M&A sẽ sôi động trong năm 2024

Năm 2023, thị trường M&A bất động sản ghi nhận hai điểm nhấn nổi bật: Một là động lực và quy mô M&A tăng; hai là các nhà đầu tư nước ngoài chiếm phần lớn thị phần. Dự báo trong năm 2024, hoạt động M&A tiếp tục có chiều hướng tăng trưởng trong năm tới.

 

M&A sẽ sôi động trong năm 2024 - Ảnh 1

Nhiều thương vụ được ghi nhận trong năm 2023

Sau một năm ảm đạm vì thị trường bất động sản có xu hướng giảm đà tăng trưởng, để níu lại thị trường, tạo dòng tiền hoạt động, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản buộc phải bán bớt dự án. Do đó, M&A bất động sản năm 2023 nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như ghi nhận nhiều thương vụ lớn.

Một số thương vụ lớn nổi lên ở thị trường bất động sản như thương vụ ESR Group Limited chi 450 triệu USD mua lại cổ phần chiến lược Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BW Industrial), một trong những nhà phát triển công nghiệp và hậu cần (logistics) lớn nhất và phát triển nhanh nhất Việt Nam. BW Industrial có kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới để tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong việc phát triển hạ tầng quan trọng cho nền kinh tế mới và tận dụng sự thay đổi trong sản xuất sang Việt Nam.

Hay như thương vụ của Gamuda Land (Malaysia) mua lại 100% cổ phần trị giá 316 triệu USD tại Tập đoàn bất động sản Tâm Lực để mở rộng tại Việt Nam. Nhà đầu tư này đang lên kế hoạch cho một dự án phức hợp cao cấp trị giá 1,1 tỷ USD trên mảnh đất được mua lại ở trung tâm TP Thủ Đức.

Một số thương vụ khác có thể kể đến như: Tập đoàn Đầu tư Din Capital (mã PDB) đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng toàn bộ 1,1 triệu cổ phần Cosmos Housing (tương đương 2,673% vốn điều lệ) từ Công ty TNHH đầu tư Plutus Việt Nam. Din Capital đang nuôi tham vọng chuyển từ sản xuất bê tông lấn sang lĩnh vực bất động sản, trọng tâm là địa bàn TP. Đà Nẵng với dự án đầu tay là Khu phức hợp trung tâm thương mại - căn hộ DaNang Landmark có tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.

Tương tự, thông qua M&A, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) cũng chính thức nhập cuộc chơi bất động sản với dự án nhà ở xã hội tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau trên quy mô mặt bằng 17,67ha, với tổng vốn đầu tư dự án là 632,8 tỷ đồng.

Theo báo cáo của KPMG, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giao dịch M&A của cả nước đạt 4.4 tỷ USD, với hơn 260 thương vụ. Giá trị trung bình các thương vụ đạt 54.5 triệu USD; thương vụ lớn nhất là 1.45 tỷ USD; mức độ tăng trưởng kép hàng năm 10.3% từ năm 2008. Trong đó, các thương vụ M&A bất động sản chiếm 23% tổng giá trị giao dịch và 2/5 thương vụ M&A lớn nhất.

2024 – thị trường M&A sẽ sôi động hơn

Thời gian qua, thị trường bất động sản ghi nhận một số tín hiệu tích cực, theo Chứng khoán MB (MBS Reasearch) kỳ vọng hoạt động M&A bất động sản sẽ có chiều hướng tăng trưởng trong năm tới tuy nhiên, cơ hội không dành cho tất cả các nhà đầu tư.

Giới chuyên gia dự báo, năm 2024 trở đi sẽ có sự bùng nổ nguồn vốn nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhất là từ các quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản, cũng như từ các nhà đầu tư Trung Đông. Các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển...

TS Nguyễn Minh Phong nhận định, Dù luôn ẩn chứa những cơ hội hấp dẫn, nhưng thị trường M&A BĐS nói riêng và kinh doanh BĐS nói chung không phải lĩnh vực dành cho tất cả các nhà đầu tư. Sự thành công chỉ đến với doanh nghiệp hội tụ đủ khả năng đánh giá, phân tích thị trường, có năng lực bán hàng và nhất là có tiềm năng tài chính.

Trong quá trình M&A, thực tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tiếp cận thận trọng hơn và thường sử dụng các dịch vụ đa dạng của bên tư vấn. Trong khi nhà đầu tư trong nước có xu hướng quyết liệt và nhanh chóng đưa ra quyết định khi cơ hội đến, nhưng kèm theo đó thì cũng có nhiều rủi ro hơn.

Dự báo về thị trường, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhận định, cơ hội thị trường M&A được dự báo vẫn nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại. Bà Trang Bùi, tin rằng đây vẫn là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.

Một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực. Khẩu vị đầu tư là dự án quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.

Theo nhận định của ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, khối ngoại có tiềm lực tài chính, có dự án đủ pháp lý và khi thị trường hồi phục bật tăng trở lại, họ sẽ là những người làm chủ cuộc chơi, làm chủ thị trường với các phân khúc sản phẩm thật. Thực hiện khá sôi nổi các thương vụ M&A và sở hữu những dự án đẹp, Keppel Land hay Gamuda Land có thể sẽ bung nhiều sản phẩm vào năm 2024.

Hà Thu

Theo Chất lượng và cuộc sống