Mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM đang phục hồi

Trong 3 tháng đầu năm, công suất cho thuê mặt bằng bán lẻ trung bình trên toàn TP.HCM ghi nhận ở mức cao với 92%. Sự mở rộng và gia nhập của các thương hiệu nổi tiếng cũng đã tạo nên mức lấp đầy tích cực này.

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, các chủ đầu tư đã nâng thời gian thuê tối thiểu và áp dụng chính sách tăng giá hàng năm lên đến 10%.

Giá thuê trung tâm chạm mốc gần 3 triệu đồng/m2

Ghi nhận của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý I/2022, giá trung bình chào thuê của thị trường bán lẻ TP.HCM là 1,2 triệu đồng/m2/tháng, tăng 3% theo quý và theo năm. Riêng với các dự án trong trung tâm thành phố, giá chào thuê ghi nhận gần chạm mốc 3 triệu đồng/m2/tháng.

Bên cạnh đó, Savills Việt Nam cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm, công suất cho thuê trung bình trên toàn thành phố ghi nhận ở mức cao với 92%. Sự mở rộng và gia nhập của các thương hiệu nổi tiếng cũng đã tạo nên mức lấp đầy tích cực này.

 Giá chào thuê mặt bằng bán lẻ tại các khu vực trung tâm TP.HCM chạm mốc gần 3 triệu đồng/m2/tháng.  
 Giá chào thuê mặt bằng bán lẻ tại các khu vực trung tâm TP.HCM chạm mốc gần 3 triệu đồng/m2/tháng.  

Theo khảo sát của Savills, đối với những mặt bằng bị trả tại 27 trung tâm thương mại (TTTM) và khối đế bán lẻ, 43% diện tích đến từ ngành hàng thời trang và 25% đến từ ngành hàng ăn uống. Đặc biệt, các thương hiệu nội địa bị ảnh hưởng mạnh trong thời gian dịch và chiếm 58% diện tích mặt bằng bị trả.

Xu hướng tăng giá thuê chủ yếu đến từ các dự án nằm ngoài trung tâm”

Savills Việt Nam đánh giá

“Các chủ cho thuê đang có một thái độ lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế trong quý đầu năm với mức tăng trưởng GDP tại TP.HCM là 1,9%, mức tăng trưởng dương sau hai quý liên tiếp ghi nhận xu hướng tăng trưởng âm”, Savills Việt Nam thông tin.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa lên đến 161.000 tỷ đồng, tăng 5% theo năm và chiếm 60% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Về nguồn cung quý I/2022, tổng nguồn cung duy trì ổn định theo quý và theo năm với hơn 1,5 triệu m2. Sự phục hồi kinh tế đã thúc đẩy hoạt động xây dựng của các chủ đầu tư. Dự kiến trong 9 tháng tới, 7 dự án mới tổng diện tích hơn 90.000 m2 sẽ được đưa vào hoạt động, trong đó 74% đến từ các dự án ngoài trung tâm.

“Nguồn cung tương lai tới 2025 sẽ đạt gần 400.000 m2 từ 24 dự án. Các thương hiệu lớn như AEON và Emart đang có kế hoạch mở rộng tại TP.HCM và các vùng lân cận. Thaco sẽ phát triển 2 dự án Emart ở Gò Vấp và Quận 2, trong khi Aeon dự định mở thêm trung tâm thương mại tại Hóc Môn”, Savills Việt Nam dự báo.

Thị trường dần phục hồi

Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận Cho thuê mặt bằng Bán lẻ của Savills Việt Nam cho biết kể từ đầu năm 2022, nhu cầu thuê đang gia tăng trở lại với kế hoạch mở rộng khá ấn tượng. Trong đó, nhóm siêu thị đang đặt mục tiêu mở 10 cửa hàng, ngành thời trang nhanh mục tiêu 2 cửa hàng mới, các thương hiệu phụ kiện mục tiêu 8 cửa hàng mới, nhóm nhà hàng có mục tiêu 4 cửa hàng mới trong năm nay…

“Có thể thấy, sức tiêu dùng nội địa ngày càng tăng giúp cho việc kinh doanh của các nhà bán lẻ ngày càng phục hồi và tự tin hơn để đi rộng khắp các quận huyện và địa điểm mới thay vì trước đây chỉ tập trung nhiều vào khu vực Quận 1, Quận 3 đông khách du lịch”, bà Quyên nói.

Mặt khác, chuyên gia Savills cũng chỉ ra với xu hướng dịch chuyển này, các khách hàng có thể tiết kiệm chi phí mặt bằng mà vẫn duy trì được diện tích thuê lớn, hoặc linh hoạt hơn về diện tích thuê (ghép lại hoặc chia nhỏ tùy theo nhu cầu).

Ngoài ra, sau bối cảnh Covid-19, hàng loạt các mô hình mới đã ra đời như bếp trung tâm và nhiều cửa hàng phân phối vệ tinh xung quanh, hay cửa hàng tích hợp đa thương hiệu, đặc biệt là nhiều mô hình siêu thị mới như: Novamart, Fujimart,… cũng góp phần làm thị trường thuê sôi động thuê, tỷ lệ hấp thu mặt bằng dần tốt lên, giá thuê cũng đỡ chịu áp lực.

Theo bà Quyên, sau hai năm đối mặt với đại dịch, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh kênh mua sắm điện tử, giao hàng tận nơi, quầy bán hàng lưu động để sống sót.

Đến năm nay khi hàng loạt các tín hiệu tích cực từ mở cửa đường bay quốc tế, chính sách giảm thuế, sức mua sắm hồi phục, lưu thông di chuyển cải thiện, hoạt động buôn bán mua sắm trở lại bình thường…. thì cửa hàng vật lý vẫn là kênh bán hàng trọng điểm của các nhà bán lẻ.

"Lý do đến từ lợi thế của cửa hàng vật lý như sức mạnh nhận diện thương hiệu, không gian trải nghiệm sản phẩm và chăm sóc khách hàng toàn diện, các sự kiện ra mắt sản phẩm và giao lưu được tổ chức tại đây”, bà Quyên lý giải.

Lý Tuấn

Theo Sở hữu trí tuệ