M&A 2024: Dư tiền nghìn tỷ, hàng rẻ mời chào, nhiều ông chủ vẫn e dè
Nhiều doanh nghiệp tỏ ra e dè, thận trọng cho kế hoạch M&A trong năm 2024 và thời gian tới. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại cởi mở và sẵn sàng xuống tiền khi đạt được mức giá hợp lý.
Thận trọng, giữ tiền phòng thủ
Tại mùa ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo các doanh nghiệp đã tiết lộ kế hoạch kinh doanh và đầu tư cho năm 2024 và những năm sau đó. Trước những câu hỏi về kế hoạch M&A cho thời gian tới, nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá e dè và thận trọng khi chưa có kế hoạch chính thức nào được thông qua để chia sẻ với cổ đông.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) cho biết, VNM đang rất thận trọng với kế hoạch M&A. Theo bà, công ty chỉ thực hiện mua bán sáp nhập khi hoạt động này đem lại hiệu quả.
Dù đã được nhiều đối tác nước ngoài đã giới thiệu các thương vụ M&A, VNM cho biết vẫn đang ở bước nghiên cứu, chưa có thông tin chính nào để công bố.
Tương tự, tại Tập đoàn PAN (HoSE: PAN), Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cũng cho biết, hiện tại chưa nhìn thấy thương vụ nào phù hợp để công ty thực hiện M&A. Theo ông, bất cứ doanh nghiệp nào hợp nhất về PAN đều phải mang lại giá trị cho công ty.
Những thương vụ M&A trước đây nhằm chuẩn bị nền tảng (platform) để phát triển trong ngành nông nghiệp và đang chứng minh quyết định thực hiện là đúng.
Chủ tịch Sakchai Patiparnpreechavud của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 cho biết, dù đang nắm giữ quỹ tiền nhàn rỗi khá lớn (khoảng 2.200 tỷ đồng), nhưng công ty chưa có kế hoạch M&A hay kế hoạch tăng trưởng mở rộng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trước những ý kiến của cổ đông, ban lãnh đạo BMP cho biết sẽ thảo luận thêm để BMP tiếp tục phát triển mở rộng trong tương lai.
Ở khối nhà băng, đại diện Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB), Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết, ngành ngân hàng có nhiều tổ chức tín dụng cần sự hỗ trợ từ đối tác, cũng như có yêu cầu từ cơ quan quản lý. Tới thời điểm hiện tại, ACB đã quan sát một số đơn vị có thể thực hiện M&A, tuy nhiên ngân hàng vẫn quyết định ưu tiên phát triển nội tại ACB trước.
Với việc bán vốn ACBS, ông Trần Hùng Huy cho biết đã tiếp xúc với đối tác có thể giúp công ty chứng khoán này nâng tầm hoạt động trong thời gian trước, tuy nhiên tình hình đã thay đổi sau khi dịch Covid-19 hoành hành. Do đó ACB sẽ tiếp tục phát triển ACBS trong thời gian tới.
Cũng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) cho biết doanh nghiệp đã phải “cắt” nhiều dự định M&A đã theo đuổi trong thời gian dài sau khi trải qua giai đoạn dịch bệnh.
“Giữa cơn gió ngược sau dịch Covid-19, các công ty mà chúng tôi nhắm tới cho hoạt động M&A rất lung lay trong sóng gió, nhiều rủi ro và khó khăn tiềm tàng bộc lộ”, Tổng giám đốc TLG cho biết.
Được biết, việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Pega Holdings – một đơn vị có hoạt động kinh doanh chính là sách, báo và tạp chí, từ 25% lên 40%. Đây là một trong những hoạt động M&A hiếm hoi của TLG trong năm 2023.
Hiếm những DN sẵn sàng M&A
Bên cạnh sự thận trọng của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một số khác lại cởi mở hơn với kế hoạch M&A.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Thế Giới số (Digiworld, HoSE: DGW), ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch DGW cho biết, M&A là định hướng phát triển quan trọng khi mà công ty đã tìm được công thức thành công cho M&A. Theo đó, ban lãnh đạo DGW cho biết công ty luôn có danh sách các thương vụ M&A, nghiên cứu và đặt mục tiêu 2-3 thương vụ mỗi năm.
“Thực hiện M&A sẽ giúp cho DGW tiến nhanh hơn và tận dụng được thế manh của công ty về sự hiểu biết thị trường, chuyên nghiệp và nền tảng backend vững chắc”, Chủ tịch Đoàn Hồng Việt chia sẻ tại đại hội.
Ban quản trị của Công ty cổ phần Thaiholdings (HNX: THD) cho biết định hướng năm 2024 là tiếp tục tìm kiếm các dự án bất động sản tiềm năng để M&A. Ông Vũ Ngọc Định, thành viên HĐQT Thaiholdings cho biết bối cảnh nền kinh tế với nhiều thông tin và diễn biến bất lợi như hiện nay là cơ hội để công ty M&A các dự án chi phí thấp, rõ ràng về pháp lý và tiềm năng.
“Ông lớn” ngành bia, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) cũng cho biết luôn tìm kiếm và nghiên cứu các cơ hội M&A. Trong đó tại thị trường Việt Nam, Sabeco đã thấy một số cơ hội M&A hứa hẹn và đang chờ đợi thời cơ để đạt được mức giá hợp lý nhất để cân nhắc thực hiện.
TS Nguyễn Tuấn Anh (Đại học RMIT Việt Nam) dự báo thị trường M&A của Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2024.
Theo ông, các nhà đầu tư sẽ nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng muốn chốt thương vụ trong lĩnh vực có thể tận dụng được mức định giá rẻ như: bất động sản, xây dựng.
TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng sự tích cực và sôi động trên thị trường M&A còn đến từ nguyên nhân nội tại của các doanh nghiệp nội địa, khi nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp đang buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư để giải quyết sức ép về tài chính.