Loạt 'ông lớn' công nghệ thế giới ồ ạt rót thêm tiền vào Việt Nam
LG Innotek và Foxconn là những 'ông lớn' trong lĩnh vực công nghệ vừa được TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án, với tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ USD.
Foxconn đầu tư gần 250 triệu USD vào Quảng Ninh
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với hai dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và nhà máy FMMV Foxcon Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD.
Hai nhà máy này có tổng mức đầu tư gần 250 triệu USD được đặt tại Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 6,3ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.755 tỷ đồng (tương đương 200,24 triệu USD) với mục tiêu hình thành một dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Dự kiến tháng 1/2025, dự án hoàn thành, đi vào sản xuất chính thức và sẽ mang lại việc làm cho khoảng gần 1.200 lao động.
Dự án nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 4,1ha, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 46 triệu USD) với mục tiêu sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông. Dự kiến tháng 10/2024, dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động và sử dụng trên 700 lao động.
Foxconn là tập đoàn đa quốc gia được thành lập từ năm 1974 với trụ sở chính nằm ở Đài Loan. Trải qua nhiều năm phát triển, cho tới ngày nay, Foxconn đã trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới.
Công việc chính của Foxconn là lắp ráp và sản xuất các sản phẩm điện tử cho những công ty lớn tại Mỹ, Canada, Trung Quốc... Trong các sản phẩm được họ sản xuất, nổi bật nhất có Iphone, Ipad và Ipod (Apple), Kindle (Amazon), PlayStation (Sony)… (Xem thêm)
LG Innotek rót thêm 1 tỷ USD vào dự án tại Hải Phòng
UBND TP. Hải Phòng mới đây đã tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng.
Theo đó, dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng tại khu công nghiệp Tràng Duệ do Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng làm chủ đầu tư sẽ điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2023 - 2025, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2,051 tỷ USD.
Được biết, dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm 2016 và đi vào hoạt động chính thức vào năm 2020. Đây là nhà máy chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử cho ngành công nghiệp ô tô, di động, module camera điện thoại... (Xem thêm)
Tiền ảo Pi bị điều tra tại Việt Nam
Đại diện cơ quan pháp luật cho biết đang phối hợp với công an địa phương điều tra các hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi.
"Việc các mô hình tiền ảo như Pi hoạt động thời gian qua rất phức tạp, chưa quản lý được. Không có hoạt động kinh doanh nào có được mức lợi nhuận cao như vậy trên môi trường không gian mạng", thiếu tướng Lê Xuân Minh, Phó cục trưởng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), cho biết trong cuộc họp báo mới đây của Bộ Công an.
Theo ông Minh, thời gian qua có những dấu hiệu của hoạt động lôi kéo, tiền người trước trả cho người sau trong những mô hình kinh doanh theo dạng nhị phân, đa cấp. "Đối với hoạt động tiền ảo Pi, A05 đang phối hợp với công an ở các địa phương điều tra", ông Minh nói. "Cụ thể thế nào, chúng tôi sẽ có trao đổi khi giải quyết xử lý các vụ liên quan".
Bên cạnh đó, A05 khuyến cáo người dân thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường, hoặc mô hình đa cấp. "Các hoạt động như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro", ông Minh cho biết.
Pi Network ra đời đầu năm 2019 và rộ lên tại Việt Nam từ 2021. Tiền ảo này nhiều lần bị cảnh báo thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain, thậm chí không loại trừ khả năng lừa đảo, có thể được tạo để thu thập thông tin người dùng. (Xem thêm)
Giá trị vốn hóa Apple vượt 3.000 tỷ USD
Khi sàn chứng khoán New York mở cửa sáng 30/6, giá cổ phiếu Apple đã tăng khoảng 1% lên mức 191,42 USD. Từ đầu năm nay, cổ phiếu Apple tăng 45% - vượt xa con số trung bình 14,5% của các cổ phiếu trong giỏ chỉ số S&P 500.
Đây là lần đầu tiên giá trị vốn hóa Apple trở lại mốc trên 3.000 tỷ USD kể từ đầu năm 2022. Apple vượt qua mốc này vào ngày giao dịch đầu tiên năm đó, nhưng trải qua hàng loạt đợt giảm giá trị cổ phiếu sau đó. Tính cả năm 2022, cổ phiếu Apple giảm 29%
Dưới thời Giám đốc điều hành Tim Cook, giá trị của Apple đã lớn hơn hai đối thủ Alphabet và Amazon cộng lại. Apple cũng bỏ xa Microsoft - công ty lớn thứ hai - hơn 500 tỷ USD.
Apple là công ty đầu tiên đạt giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD năm 2018 và 2.000 tỷ USD năm 2020. (Xem thêm)
Samsung 'tuyên chiến' TSMC: Ra đời chip di động mạnh nhất thế giới vào 2025
Ngày 28/6, Samsung Electronics đã vạch ra lộ trình mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất chip của mình, bao gồm cả mục tiêu sản xuất bán dẫn hàng đầu, thể hiện tham vọng bắt kịp công ty dẫn đầu ngành là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC).
Nổi danh với các sản phẩm điện thoại thông minh, Samsung Electronics có mảng kinh doanh chất bán dẫn khổng lồ, tạo ra những con chip bộ nhớ dùng cho trung tâm dữ liệu và máy tính xách tay, đồng thời cũng là động lực mang lại lợi nhuận chính cho công ty.
Tuy nhiên, nhiều người không biết Samsung cũng có một doanh nghiệp sản xuất chip được gọi là xưởng đúc, nơi sản xuất chất bán dẫn cho các công ty thiết kế chip khác, chẳng hạn như Qualcomm.
Đầu năm nay, Samsung đã tiết lộ công ty sẽ bắt đầu sản xuất chip với quy trình 2 nanomet (nm) vào năm 2025. Nhưng phải đến ngày 28/5 vừa qua, công ty mới đưa ra một lộ trình chi tiết hơn, cho biết họ sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt quy trình 2nm cho các ứng dụng di động vào năm 2025, sau đó mở rộng sang điện toán hiệu năng cao vào năm 2026 và sang ô tô vào năm 2027.
Con số nanomet đề cập đến kích thước của từng bóng bán dẫn riêng lẻ trên một con chip. Bóng bán dẫn càng nhỏ, càng có nhiều bóng bán dẫn có thể được đóng gói trên một chất bán dẫn. Thông thường, việc giảm kích thước nanomet có thể mang lại những con chip mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Không chỉ vậy, công ty Hàn Quốc còn nhắc lại rằng các con chip quy trình 1,4nm của họ sẽ bắt đầu được sản xuất vào năm 2027 theo kế hoạch.
Samsung cũng cho biết họ đang tiếp tục mở rộng năng lực sản xuất chip, với các dây chuyền sản xuất mới ở Pyeongtaek, Hàn Quốc và Taylor, Texas mà Samsung đã công bố trước đó.
Đây được coi là kế hoạch đầy tham vọng của nhà sản xuất chip Hàn Quốc nhằm bắt kịp TSMC, vốn đang là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, trong vòng 5 năm tới. Trong quý đầu tiên của năm, TSMC chiếm 59% doanh thu mảng bán dẫn toàn cầu, so với 13% của Samsung, theo Counterpoint Research. (Xem thêm)