Sẽ có đợt sóng mới trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng từ cuối năm 2024?

Bên cạnh những cuộc cách mạng của chủ đầu tư, những chính sách mới từ bộ 3 Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực sớm cũng là cơ sở để nhiều người tin vào những đợt sóng mới trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng từ cuối năm 2024.

Dữ liệu mới đây của Batdongsan.com.vn cho biết, quý vừa qua thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã ghi nhận biến động tích cực khi mức độ quan tâm các loại hình có sự cải thiện so với các quý trước đó. Đại diện đơn vị lý giải thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có những dấu hiệu tích cực hơn là nhờ những yếu tố như bán lẻ, du lịch đang dần cải thiện.

Theo dữ liệu của DKRA, nguồn cung phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) trên thị trường sơ cấp đã tăng 51% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu ở Nha Trang (Khánh Hòa). Các địa phương khác như Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận hay Vũng Tàu chiếm 5 - 12% nguồn cung sơ cấp.

DKRA cho biết lượng giao dịch thành công đã ghi nhận đà tăng gần 7 lần so với cùng kỳ, song chủ yếu nằm ở một dự án. Trong khi đó, giao dịch của các dự án cũ hầu hết vẫn chậm hoặc đóng giỏ hàng. Lượng thanh khoản chủ yếu đến từ loại hình biệt thự nghỉ dưỡng có giá dưới 10 tỷ đồng/căn và condotel có giá dưới 3 tỷ đồng.

Sẽ có đợt sóng mới trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng từ cuối năm 2024? - Ảnh 1

Có cải thiện về nguồn cung, tuy nhiên, theo DKRA, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi "vùng tối" dù ngành du lịch đã có nhiều khởi sắc. Giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang, thanh khoản lẫn khả năng tăng giá rất thấp khi niềm tin của nhà đầu tư phân khúc này vẫn lung lay dữ dội. Đại diện DKRA, tiết lộ thị trường thứ cấp bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận mức giá giảm trung bình 15% - 20% so với giá hợp đồng, cục bộ có những dự án giảm sâu đến 40% - 50% nhưng vẫn khó bán.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nhìn nhận thời điểm nửa cuối năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ là thời cơ mới để cho phân khúc này phục hồi tích cực và trở lại đường đua. Nhờ trợ lực tốt từ sự khởi sắc của ngành du lịch và các bộ luật mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Trước mắt, trong nửa đầu năm 2024, ngành du lịch đón trên 8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, đến thời điểm này lượng khách quốc tế đã đạt 50% mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 là 17 - 18 triệu lượt.

“Sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch và định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đang tạo ra động lực tích cực để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện dự án. Về vấn đề pháp lý, 3 dự án luật có hiệu lực từ ngày 1/8 tới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… qua đó lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng”, ông Đính phân tích.

Một trong những động lực khác trong phân khúc nghỉ dưỡng là dòng vốn ngoại và kiều hối đang kỳ vọng chảy mạnh vào thị trường. Khối ngoại đang tranh thủ giá bất động sản tốt để “phủ sóng” kinh doanh khách sạn ở Việt Nam. Cùng với dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, kiều hối cũng được đánh giá là một trong những động lực cho bất động sản nghỉ dưỡng. Dự báo này là có cơ sở bởi lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng trong những năm trở lại đây. Năm 2023, kiều hối ước đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm liền kề.

Có thể thấy, bất động sản nghỉ dưỡng sau thời gian chạm đáy đang có nhiều yếu tố để phục hồi. Tuy nhiên, nhìn chung, các chuyên gia đánh giá phân khúc này khó có “sóng lớn” trong ngắn hạn. Những khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, niềm tin của nhà đầu tư… khiến thị trường sẽ tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang vùng đáy và rất khó phục hồi trong ngắn hạn.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang thiếu các yếu tố để hồi phục. Thứ nhất, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng để phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, khách hàng muốn mua các sản phẩm này cũng bị hạn chế cho vay từ phía ngân hàng.

Thứ hai, thời gian qua, khi mở bán dự án bất động sản nghỉ dưỡng, chủ đầu tư luôn đưa ra chính sách lợi nhuận cũng như thuê lại của khách hàng để khai thác và cam kết trả lợi nhuận cao mỗi năm. Tuy nhiên, những cam kết này không được thực hiện nghiêm túc, nên làm giảm sức hút với nhà đầu tư.

Thứ ba, ở phân khúc này, khách hàng chủ yếu là đầu tư cho thuê hoặc mua để bán lại. Từ năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bị đóng băng, nhà đầu tư không thể ra hàng khi mua sản phẩm này, nên e ngại đầu tư.

Do đó loại hình này vẫn cần nhiều thời gian để phục hồi, đặc biệt là để thẩm thấu những chính sách mà Chính phủ đã ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung và loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nói riêng.

Minh Đăng

Theo Chất lượng và Cuộc sống