Một tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung thu về gần 240 tỷ từ việc đấu giá nhà đất
Sở Tài chính tỉnh Bình Định mới đây đã có báo cáo công tác quản lý nhà nước về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện công tác quản lý nhà nước về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến 2023, tỉnh Bình Định đã bán được tổng cộng 22 cơ sở nhà, đất nhà, đất bán đấu giá và thu về gần 240 tỷ đồng. Theo đó, tổng số cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của địa phương thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là 3.808 cơ sở.
Dựa theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, Sở Tài chính đã chủ trì kiểm tra, rà soát, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp đối với 3.486 cơ sở (chiếm khoảng 92%). Trong đó, giữ lại tiếp tục sử dụng 3.299 cơ sở; thu hồi 38 cơ sở; điều chuyển 63 cơ sở; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý 70 cơ sở; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 16 cơ sở.
Đối với 322 cơ sở nhà, đất còn lại, Sở Tài chính đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại Tờ trình số 568/TTr-STC ngày 29/11/2023.
Ngoài ra, đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư thuộc phạm vi quản lý của trung ương, Sở Tài chính đã đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính đồng ý chuyển giao về địa phương 21 trụ sở để bố trí cho cơ quan, đơn vị của tỉnh làm trụ sở làm việc. Qua đó giảm kinh phí bố trí đầu tư xây dựng trụ sở cho một số đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số tiền thu được thông qua công tác đấu giá tài sản công là trụ sở làm việc sau khi thực hiện công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là 237,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Tài chính tỉnh Bình Định cho hay, trong quá trình thực hiện công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Sở đều tham mưu, đề xuất UBND tỉnh theo hướng ưu tiên bố trí cơ sở nhà, đất dôi dư từ cơ quan, đơn vị này sang cơ quan, đơn vị khác chưa đảm bảo diện tích làm việc để sử dụng làm trụ sở làm việc hoặc bố trí vào mục đích công cộng của địa phương.
Trường hợp các cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng làm việc thì Sở Tài chính mới đề xuất theo hướng chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Hiện nay, vẫn còn một số điểm trường cũ thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp huyện đang dôi dư, chưa xử lý dứt điểm.
Vì một số địa phương như UBND huyện Phù Cát, UBND huyện Hoài Ân không có nhu cầu bố trí điểm trường vào mục đích công cộng như nhà văn hóa, khu thể thao thôn, khu phố, khu sinh hoạt cộng đồng thôn theo như ý kiến kết luận của Ban Cán sự Đảng và UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 1/3/2022.
Để xử lý dứt điểm các điểm trường dôi dư nêu trên, việc lựa chọn hình thức xử lý theo hướng chuyển giao cơ sở nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan là phù hợp, cần thiết.