Long An tự nhận không đủ tầm, từ chối làm điều phối dự án Vành đai 4 TP. HCM

UBND tỉnh Long An đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà để báo cáo các khó khăn trong việc giao tỉnh Long An là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP. HCM.

Vành đai 4 TP. HCM đi qua 5 tỉnh, thành là TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An (ảnh minh họa)
Vành đai 4 TP. HCM đi qua 5 tỉnh, thành là TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An (ảnh minh họa)

Trong công văn do Chủ tịch UBND tỉnh Long An ký nêu rõ, Long An là một địa phương vùng ven của TP. HCM. Tuy có đoạn vành đai 4 TP. HCM đi qua địa bàn là dài nhất (từ kênh Thầy Cai đến Hiệp Phước dài 78,3 km, đã bao gồm đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM), Long An cũng không thể đại diện cho cả vùng.

Xét về khía cạnh pháp lý, Long An không đủ tầm ảnh hưởng để tổng hợp, điều phối, triển khai dự án tầm cỡ lớn có tính chất liên vùng (theo kinh nghiệm, Hà Nội từng là cơ quan điều phối triển khai Dự án vành đai - vùng Thủ đô, bởi Hà Nội là trung tâm và có thể lãnh đạo toàn vùng được quy định tại Luật Thủ đô).

Xét về khía cạnh kinh nghiệm, Long An cũng chưa từng triển khai dự án lớn như vậy. Do đó, nếu giao tỉnh Long An làm cơ quan tổng hợp, điều phối của Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP. HCM là rất khó và có thể sẽ gây chậm trễ cho việc triển khai công trình theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, Long An là một trong 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, việc giao tỉnh Long An tổng hợp, điều phối thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP. HCM với các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ là không phù hợp.

Mặt khác, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP. HCM thuộc dự án nhóm A cần thông qua Quốc hội. Vì vậy, việc giao nhiệm vụ cho một cơ quan tổng hợp, điều phối đủ mạnh về mặt pháp lý, có kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án lớn, có tính chất trọng điểm Quốc gia sẽ phù hợp hơn là để một tỉnh hoặc TP. HCM đại diện triển khai, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Với các khó khăn nêu trên, UBND tỉnh Long An đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP. HCM.

Trước đó, tại buổi làm việc vào ngày 16/4/2023 của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng có đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Long An là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP. HCM trên cơ sở là địa phương có đoạn dài nhất đi qua.

Vành đai 4 TP. HCM đi qua các địa phương: TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Hiện các địa phương đang lập báo cáo tiền khả thi từng đoạn qua địa bàn.

Theo Quyết định số 1698 do Thủ tướng ban hành ngày 28/9/2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TP. HCM, Bộ Giao thông Vận tải được giao trách nhiệm tổ chức điều phối triển khai thực hiện dự án này. UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất. 

Ðến tháng 7/2021, theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ đã đồng ý giao UBND các địa phương chủ trì quản lý đầu tư dự án hoặc là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bộ Giao thông Vận tải vẫn giữ vị trí điều phối tổ chức, tổng hợp tình hình triển khai các dự án và báo cáo Phó thủ tướng định kỳ 6 tháng. 

Bộ Giao thông Vận tải còn được giao nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo chung do một lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban chỉ đạo, cùng với thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan để điều phối chung.

Trần Lê

Theo VietnamFinance