghỉ dưỡng hiện đang chờ đợi cơ hội mới.
Trước đó khi nhìn nhận về thị trường BĐS nghỉ dưỡng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, một trong những vướng mắc đối với BĐS nghỉ dưỡng hiện nay chính là khó khăn về thủ tục pháp lý.
Theo đó, việc triển khai đầu tư dự án BĐS nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng vẫn còn khá nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý, vấn đề chưa đồng bộ, vẫn còn chồng chéo, khiến việc quyết định đầu tư có nhiều thận trọng.
Thêm vào đó, trình tự thủ tục đầu tư có nhiều thủ tục phải trải qua rất nhiều thời gian như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh đầu tư... đặc biệt đối với những dự án có thời gian kéo dài gây ảnh hưởng đến tạo nguồn cung trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, khó khăn đến từ việc định giá đất, quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và giao đất; vướng mắc trong công tác lập điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo sự đồng bộ giữa các cấp quy hoạch, đặc biệt là những khó khăn về BĐS nghỉ dưỡng giữa những khu vực mới phát triển.
Việc ban hành hệ thống các luật mới có những nội dung tháo gỡ, trong đó có các nội dung tháo gỡ vấn đề đất đai, trình tự đầu tư, các hoạt động kinh doanh BĐS.
Những yếu tố vĩ mô về du lịch, bán lẻ đều có dấu hiệu phục hồi tích cực vào đầu năm 2024; đây được xem là yếu tố sẽ có tác động tích cực đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Cũng theo ông Tuấn, mức độ quan tâm đối với các loại hình BĐS nghỉ dưỡng dần có sự cải thiện trong quý II/2024, mối quan tâm của giới đầu tư đã bắt đầu trở lại với thị trường.
Đánh giá về xu hướng phát triển của BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng khi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực, nguồn cung sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng sẽ cải thiện khoảng 20% so với năm 2023.
Thời gian tới, BĐS nghỉ dưỡng được dự báo sẽ có nhiều tiềm năng phát triển nhờ các chủ thể tham gia thị trường đã chính thức trở lại "đường đua" cùng với những tác động tích cực mà các luật mới liên quan đến BĐS mang lại.
VARS dự báo nguồn cung BĐS du lịch, nghỉ dưỡng năm 2024 sẽ có cơ hội cải thiện khoảng 20% so với năm 2023; trong số đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu và có thể cho thuê, tạo dòng tiền.