Lợi nhuận đầu tư bất động sản công nghiệp vẫn tăng ‘phi mã’ bất chấp dịch bệnh
Gần 2 năm qua, dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn tăng đều lợi nhuận.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp báo lãi
Ngay từ đầu năm, nhiều dự báo cho rằng 2021 sẽ là “năm bội thu” của những nhà phát triển bất động sản công nghiệp khi họ nắm trong tay quỹ đất lớn. Theo ghi nhận, trong nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt từ bất động sản công nghiệp.
Công ty CP Long Hậu dẫn đầu về cả doanh thu và lợi nhuận trong quý II/2021 với doanh thu đạt 555 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 217 tỷ đồng, gần gấp 5 lần cùng kỳ.
Hay Công ty CP Sonadezi Châu Đức ghi nhận doanh thu thuần đạt 224 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 109 tỷ đồng, tăng lần lượt 47% và 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phần lớn doanh thu trong quý II của Sonadezi Châu Đức đến từ hoạt động cho thuê đất và phí quản lý với 222 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ), còn lại là doanh thu cung cấp nước, điện, xử lý nước thải…
Mặt khác, không ít doanh nghiệp chạy đua mở rộng quỹ đất công nghiệp. Đơn cử như Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đang tăng tốc thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung, Tràng Duệ 3 để tạo ra các sản phẩm sẵn có đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Hay Cao su Phước Hòa kỳ vọng vào việc chuyển đổi vườn cây cao su sang làm khu công nghiệp với các dự án Tân Bình mở rộng, Hội Nghĩa, Bình Mỹ. Còn Long Hậu với các dự án Long Hậu mở rộng – giai đoạn 2, Tân Lập (Long An), An Định (Vĩnh Long).
Nhận định về xu hướng mở rộng đầu tư vào bất động sản công nghiệp, ông John Campbell, chuyên gia từ Savills Việt Nam cho hay: “Trong ngắn hạn đến trung hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chứng kiến nhiều hoạt động đầu tư lớn về công nghiệp. Bởi tiềm năng cho phân khúc này có thể kể đến như chính trị ổn định, quỹ đất lớn, giá rẻ, lực lượng lao động dồi dào…”
Bất động sản vùng ven khu công nghiệp cũng hưởng lợi
Ăn theo làn sóng bất động sản công nghiệp, hàng loạt các dự án đất nền ven khu công nghiệp cũng được bung hàng thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân. Người đầu tư dài hạn, ngắn hạn lướt sóng cũng rầm rộ khiến giá đất nền không ngừng tăng.
Đơn cử, hồi tháng 4/202, tại Bắc Giang, đất ven 4 Khu công nghiệp là Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng và Quang Châu dao động từ 25 – 40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50 – 70% so với cuối năm 2020. Tại Phổ Yên (Thái Nguyên) tăng từ 13 – 17 triệu đồng/m2 lên mức 17 – 22 triệu đồng/m2.
Một môi giới tại Hà Nội cho biết đã có 3 năm gom đất ven khu công nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đang sở hữu 3 lô ở gần khu công nghiệp Đình Trám và là người hỗ trợ tìm khách cho 10 lô đất của nhà đầu tư khác cần bán sang tay. Ngoài ra, anh cũng đã chốt thành công ước chừng khoảng hơn 20 giao dịch đất nền công nghiệp. Mỗi một giao dịch đều mang về cho anh lợi nhuận 15 – 20%/ thương vụ.
Theo môi giới này chia sẻ, giá đất nền ven khu công nghiệp giống như một miếng bánh béo bở, chỉ cần có vốn gom các lô giá chỉ chưa đầy 10 triệu đồng/m2 khi bắt đầu có thông tin quy hoạch cho đến khi có quy hoạch, giá đất sẽ tăng, dù ít hay nhiều thì nhà đầu tư đều có lãi. Thậm trí có những lô đất trước anh chỉ mua 8 triệu đồng/m2, nay đã lên tới 12- 14 triệu đồng/m2.
“Hiện tại, dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư không thể đi xem đất nền được, 3 lô đất của tôi “ế” khách nhưng tôi cũng không cắt lỗ. Bởi vốn của tôi vẫn dài, đủ sức đợi đến khi hết dịch, hết giãn cách xã hội”, môi giới này cho hay.