Lợi nhuận giảm mạnh do Covid-19, doanh nghiệp địa ốc bán nhà giá gốc trước tháng 'cô hồn'
Chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19, lợi nhuận doanh nghiệp địa ốc sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Để có doanh thu và hoàn thành kế hoạch năm, nhiều doanh nghiệp địa ốc tung chiết khấu khủng mong bán được hàng và có dòng tiền khi tháng "cô hồn" - tháng làm ăn khó khăn nhất của doanh nghiệp địa ốc đã đến rất gần.
Lợi nhuận giảm mạnh
Kết thúc quý 2/2020, nhiều doanh nghiệp địa ốc báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh không mấy khả quan được nhiều doanh nghiệp lý giải là do dịch Covid-19. Bởi dịch khiến khiến tiến độ bán hàng chậm lại, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có doanh thu vì không bán được hàng.
Cụ thể, CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) công bố doanh thu 242 tỷ đồng, giảm mạnh khoảng 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế là 68 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019, là quý có lợi nhuận thấp nhất trong 9 quý gần đây.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Nam Long đạt doanh thu 658 tỷ, lợi nhuận sau thế 179 tỷ, lần lượt giảm lần lượt giảm 277,2 ty đồng và 99,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Công ty tăng 9% so đầu năm lên 11.818 tỷ đồng. Trong đó, gần 40% tài sản là hàng tồn kho tại 12 dự án, tương đương 4.913 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) với doanh thu thuần giảm 68% so với cùng kì năm trước, còn 101 tỷ đồng. Theo NTL, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh khiến tiến độ bán hàng và thu tiền chậm lại, dẫn đến doanh thu bị sụt giảm so với quí 2/2019.
Lợi nhuận gộp tương ứng giảm 47%, còn 60 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng đột biến từ 139 triệu đồng lên 3,5 tỷ đồng. Kết quả công ty bão lãi giảm phân nửa so với cùng kỳ, đạt 42 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, NTL đạt 143 tỷ đồng doanh thu thuần và 68 tỷ đồng lãi trước thuế, tương ứng giảm 68% và 55% so với nửa đầu năm 2019. Với kết quả này, NTL mới hoàn thành được 16% chỉ tiêu doanh thu và 17% lãi trước thuế cả năm.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, hàng tồn kho chiếm phàn lớn trong tài sản ngắn hạn, ghi nhận 1.160 tỷ đồng, tập trung phần lớn vào chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại các dự án doanh nghiệp đang triển khai.
Hay tại Công ty CP Đầu tư LDG (LDG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 393 tỷ đồng, lãi gộp 95 tỷ đồng trong quý 2/2020. Tuy nhiên, doanh thu tài chính trong kỳ chỉ đạt hơn 30 triệu đồng, giảm mạnh so với kết quả 150 tỷ đồng thu về hồi quý 2/2019 (chủ yếu do thanh lý).
Kết quả, dù doanh thu tăng mạnh, lãi ròng quý 2 của LDG lại giảm đến 99%, chỉ còn 1 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, lãi ròng của công ty giảm sốc 99% xuống còn hơn 2 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái đạt 198 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch năm 2020, LDG mới chỉ thực hiện được 22% chỉ tiêu doanh thu thuần và 0,4% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Đáng chú ý, quý 2/2020, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã lần đầu báo lỗ ròng, kể từ quý 4/2016. Riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 478 tỷ đồng giảm 43% so với cùng kỳ, khấu trừ chi phí công ty báo lỗ hơn 29 tỷ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DXG đạt 1.080 tỷ đồng doanh thu thuần giảm hơn một nửa, lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ, giảm 81% so với nửa đầu năm 2019.
Năm 2020, Đất Xanh đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.034 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 16% và 15% so với kết quả năm 2019. Với kế hoạch này, kết thúc nửa đầu năm 2020 DXG mới hoàn thành được 22% mục tiêu về doanh thu.
Theo thống kê của Vndirect, trong quý 2, ngành bất động sản cũng sụt giảm lợi nhuận đến 29,3% so với cùng kỳ do khó khăn trong việc ghi nhận doanh thu chuyển nhượng căn hộ và mở bán. Còn theo Savills, hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản hiện đang chứng kiến mức giảm sút lớn trong các giao dịch.
Nỗi lo tháng “cô hồn”
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch là tháng “cô hồn”, tháng “thất bát”... nên hay kiêng kỵ mua những tài sản lớn như nhà cửa, bất động sản đầu tư khiến mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán đều bị đình trệ, nhất là việc mua nhà. Tâm lý này đã ảnh hường không nhỏ đến hoạt động kinh doanh trên thị trường bất động sản.
Nhiều năm trở lại đây, các báo cáo về thị trường bất động sản đều thể hiện sự sụt giảm về giao dịch ở tháng 7 âm lịch.
Lý giải về tình trạng này, các chuyên gia đều khẳng định, điều này là bình thường. Bởi tháng Ngâu - được cho là tháng không may mắn trong kinh doanh và các nhà đầu tư thường có tâm lý tránh giao dịch trong tháng này.
Theo chia sẻ của một chuyên gia môi giới nhà đất, nếu thị trường có sôi động vào thời điểm này thì chủ yếu là khách hàng đi xem trước, còn quyết định mua thường được chọn thời điểm sau khi hết tháng. Vì vậy, mức sụt giảm trong tháng “cô hồn" có thể lên tới 70-80%.
Thị trường vốn đã khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nay lại chuẩn bị bước vào tháng “cô hồn” vốn có “truyền thống” ảm đạm khiến thị trường trong những tháng cuối năm sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Để tiếp cận tốt hơn với nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tích cực đẩy thêm những sản phẩm BĐS khác biệt ra thị trường và tung những “chiêu độc” để bán hàng.
Nhằm cải thiện doanh số bán hàng, hàng loạt các chủ đầu tư dự án bất động sản và sàn phân phối đã lên kế hoạch sẵn sàng cho một đợt ra quân mới trên thị trường. nhiều doanh nghiệp tung ra các "chiêu" khuyến mãi nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng trước khi bước vào tháng 7 âm, thậm chí trước đó 2,3 tháng như như chiết khấu tỷ lệ % cao, cam kết mua lại với lãi suất cao, cam kết lợi nhuận cao, ân hạn nợ gốc vô thời hạn, tặng nội thất, tặng quà giá trị lớn…
Cụ thể, từ tháng 5/2020 ngay sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, Apec Group đã mạnh tay "tung" chiêu độc mua nhà ân hạn nợ gốc vô thời hạn để hút khách hàng.
Theo đó, khách hàng chỉ phải thanh toán từ 20% đến thời điểm bàn giao bàn giao, số tiền còn lại, khách hàng có thể trả dần “vô thời hạn” với lãi suất hàng tháng chỉ từ 3,5 triệu/tháng, khoảng 7,5%. Trong khi đó, sau khi nhận bàn giao, khách hàng nhận căn hộ có thể đưa căn hộ vào khai thác vận hành luôn, tạo ra dòng tiền bền vững, gần như ngay lập tức và đặc biệt không còn nỗi lo nợ ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư khác lại chọn cách chấp nhận giảm lợi nhuận để đẩy hàng trong bối cảnh thị trường khó khăn bằng cách quay lại hình thức cam kết trả lợi nhuận, mua lại sản phẩm bất động sản với giá cao, chiết khấu cao…
Chiêu thúc bán hàng này đang được Tập đoàn TNR Holdings áp dụng bán căn hộ "hàng tồn" hàng năm nay tại tòa Sapphire 2 thuộc dự án TNR Goldmark City.
Cụ thể, người mua căn hộ dự án TNR Goldmark City sẽ được hưởng chiết khấu tới 17% khi quyết định kí hợp đồng mua bán căn hộ.
Ngoài ra, khách hàng chỉ cần thanh toán 30% giá trị căn hộ là đã có thể nhận nhà về ở ngay, trở thành chủ nhân của căn hộ cao cấp tại Sapphire 2. Đặc biệt, áp dụng giải pháp hỗ trợ tài chính linh hoạt, khách hàng sẽ được giãn tiến độ thanh toán giá trị căn hộ còn lại đến 36 tháng, bên cạnh đó, hỗ trợ vay 50% giá trị căn hộ với lãi suất 0% trong vòng 18 tháng...
Tương tự Sapphire 2 của TNR Goldmark City, hàng loạt dự án cũng đưa ra mức chiết khấu cao ngất ngưởng như: Athena Complex Pháp Vân chiết khấu 11%; HPC Landmark 105 Hà Đông chiết khấu 12%; dự án TSG Lotus (Long Biên) chiết khấu 7,5%; King Palace (108 Nguyễn Trãi) chiết khấu 12,9% và còn tặng kèm gói nội thất...
Với cam kết mua lại, Tập đoàn Nam Group với cam kết mua lại với lãi suất 12% cho khách hàng trong đợt ra mắt nhà phố thương mại biển The Sound. Theo đó, vào thời điểm bàn giao, nếu nhà đầu tư không muốn nhận nhà để khai thác kinh doanh, Nam Group cam kết mua lại sản phẩm với lãi suất 12%.
Cengroup cũng tung chương trình bán hàng độc đáo tại các căn hộ dịch vụ từ tầng 31 – 39 Cen Riverside Hà Nội tại dự án Eurowindow River Park (Đông Anh, Hà Nội). Theo đó, Cengroup cam kết lợi nhuận 10%/năm trong 5 năm.
Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cũng công bố Chương trình tiết kiệm nhà ở năm 2020 hợp tác cùng Vietcombank, chương trình được áp dụng cho các căn hộ tại dự án Mizuki Park.
Theo đó, khách hàng có nhu cầu mua căn hộ thay vì chuyển tiền giữ chỗ cho chủ đầu tư thì sẽ mở tài khoản tiết kiệm tại Vietcombank đứng tên khách hàng và hưởng lãi suất như gửi tiết kiệm thông thường cho đến khi chủ đầu tư mở bán sản phẩm. Khách hàng hoàn toàn chủ động kiểm soát và tất toán tài khoản tiết kiệm tại bất kỳ thời điểm nào. Đến thời điểm mở bán, sổ tiết kiệm này sẽ được chuyển thành một phần tiền cọc cho chủ đầu tư…
Việc các doanh nghiệp địa ốc liên tục khuyến mãi, giảm giá, tung các chính sách kích cầu thị trường khi bán hàng giữa “tâm dịch” được xem là những chính sách bán hàng phù hợp trong bối cảnh thị trường BĐS đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chuẩn bị bước vào tháng “cô hồn”.
Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy thị trường bất động sản đang đứng trước giai đoạn khó khăn mới, yêu cầu các doanh nghiệp cần năng động, nhanh chóng thích ứng với bối cảnh mới để cầm cự tốt qua giai đoạn dịch và tháng “cô hồn” sắp tới.
Theo Lục Giang/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/loi-nhuan-giam-manh-do-covid-19-doanh-nghiep-dia-oc-ban-nha-gia-goc-truoc-thang-co-hon-d80515.html