Lợi nhuận trái chiều của loạt 'đại gia mới nổi' trong lĩnh vực ngân hàng

9 tháng đầu năm, chi phí hoạt động và nợ xấu tại LienVietPostBank tăng nhanh; SaigonBank báo lãi quý 3/2020 giảm mạnh, cho vay tăng trưởng âm,...

Trước thềm lên sàn, lợi nhuận quý 3/2020 tại OCB lao dốc

Vừa qua, OCB đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 876,7 triệu cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). 

Trước đó, Ngân hàng đã hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Aozora (AOZ, Nhật Bản). Tới đầu tháng 10, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 8.767 tỷ đồng lên 10.959 tỷ đồng từ việc chia cổ tức.

Theo đại diện lãnh đạo OCB, đây là thông tin tích cực được các cổ đông quan tâm và là tiền đề để ngân hàng triển khai việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, mới đây ngân hàng bất ngờ thông báo lợi nhuận quý 3/2020 lao dốc cùng với đó là chất lượng tín dụng kém sáng.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần của OCB chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 1.088 tỷ đồng.

Do lãi thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 8%, còn hơn 929 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 49% lên hơn 282 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế quý 3/2020 cùng giảm 22% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 647 tỷ đồng và hơn 517 tỷ đồng.

Ngoài ra, các hoạt động ngoài lãi cho kết quả không đồng nhất. Một số hoạt động tăng mạnh so với cùng kỳ như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 25% lên mức 193 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp 4,7 lần, đạt 39 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp 86,5 lần, đạt gần 46 tỷ đồng. Riêng lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm tận 77%, đạt 78 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác cũng giảm 7%, còn 39 tỷ đồng.

Lợi nhuận trái chiều của loạt 'đại gia mới nổi' trong lĩnh vực ngân hàng - Ảnh 1
Chất lượng sử dụng nguồn tiền tại OCB. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020
Chất lượng sử dụng nguồn tiền tại OCB. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020

Đáng lưu ý, chất lượng sử dụng nguồn tiền trong 9 tháng đầu năm của OCB cũng gặp vấn đề khi ghi nhận nhiều con số âm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm gần 11.735 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 3.785 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm hơn 9.327 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 âm gần 3.833 tỷ đồng. Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm cũng đang âm gần 12.712 tỷ đồng;…

Về chất lượng nợ cho vay, tính đến 30/9/2020 nợ xấu của OCB tăng gần 30% lên mức 1.700 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ với 81% chiếm 409 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn cũng tăng hơn 11% lên 816 tỷ đồng; nợ cần chú ý tăng 35% với 474 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của OCB tăng từ 1,84% của đầu kỳ lên tới 2,15%.

Hơn nữa, các khoản lãi và phí phải thu (lãi dự thu) cũng tăng 12% so với đầu năm, lên mức 1.566 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020

Vừa lên sàn, SaigonBank báo lãi quý 3/2020 giảm mạnh, cho vay tăng trưởng âm

308 triệu cổ phiếu SGB của SaigonBank vừa lên sàn UPCoM vào ngày 15/10/2020 với giá tham chiếu 25.800 đồng/cp. Tuy nhiên đến nay, cổ phiếu SGB đã lao dốc 49% xuống mức 13.100 đồng/cp trong phiên ngày 28/10

Cũng tương tự như OCB, nhìn chung hoạt động kinh doanh của Saigonbank trong quý 3/2020 không được khả quan.

Kết quả kinh doanh tại Saigonbank. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 
Kết quả kinh doanh tại Saigonbank. Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 

Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm đến 36%, chỉ còn gần 135 tỷ đồng, lãi thuần từ dịch vụ giảm 11%, chỉ còn hơn 10 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 3/2020 của Saigonbank tăng đến 94% so với cùng kỳ, lên mức gần 21 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước thuế và sau thuế trong quý 3 của Ngân hàng giảm đến 61% và 64% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 52 tỷ đồng và hơn 45 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước và sau thuế của Saigonbank giảm lần lượt 20% và 26% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 177 tỷ đồng và hơn 145 tỷ đồng. Như vậy so với kế hoạch 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2020, Saigonbank mới chỉ vượt kế hoạch đến 36%. 

Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản có của SaigonBank giảm gần 100 tỷ về mức 22.700 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng chiếm 14.092 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm.

Đáng lưu ý, lãi dự thu tại Saigonbank trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng 35% so với đầu năm, lên mức hơn 279 tỷ đồng.

Chuẩn bị chuyển sàn, chi phí hoạt động và nợ xấu tại LienVietPostBank tăng nhanh

Ngày 14/10, cổ phiếu mã LPB của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa chính thức được chấp thuận niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) theo Quyết định số 621/QĐ-SGDHCM. Tổng cộng có 976.948.319 cổ phiếu phổ thông được niêm yết tương ứng tổng giá trị chứng khoán niêm yết là 9.769 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Việc niêm yết cổ phiếu LPB trên HOSE góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị của LienVietPostBank đối với các nhà đầu tư, đồng thời giúp nâng cao thanh khoản của cổ phiếu, qua đó xác định đúng giá trị của cổ phiếu, giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính để tạo ra sự đột phá trong kinh doanh.

Khác với OCB và Saigonbank, trong 9 tháng đầu năm 2020, hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank (LPB) đều khả quan hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể, lợi nhuận trước và sau thuế của LPB tăng 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.741 tỷ đồng và hơn 1.395 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, LPB đã vượt kế hoạch so với chỉ tiêu 1.700 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm 2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi phí hoạt động tại LPB đang cao hơn so với tốc độ tăng trưởng hoạt động. Vì vậy, cần phải xem lại tính hiệu quả trong kinh doanh của LPB.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, chi phí hoạt động của LienVietPostBank còn tăng nhiều hơn lợi nhuận sau thuế, đạt hơn 3.136 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2019.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại LienVietPostBank.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại LienVietPostBank.

Chưa kể, nhìn vào BCTC của LPB có thể thấy các khoản nợ của nhà băng này vẫn khá nhức nhối.

Về tình hình chất lượng nợ cho vay, tính đến 30/9/2020, tổng nợ xấu của LPB tăng mạnh 29% so với đầu năm, lên gần 2.611 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn với 42%, nợ nghi ngờ tăng 27%, nợ có khả năng mất vốn tăng 26%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,44% đầu năm lên 1,64%.

Về dư nợ theo thời gian, nợ ngắn hạn lên đến hơn 45.180 tỷ đồng; nợ trung hạn mức gần 78.661 tỷ đồng và nợ dài hạn là hơn 35.149 tỷ đồng. 

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại LienVietPostBank.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại LienVietPostBank.

Chưa kể, chất lượng sử dụng nguồn tiền cũng ghi nhận nhiều con số âm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm gần 10.136 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm hơn 169 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm gần 10.305 tỷ đồng,…

Đáng lưu ý, lãi dự thu tại LienVietPost trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng 41% so với đầu năm, lên mức gần 6.024 tỷ đồng.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ