“Lối thoát” nào cho doanh nghiệp bất động sản?
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, doanh nghiệp bất động sản hiện giống như người bệnh, không được cung cấp “thuốc chữa”, chỉ được phát cho một số “thực phẩm chức năng” thì về bản chất bệnh cũng không thể hết, chỉ là cầm cự và kéo dài thời gian sống thêm được ngày nào hay ngày ấy.
Doanh nghiệp bất động sản “đuối sức”
Theo dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) chỉ ra rằng, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% trụ được đến hết năm 2023.
Thậm chí nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường bất động sản sẽ phải đón nhận hiện tượng “ra đi” của hàng loạt đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và cả môi giới.
Các chuyên gia cảnh báo, điều này sẽ khiến nhiều người lao động phải đối diện với nguy cơ mất việc làm, gây hệ lụy tiêu cực đến cuộc sống, an sinh xã hội.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2023 số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới chỉ có 2.179 đơn vị, giảm tới 58,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 654 đơn vị, cũng tăng tới 21,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch VARs Nguyễn Văn Đính phân tích, kể từ giữa tháng 5 năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản vẫn khó khăn do chịu ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khách quan như dịch bệnh và chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm...
Cùng đó là nguyên nhân chủ quan do hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... cũng như vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ một cách triệt để...
Những yếu tố này khiến thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng. Lãi suất duy trì ở mức cao từ cuối năm 2022 và đã giảm nhẹ từ đầu đầu năm đến nay nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp - ông Đính phân tích.
Khi áp lực chi phí tài chính tăng cao trong khi dòng tiền “khan hiếm” vì không bán được hàng, không huy động được vốn từ trái phiếu, không đủ tiêu chuẩn vay vốn tín dụng... khiến sức khỏe các doanh nghiệp bất động sản ngày càng suy yếu.
Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường bất động sản mà còn kéo theo sự trì trệ của hàng loạt ngành nghề liên quan khác.
Bởi trên thực tế, lĩnh vực bất động sản trực tiếp đóng góp 15% tỷ trọng vào GDP của quốc gia, cùng với sức lan tỏa tới 40 ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế như: xây dựng, ngân hàng - tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, du lịch, nông nghiệp…
Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong “hệ sinh thái” kinh tế, tác động đến chuỗi sản xuất và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, an sinh xã hội, việc làm...
“Lối thoát” nào cho doanh nghiệp bất động sản?
Với từng đối tượng cụ thể, VARs đưa ra 3 phương án. Cụ thể, đầu tiên là đối với các doanh nghiệp còn lực, còn “dấu hiệu sinh tồn”, khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp các vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm. Để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường. Phương án này ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thực. Đặc biệt lưu ý những doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án nhưng đã hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý, cần tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối các chủ đầu tư với các nhà đầu tư để thực hiện kêu gọi đầu tư hoặc M&A.
Cuối cùng, đối với các doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không còn đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ, thực hiện mua lại các dự án của doanh nghiệp. Sau đó hoàn thiện thủ tục vướng mắc tồn tại. Rồi thực hiện đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư mới thực hiện dự án.
Tuy nhiên, để tự cứu lấy mình, doanh nghiệp đầu tư phát triển bất động sản cần xem xét lại nguồn lực, rà soát lại những dự án đang có và bán một phần hoặc toàn bộ dự án để giảm gánh nặng chi phí. Chỉ nên giữ lại các dự án tiềm năng mà doanh nghiệp đủ năng lực triển khai; kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết, bán một phần hoặc toàn bộ dự án không thể tiếp tục triển khai thực hiện. Có như vậy mới mang dòng tiền về tái thiết lập bộ máy, thực hiện các dự án khả thi.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm khách hàng, nhà đầu tư hoặc liên hệ qua các đơn vị chuyên nghiệp để hỗ trợ kết nối với đối tác có nhu cầu hợp tác đầu tư hoặc mua lại dự án.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để sớm đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp cũng cần giảm bớt kỳ vọng, thậm chí sẵn sàng chấp nhận bán lỗ; cân nhắc việc tiếp tục “ôm” dự án, gồng gánh chi phí để rồi “sa lầy” trong số lãi ngày càng tăng, đối mặt với nguy cơ phá sản.