Mẹo nhận biết một cơn sốt đất là thật hay ảo?
Trong khoảng vài năm gần đây, nhiều cơn sốt đất xảy ra ở khắp các tỉnh thành, thu hút nhiều người đổ xô mua đất đầu tư hoặc chuyển nhượng kiếm lời. Tuy nhiên không ít cơn sốt đất chỉ mang tính chất ảo, khiến nhiều người lao đao vì “ôm đất”, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy.
Các cơn sốt đất ảo thường do những "cò" bất động sản dùng các chiêu trò tạo sóng, đánh vào tâm lý những nhà đầu tư có mong muốn đạt tỷ suất lợi nhuận cao và chốt lời nhanh chóng. Để không bị cuốn vào các cơn sốt đất ảo, nhà đầu tư cần bình tâm tìm hiểu kỹ và thật sự tỉnh táo trước các chiêu trò của "cò" đất.
Cơn sốt đất thật- ảo đến từ đâu?
Cơn sốt đất là hiện tượng giá đất trở nên “nóng” hơn bao giờ hết do nhu cầu tìm mua của người dân tăng cao. Việc người dân đổ xô mua đất dẫn đến giá tăng cao liên tục không có điểm dừng, cao hơn giá trị thực của bất động sản tại thời điểm đó. Các khu vực nổ ra cơn sốt đất thường nằm trong kế hoạch quy hoạch hoặc chuyển biến hạ tầng, nơi có các công trình lớn được xây dựng như: sân bay, tàu cao tốc,... thu hút người dân đổ xô mua đất đầu tư. Bên cạnh đó, khi thị trường có dấu hiệu “bơm” tiền vào bất động sản do các tín hiệu từ các nhà mô giới hoặc chủ đầu tư đã hình thành tâm lý đám đông đổ xô mua đất.
Khác với cơn sốt thật thì ở “cơn sốt ảo” nhu cầu sử dụng đất không có thật. Cơn sốt ảo được hình thành từ tin đồn không rõ ràng, thiếu thông tin xác thực. Một phần khác do “nhu cầu ảo” từ tâm lý đám đông làm giá đất tăng cao. Người dân nên nâng cao tinh thần cảnh giác từ những biến động giá cả từ thị trường, tránh góp phần tạo nên cơn sốt đất ảo đe dọa đến nền kinh tế.
Một ví dụ điển hình trong năm 2021, thông tin xây dựng “sân bay” tại xã Tân Lợi, An Khương, tỉnh Bình Phước đã tạo nên sự bùng nổ về giá một cách chóng mặt. Chỉ sau một đêm thông tin được lan truyền, hàng ngàn người kéo đến Bình Phước để tìm mua những miếng đất “gần sân bay”. Tuy nhiên sau một tuần “cơn sốt đất” đã biến mất, những “cò đất” kịp thu lợi cũng lặng đi để lại những nhà đầu tư đang “ôm đất” không kịp sang nhượng.
Anh Nam – một nhà đầu tư tại TP.HCM cũng nằm trong tình trạng này. Mặc dù biết thông tin về xây dựng sân bay chỉ là đề xuất nhưng với tâm lý “lướt sóng” khi thị trường đất tại Bình Phước còn đang nóng, anh đã nghe theo bạn bè xuống cọc gần 1 tỷ đồng để mua lô đất rừng cao su. Nhưng anh chưa kịp bán lại lô đất đó thì chính quyền vào cuộc, bây giờ anh đang ôm lô đất trị giá 5 tỷ rao bán những ai mua.
Để tránh được mối lo “ôm bom” từ các “cơn sốt ảo” dưới đây là gợi ý một số “mẹo” để nhận biết được đâu là cơn sốt thật, đâu là “cơn sốt ảo”.
"Mẹo" nhận biết một cơn sốt đất là thật hay ảo
Quá trình đặt cọc của các “cơn sốt ảo” thường diễn ra rất phức tạp. Một mảnh đất được truyền tay nhau qua hình thức ký hợp đồng cọc, hình thức này giúp chốt tiền lời nhanh do các đời chủ đầu tư chuyển tay nhau “cọc chồng cọc” khiến giá đất bị đẩy lên cao tạo nên “cơn sốt ảo”. Quá trình “đẩy giá” của “cơn sốt ảo” bằng hình tức ký hợp đồng cọc được diễn ra khi người thứ nhất ký hợp đồng với chủ đất, sau đó tiếp tục bán cho người thứ hai bằng hợp đồng cọc.
Tiếp tục các nhà đầu tư thứ ba, thứ tư,.. cũng ký hợp đồng cọc tiếp sau đó, giá cả của mảng đất được đẩy cao lên qua các lớp hợp đồng, sau cùng giá đất được đẩy lên cao ngất ngưỡng. Đến một thời điểm, khi một trong những chủ trong hợp đồng cọc hủy kèo sẽ kéo theo một loạt những người ký hợp đồng “cọc chồng cọc” phía sau điêu đứng và người ký hợp đồng cọc cuối cùng sẽ chịu mọi tổn thất.
Tin đồn không có cơ sở là nguyên nhân phổ biến gây nên các cơn sốt ảo, bởi người mô giới hay chủ đầu tư muốn “thổi phồng” giá bán lên cao nên tung ra lời đồn về một dự án lớn sắp được triển khai mở ra một tương lai về cơ hội đầu tư, nhưng thực tế là chẳng có dự án nào cả. Tuy nhiên lời đồn dần dần được người này truyền tai người kia tạo thành tâm lý đám đông kéo nhau cùng đầu tư vào mảnh đất của “cơn sốt ảo”. Những tin đồn không cơ sở thường đánh vào người tham lợi muốn đầu tư vào đất nhưng thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, không ít người dân đã trở thành nạn nhân gánh hết thua lỗ khi cơn sốt ảo bị vỡ.
Giá cả tăng cao bất hợp lý của những mảnh đất là một trong những dấu hiệu của “cơn sốt ảo”, vì vậy người dân nên cẩn trọng với các mức giá được rao bán trên thị trường. Trong thực tế, bất kỳ mảnh đất nào có giá tăng cao chóng mặt mà không có cơ sở thông tin xác thực đều tiềm ẩn trong đó những nguy cơ. Để tránh những rủi ro “đội giá” do “cơn sốt ảo” người mua nên tìm hiểu so sánh các giao dịch mua bán trước đây của mảnh đất với thị trường bất động sản trong cùng giai đoạn và kiểm tra thực tế mảnh đất bên ngoài bao gồm: vị trí, tiện ích, dân cư,… để đánh giá giá trị thực tế và tiềm năng của mảnh đất để có những khoản đầu tư sinh lời.