Mở ra cơ hội mới cho người dân tiếp cận được nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs cho biết, nới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu.

 

Mở ra cơ hội mới cho người dân tiếp cận được nhà ở xã hội - Ảnh 1

Bộ Xây dựng vừa có đề xuất bỏ điều kiện về cư trú, điều kiện về thu nhập được nâng cao hơn so với hiện hành… với người mua nhà ở xã hội. Theo đó, nhiều người dân sẽ dễ dàng làm hồ sơ và đăng ký mua nhà ở loại này.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ nới một số tiêu chí giúp người dân dễ tiếp cận nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới. Dự án luật có 8 nhóm chính sách trong đó có chính sách về phát triển nhà ở xã hội.

Chính phủ chỉ đạo để bảo đảm nguyên tắc về tính thống nhất với các Luật Đất đai, Đầu tư, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, cũng như cải cách thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp gồm nhà ở xã hội, nhà lưu trú và chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang…

Trong đó, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, giao UBND cấp tỉnh chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình kế hoạch đã duyệt, như vậy có thể dành quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại hoặc các dự án độc lập cho nhà ở xã hội.

Cùng với đó là nhóm chính sách ưu đãi chủ đầu tư tham gia dự án nhà ở xã hội như miễn tiền sử dụng đất, vay vốn với lãi suất ưu đãi…

Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, ông Sinh cho hay, dự thảo luật giảm bớt các thủ tục xác định đối tượng mua nhà ở xã hội, bỏ tiêu chí về cư trú. Như vậy, công dân Việt Nam chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở. Ngoài ra, dự án luật còn cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua.

Theo báo cáo Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã hoàn thành xây dựng 181 dự án nhà ở xã hội, với khoảng hơn 94.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 4,8 triệu m2. Bên cạnh đó, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000 m2.

Ngay sau phát biểu của Thứ trưởng Bộ Xây dựng về việc sẽ "nới" điều kiện mua nhà ở xã hội, nhiều ý kiến doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình. Các thành viên thị trường đánh giá, tiêu chí được nới lỏng sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân tiếp cận được nhà ở xã hội.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản ((VARs) cho biết, nới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, cần xem xét việc người mua nhà ở xã hội làm ở đâu, thu nhập thế nào thì mới được mua để thuận lợi trong việc trả nợ.

Ngoài ra, khó khăn về nhà ở xã hội lâu nay vẫn là thiếu quỹ đất. Vì vậy, nhà nước cần sớm tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp tham gia đấu giá làm nhà ở xã hội. Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, sẽ gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp mua được nhà.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển, DKRA Group cho rằng, nếu quy định này được gỡ bỏ sẽ giúp người mua nhà tiếp cận nhà ở xã hội thuận tiện hơn.

Theo đó, sẽ có một lượng lớn công nhân hay những người nhập cư tại địa phương chưa có đăng ký hộ khẩu hay chưa có hộ khẩu, họ nằm trong 2 nhóm còn lại như thu nhập chưa đủ để đóng thuế thu nhập cá nhân và chưa sở hữu nhà sẽ thuận tiện hơn. "Đây cũng là một trong những cách làm cho chủ đầu tư khi làm nhà ở xã hội tìm kiếm đối tượng khách hàng thuận tiện hơn, giảm bớt trở ngại đối với thị trường hiện nay", ông Thắng cho biết.

Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), dự thảo nên bổ sung thêm quyền cho chủ đầu tư, trong việc lựa chọn phương thức thực hiện. Chủ đầu tư có quyền lựa chọn, một là xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. Thứ hai là chủ đầu tư được quyền hoán đổi quỹ đất nhà ở xã hội có giá trị tương đương. Thứ ba đối với quỹ đất làm nhà ở xã hội trong dự án mà mình không xây dựng tại đó, không hoán đổi quỹ đất khác thì mình hoán đổi bằng tiền vào quỹ phát triển nhà ở xã hội của địa phương.

Hiệp hội cũng kiến nghị, cần có cơ chế tái cấp vốn tín dụng ưu đãi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng ngân hàng thương mại nhà nước để tạo điều kiện cho người mua nhà ở xã hội. Đồng thời, người vay chỉ trả trước 5% giá trị căn hộ và phần còn lại sẽ được thanh toán dưới 25 năm. Điều này sẽ làm giảm gánh nặng cho đối tượng đi vay mua nhà ở xã hội.

Cũng theo ông ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhu cầu mua nhà ở xã hội hiện rất lớn. Tuy nhiên, thực tế thị trường đang nơi thừa, nơi thiếu. Nơi thiếu là các thành phố lớn, do đất chật người đông. Nơi thừa là tại một số tỉnh thành phát triển mạnh khu công nghiệp, có dự án nhà ở xã hội, nhưng người dân chưa tiếp cận được do các yêu cầu khắt khe.

Các chuyên gia cho rằng, trong lần sửa đổi Luật Nhà ở lần này, có thể xây dựng tiêu chí riêng cho từng khu vực cụ thể, để đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Mình Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống