Mỹ đối diện sự ‘tụt dốc’ sâu nhất trong vòng 2 thập kỷ của mô hình bất động sản ‘không thể thiếu’

Một loại hình bất động sản tại Mỹ dần đi vào bế tắc bởi sự “lên ngôi” của thương mại điện tử, quy mô giảm xuống mức thấp nhất trông vòng 17 năm trở lại đây.

Thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Doanh thu từ ngành này liên tục tăng trưởng, và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Các thị trường lớn như Hoa Kỳ đang thúc đẩy sự phát triển của ngành này. Điều này đã có tác động đáng kể đến các trung tâm thương mại tại Mỹ và gây ra sự sụt giảm đáng kể trong số lượng và doanh thu của họ. 

Mỹ đối diện sự ‘tụt dốc’ sâu nhất trong vòng 2 thập kỷ của mô hình bất động sản ‘không thể thiếu’ - Ảnh 1

Ngày càng ít người dân đến mua hàng trực tiếp tại các trung tâm thương mại.

Cư dân Mỹ, đặc biệt là người trẻ, ưu tiên hình thức gọi món drive-thru (tức là gọi món và nhận món ngay trên ô tô khi lái xe qua cửa hàng) hoặc sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn. Sự thay đổi thói quen mua sắm này khiến các nhà hàng và quán cà phê dần chuyển sang chiếm lĩnh những mặt bằng có diện tích vừa và nhỏ. 

Theo dữ liệu từ CoStar Group, tính đến hết quý III năm 2023, các đơn vị bán lẻ đã ký kết hợp đồng thuê mặt bằng với diện tích trung bình chỉ 300 m2. Đây là quy mô diện tích nhỏ nhất kể từ năm 2006.

Brandon Svec, Giám đốc Quốc gia về phân tích bán lẻ Hoa Kỳ của tập đoàn CoStar chia sẻ: “Trung tâm mua sắm ngày nay rất khác so với 10 năm trước vì hiện nay, các yếu tố trải nghiệm, thực phẩm và đồ uống được chú trọng nhiều hơn.”

Cũng theo ông, năm nay, số lượng nhà hàng và quán cà phê ký mới chỉ đạt gần 20% tổng số hợp đồng thuê mặt bằng bán lẻ, trong đó hầu hết là các mặt bằng rộng khoảng 400m2 hoặc nhỏ hơn.

Thay vì vẫn tập trung đầu tư các hệ thống trung tâm thương mại, nhiều nhà bán lẻ lớn ở Mỹ đã bắt đầu phát triển các ứng dụng, nền tảng đặt hàng trực tuyến và mạng xã hội để hiểu rõ ý định mua hàng của đối tượng khách hàng của mình, từ đó điều chỉnh phương thức bán hàng phù hợp với ngành hàng. Điều này khiến họ không cần tập trung mở rộng mặt bằng cửa hàng của mình để lấp đầy sản phẩm, từ đó thu nhỏ diện tích để đầu tư trực tiếp vào những phương thức mua hàng khác đang phổ biến hiện nay.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, doanh số từ ngành thương mại điện tử chiếm khoảng 15% tổng doanh số bán lẻ hiện nay, tăng từ mức chỉ hơn 6% vào năm 2014.

Trung tâm thương mại Target - nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ
Trung tâm thương mại Target - nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ

Được biết, nhiều cửa hàng bán lẻ lớn như Nordstrom và Target cũng đang có ý định thu hẹp diện tích vì ngày càng có nhiều khách hàng ưu tiên dịch vụ giao hàng tại nhà hơn. Điển hình, thương hiệu Macy’s cho biết đã khai trương thêm hàng chục cửa hàng quy mô nhỏ từ năm 2020 và cũng có kế hoạch mở thêm 30 cửa hàng nữa cho đến năm 2025. Họ cho biết diện tích những cửa hàng này giảm khoảng 80% so với những cửa hàng Macy’s thông thường. Bên cạnh đó, họ cũng đã đóng cửa gần 80 trung tâm bách hóa kể từ đầu năm 2020.

Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ thời trang có tiếng như Zara hay H&M lại cố tình đi ngược lại xu hướng này khi đầu tư mở rộng cửa hàng, điển hình là tại London và các thị trường nước ngoài khác như châu Âu và Đông Nam Á. Các nhà bán lẻ hàng cao cấp khác ở Mỹ cũng ký hợp đồng thuê mặt bằng lớn hơn và thậm chí còn tích cực gia nhập các thị trường khác.

Nguồn: Wall Street Journal

Theo Chất lượng và cuộc sống