Lợi nhuận công ty chứng khoán: 'Ông lớn' trượt dài, 'tân binh' tỏa sáng

Chịu ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán, bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2022 của các công ty chứng khoán nghiêng về gam màu tối. Dù vậy, vẫn có những điểm sáng đáng chú ý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Loạt “ông lớn” trượt dài

Các doanh nghiệp chứng khoán đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2022 với không khí ảm đạm bao trùm. Nếu như trong quý I, lợi nhuận các doanh nghiệp chứng khoán có dấu hiệu giảm nhiệt theo sự đi xuống của thị trường, lợi nhuận quý II bị “nhấn chìm” bởi hoạt động tự doanh thì bước sang quý III, kết quả kinh doanh còn u ám hơn khi doanh nghiệp chứng khoán không chỉ thấp hơn mức nền cao cùng kỳ, mà còn đi lùi so với chính mức thực hiện “kém sắc” của quý II.

Dẫn đầu về lợi nhuận quý III/2022 trong các doanh nghiệp chứng khoán là Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với lợi nhuận sau thuế 579 tỷ đồng. Dù đứng đầu bảng, mức lợi nhuận của TCBS vẫn ghi nhận giảm 28% so với cùng kỳ và giảm 13% so với quý trước. Sự sụt giảm này đến từ việc doanh thu bảo lãnh phát hành - khoản thu nhập chiếm tỷ trọng lớn của TCBS ở những quý trước - sụt giảm mạnh 58% so với cùng kỳ, đạt 190 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu môi giới chứng khoán cũng giảm 7%, đạt hơn 227 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp chứng khoán “top đầu” như Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE: SSI), Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), Công ty Chứng khoán VNDirect, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI), Công ty Chứng khoán MB (MBS),… đều chung xu hướng sụt giảm so với cùng kỳ và so với quý trước.

Theo sau TCBS về lợi nhuận là SSI với 309 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý III/2022. Mức lợi nhuận này giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái và 27% so với quý trước. Dù đã tiết giảm chi phí (giảm 14%), SSI vẫn không tránh khỏi sụt giảm lợi nhuận chủ yếu vì hụt thu ở mảng môi giới chứng khoán. Cụ thể, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán của SSI giảm gần một nửa so với cùng kỳ, đạt hơn 339 tỷ đồng. So với quý II/2022, mức độ sụt giảm là 24,6%.

Từng đứng thứ 2 về lợi nhuận trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022, VNDirect bất ngờ rơi xuống vị trí thứ 11 với lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 93 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ và giảm 80% so với quý trước. Nguyên nhân là do doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán và doanh thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán của doanh nghiệp này lần lượt giảm 42% và giảm 99% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 252 tỷ đồng và chưa tới 1 tỷ đồng do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động quý III tăng tới 23% so với cùng kỳ, trong đó lỗ tự doanh tăng 267 tỷ đồng, cùng với đó chi phí tài chính tăng tới 256% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HSC, HoSE: HCM) và Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) lần lượt cán mốc lợi nhuận sau thuế quý III ở mức 165 tỷ đồng và 141 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của HSC giảm 48% so với cùng kỳ, giảm 41% so với quý trước; song song, lợi nhuận của MASVN giảm 23% so với cùng kỳ, giảm 28% so với quý trước.

VCI cũng là 1 trong những doanh nghiệp chứng khoán có mức độ sụt giảm lợi nhuận “ghê gớm” trong quý III/2022 với lợi nhuận sau thuế đạt 123 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ và giảm 59% so với quý trước. Một số doanh nghiệp chứng khoán khác có chung số phận về lợi nhuận có thể kể đến như Công ty Cổ phần Chứng khoán SmartInvest (UPCoM: AAS), Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

Thua lỗ vì tự doanh

Tương tự quý II/2022, trong quý III, một số doanh nghiệp chứng khoán vẫn không thoát khỏi thua lỗ với “thủ phạm” chính là mảng tự doanh.

Với việc mảng tự doanh lỗ hơn 185 tỷ đồng trong quý III, Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest (HNX: EVS) báo lỗ sau thuế 146 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 27 tỷ đồng lãi sau thuế. Được biết, EVS đang lỗ chủ yếu ở 2 cổ phiếu là NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân và cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu.

Cũng ghi nhận thua lỗ trong quý III là trường hợp của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS, HoSE: FTS) với mức lỗ 60 tỷ đồng. Đáng chú ý, FTS lỗ hơn 153 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh. Trong đó, so với quý liền trước, FTS đã hụt thu mất 162 tỷ đồng lợi nhuận có thể ghi nhận nếu chốt lời cổ phiếu MSH.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chứng khoán khác cũng “ngậm ngùi” với kết quả kinh thua lỗ trong quý III vì hoạt động tự doanh kém sắc, có thể kể đến như Công ty Cổ phần Chứng khoán Phố Wall (HNX: WSS), Công ty Cổ phần Chứng khoán APG (HoSE: APG), Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt (HoSE: TVB),… Trong đó, WSS báo lỗ sau thuế quý III hơn 50 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 37 tỷ đồng. Hoạt động tự doanh của WSS lỗ gần 50 tỷ đồng trong kỳ, chủ yếu do giá trị danh mục cổ phiếu sàn UPCoM giảm tới 14%, từ gần 167 tỷ đồng còn 117 tỷ đồng theo giá thị trường tính tới cuối quý III.

APG báo lỗ 49 tỷ đồng trong quý III, kém sắc hơn so với khoản lãi sau thuế 45 tỷ đồng cùng kỳ. Hoạt động tự doanh của doanh nghiệp này lỗ hơn 75 tỷ đồng, trong đó giá trị khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết đã giảm 151 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2022, từ 581 tỷ đồng (giá gốc) còn 430 tỷ đồng theo giá thị trường.

Lợi nhuận công ty chứng khoán: 'Ông lớn' trượt dài, 'tân binh' tỏa sáng - Ảnh 1

“Tân binh” tỏa sáng

Bên cạnh “mảng tối” sụt giảm, thua lỗ, bức tranh lợi nhuận công ty chứng vẫn có những điểm sáng bất ngờ. Công ty Chứng khoán VPS lọt top 3 về lợi nhuận sau thuế quý III, đạt hơn 264 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận tăng 10% so với cùng kỳ và tăng 17% so với quý liền trước.

Dù tổng doanh thu hoạt động của VPS giảm 15% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.316 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã tiết giảm mạnh phần nhiều các loại chi phí như chi phí môi giới chứng khoán, chi phí lưu ký chứng khoán, chi phí tư vấn,… cùng với việc gia tăng doanh thu hoạt động tài chính, để đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận nêu trên. Tuy nhiên, nhìn sâu vào báo cáo tài chính, hoạt động tự doanh của VPS vẫn lỗ hơn 151 tỷ đồng.

Cái tên đáng chú ý trong “làng chứng khoán” quý vừa qua là “tân binh” Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) khi doanh nghiệp này bất ngờ xuất hiện trong nhóm đầu về lợi nhuận, bên cạnh các “ông lớn” như SSI, TCBS, VPS, HSC… Theo đó, VPBankS lãi sau thuế 177 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 322 triệu đồng.

Trong kỳ, VPBankS phát sinh nhiều khoản mục doanh thu mà cùng kỳ không hề ghi nhận như cổ tức, tiền lãi phát sinh từ tài sản tài chính FVTPL, doanh thu môi giới chứng khoán, lãi từ các khoản cho vay và phải thu… Hoạt động tự doanh của VPBankS trong quý III vừa qua cũng để lại dấu ấn khi lãi tới hơn 158 tỷ đồng, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp chứng khoán vẫn “mắc kẹt” trong vòng xoáy thua lỗ tự doanh.

Kết quả kinh doanh của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHS) cũng là một điểm sáng trong quý III khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng, trong khi quý liền trước lỗ gần 297 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc trong quý III có thể kể đến như Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (UPCoM: DSC) với lợi nhuận tăng trưởng 200%, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (HoSE: ORS) tăng trưởng 137%, Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt (LVS) tăng trưởng 90%, Công ty Cổ phần Chứng khoán KS tăng trưởng 87%.
 

Ngọc Thu

Theo VietnamFinance