Giá bất động sản cuối năm vẫn tăng, nhưng sẽ khó “sốt”?
Sau giai đoạn phục hồi từ nửa cuối năm 2024, thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu tích cực hơn trong năm 2025. Nhận định về giá bất động sản 6 tháng cuối năm, các chuyên gia đều cho rằng cơ bản vẫn sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm. Tuy nhiên để diễn ra tình trạng “sốt đất” thì rất khó.

Tín hiệu phục hồi rõ nét
Sau gần ba năm trầm lắng kéo dài, thị trường bất động sản Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi rõ nét từ nửa đầu năm 2025. Sự phục hồi không chỉ thể hiện qua mức tăng giá ổn định ở một số phân khúc, mà còn ở thanh khoản được cải thiện, niềm tin nhà đầu tư và người mua nhà quay trở lại.
Theo dữ liệu từ Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2025, mặt bằng giá nhà ở tại TP.HCM và Hà Nội đã tăng trung bình từ 3–5%, tập trung ở phân khúc căn hộ trung cấp và đất nền tại các đô thị vệ tinh. Tại TP.HCM, nhiều dự án căn hộ trung cấp tại khu vực Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè đã tăng từ 80–150 triệu đồng/m² lên mức 85–160 triệu đồng/m² tùy vị trí. Tương tự, ở Hà Nội, các dự án quanh vành đai 3, vành đai 4 cũng ghi nhận mức tăng từ 5–10 triệu đồng/m² so với đầu năm.
Một trong những tín hiệu tích cực rõ rệt nhất là thanh khoản thị trường đã có sự phục hồi sau thời gian dài “đóng băng”. Theo báo cáo từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tổng lượng giao dịch trong quý II/2025 đạt hơn 55.000 sản phẩm, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, tỉ lệ hấp thụ tại nhiều dự án mới mở bán đạt 60–70%, cao hơn mức bình quân năm ngoái chỉ khoảng 30–40%.
Lý giải về sự khởi sắc này, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết: “Lãi suất vay mua nhà đã giảm về mức 8–9%/năm, cùng với đó là các chính sách ưu đãi từ chủ đầu tư như thanh toán linh hoạt, hỗ trợ lãi suất, đã góp phần kích cầu người mua thực quay lại thị trường.”
Ngoài ra, gói tín dụng nhà ở xã hội hơn 120.000 tỷ đồng đã được giải ngân khoảng 40% tính đến cuối quý II/2025, giúp tăng nguồn cung và sức cầu ở phân khúc căn hộ giá rẻ, nhà ở cho công nhân, người thu nhập trung bình.
Nhưng sẽ khó “sốt” vào cuối năm?
Tuy thị trường đã bước vào giai đoạn phục hồi, song sự phục hồi không diễn ra đồng loạt mà có sự phân hóa rõ nét. Các khu vực có kết nối hạ tầng tốt, quy hoạch rõ ràng, pháp lý minh bạch ghi nhận sự quan tâm lớn, trong khi những vùng xa, pháp lý chưa rõ ràng, hoặc phụ thuộc vào đầu cơ vẫn ảm đạm.
Theo đó, nhiều chuyên gia đánh giá, mặc dù giá bất động sản sẽ tăng từ nay đến cuối năm nhưng để diễn ra tình trạng “sốt đất” sẽ rất khó.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc công ty PropertyGuru Vietnam, hiện người mua và người bán bất động sản vẫn chưa gặp nhau ở mức giá phù hợp. Dù chính sách đã có chuyển biến tích cực như nới lỏng tín dụng hay thúc đẩy đầu tư công nhưng sức mua thực tế chưa phục hồi rõ rệt. Báo cáo quý I của đơn vị này cũng cho thấy mức độ quan tâm đến bất động sản toàn quốc chỉ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường không thể “nóng” trở lại là do sự siết chặt pháp lý của các dự án nhà ở, đặc biệt là các dự án cao cấp tại TP.HCM và Hà Nội. Nhiều chủ đầu tư vẫn loay hoay hoàn tất các thủ tục pháp lý, khiến nguồn cung mới tiếp tục bị hạn chế. Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ - nơi có nhu cầu thực lớn - lại chưa được triển khai đủ mạnh để tạo lực đẩy cho thị trường.
Ngoài ra, tâm lý người dân và nhà đầu tư cá nhân vẫn rất dè dặt sau giai đoạn "đóng băng" kéo dài từ cuối 2022 đến 2024.
TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế – phân tích: “Sau giai đoạn siết tín dụng và các cú sốc từ thị trường trái phiếu, nhà đầu tư đang cẩn trọng hơn rất nhiều. Dòng tiền không còn dồi dào để đẩy giá bất động sản lên cao như trước, nhất là khi kỳ vọng sinh lời ngắn hạn đã giảm rõ rệt.”
Ngoài ra, chính sách kiểm soát pháp lý dự án, chống thổi giá và siết phân lô bán nền tại nhiều địa phương đã phần nào “hạ nhiệt” các cơn sốt đất cục bộ. Dù thị trường có phục hồi, nhưng chủ yếu là phục hồi giao dịch, còn tâm lý đầu cơ lướt sóng đã giảm mạnh.
Theo thống kê của VARS cũng cho thấy, trong quý II/2025, lượng giao dịch toàn quốc đạt khoảng 55.000 sản phẩm, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với thời điểm “sốt đất” năm 2021–2022.
Có thể thấy thị trường bất động sản đang trong quá trình phục hồi, nhưng tốc độ sẽ diễn ra theo hướng “ấm dần theo quý” thay vì “bùng nổ”. Việc giá tăng trở lại là điều có thể xảy ra, nhưng sẽ theo hướng ổn định, dựa trên nhu cầu thật và chất lượng sản phẩm.