Mục sở thị cây cầu sẽ kết nối Sóc Sơn và Mê Linh, nằm trong dự án tuyến đường 85.000 tỷ đồng của Hà Nội
Cầu vượt sông Cà Lồ nối hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh (Hà Nội), song hành Vành đai 4 hiện đang dần thành hình sau khi nhiều trụ cầu đã được hoàn thiện xong.
Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, có điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023.
Dự án này dự sẽ hoàn thành trong năm 2026 và đưa vào khai thác vào năm 2027. Nằm trong dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có 3 cầu lớn gồm cầu Mễ sở, cầu Hồng Hà bắc qua sông Hồng và cầu Hoài Thượng bắc qua sông Đuống. Ngoài 2 cây cầu này, dự án cũng có một số cây cầu quan trọng khác như cầu vượt sông Cà Lồ kết nối hai huyện Mê Linh và Sóc Sơn.
Cầu vượt sông Cà Lồ thuộc địa bàn các xã Thanh Xuân (Sóc Sơn), Kim Hoa (Mê Linh). Thời điểm hiện tại, nhiều trụ cầu vượt sông Cà Lồ cũng đã hoàn thành. Phía bên xã Kim Hoa, cầu cũng đã được triển khai xây dựng cùng với đường song hành Vành đai 4.
Sau khi cây cầu vượt sông này hoàn thành, người dân sẽ không phải di chuyển qua cầu Thống Nhất trên đường 35 nối Quốc lộ 2 với KCN Quang Minh nữa.
Trên địa bàn thi công, nhà thầu đã huy động hàng chục máy móc, công nhân thi công các hạng mục nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài 112,8km có điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối kết nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến cao tốc này đi qua Vành đai 4, qua Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19,3km, Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long khoảng 9,7km; trong đó đoạn đi thấp dài 32km và đoạn đi trên cao dài hơn 80km. Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có 6 làn xe, hệ thống đường song hành hai bên, hành lang cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật, đất dự trữ cho đường sắt vành đai với tốc độ thiết kế tuyến đường 100km/h.
Không gian quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ bao trùm TP. Hà Nội và 9 tỉnh gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên; được xem là vùng trọng điểm về kinh tế - xã hội, chính trị của cả nước.
Vì hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội đã đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội - Vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội kết nối Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.