Mỹ, Trung Quốc siết tiền điện tử: Đâu là căn nguyên?

Trung Quốc cấm giao dịch và khai thác tiền điện tử, Mỹ cũng cân nhắc khả năng giám sát trên phạm vi rộng hơn đối với thị trường tiền điện tử...

Một tài liệu công bố hôm 8/10 cho thấy, Trung Quốc đã thêm khai thác tiền điện tử vào danh sách dự thảo các ngành bị hạn chế đầu tư hoặc bị cấm. Danh sách dự thảo này nêu chi tiết các lĩnh vực và ngành không giới hạn đối với cả nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ "bóp nghẹt" các hoạt động tiền điện tử “bất hợp pháp”. Động thái này đã khiến các sàn giao dịch tiền điện tử cắt đứt quan hệ với người dùng Trung Quốc.

Theo đó, hoạt động mua bán và đầu cơ Bitcoin cùng những loại tiền ảo khác những năm gần đây trở nên phổ biến, gây phá vỡ trật tự kinh tế và tài chính, làm phát sinh hoạt động rửa tiền, huy động vốn bất hợp pháp, lừa đảo đầu tư dạng đa cấp cùng các hoạt động bất hợp pháp và phạm tội khác.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng lo ngại vấn đề khai thác tiền điện tử sẽ gây ảnh hưởng đến các mục tiêu môi trường cũng như tiêu tốn quá nhiều điện. Vào năm 2019, Trung Quốc thậm chí là nơi chiếm đến 75% mức tiêu thụ năng lượng đào Bitcoin trên toàn thế giới.

Theo thông tin từ Coindesk, các thợ đào coin đang di cư khỏi Trung Quốc và tìm đến những nơi có giá điện rẻ trên thế giới để tiếp tục công cuộc khai thác tiền điện tử.

Một trại đào Bitcoin tại Trung Quốc.  
Một trại đào Bitcoin tại Trung Quốc.  

Trong khi đó, tại Mỹ, trong  một phát biểu ngày 8/10, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) cho biết: “NSC và Hội đồng Kinh tế quốc gia (NEC) đang phối hợp liên ngành để xem xét các cách thức chúng tôi có thể đảm bảo rằng tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số khác không được sử dụng để giúp các tác nhân xấu tồn tại, bao gồm cả tội phạm ransomware".

Phần mềm mã độc tống tiền hoạt động bằng cách mã hóa dữ liệu của nạn nhân. Thông thường, tin tặc sẽ cung cấp cho nạn nhân "một chìa khóa" để đổi lại các khoản thanh toán bằng tiền điện tử có thể lên tới hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu USD.

Đầu tháng này, Tổng thống Joe Biden cho biết các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ sẽ có cuộc gặp trực tuyến với các quan chức từ 30 quốc gia, xem xét kế hoạch đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của ransomware và tội phạm mạng khác. Theo Tổng thống Biden, một cuộc họp trực tuyến do NSC tổ chức cũng sẽ nhằm "tăng hiệu quả hợp tác trong thực thi pháp luật" về các vấn đề như "việc sử dụng bất hợp pháp tiền điện tử".

Mỹ đã nâng mức phản ứng đối với an ninh mạng lên những cấp độ cao nhất trong toàn bộ hệ thống chính quyền sau khi xảy ra một loạt vụ tấn trong năm nay, đe dọa làm mất ổn định nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chính quyền Tổng thống Biden hy vọng rằng nhóm không chính thức do Washington mới thành lập - còn được biết đến với tên gọi “Sáng kiến chống Ransomware” - sẽ thúc đẩy nỗ lực ngoại giao, bao gồm những cuộc đàm phán trực tiếp với Nga, cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Không riêng gì Trung Quốc, Mỹ, mà nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang siết chặt quản lý tiền điện tử.

Theo các quy định mới ban hành, các cơ quan quản lý Hàn Quốc sẽ đóng cửa hàng chục sàn giao dịch tiền điện tử, khiến các nhà đầu tư có thể mất tới 3.000 tỷ Won (2,6 tỷ USD). Gần 40 trong số khoảng 60 sàn giao dịch tiền điện tử ở Hàn Quốc dự kiến sẽ phải đóng cửa.

Chính phủ Anh, Nhật Bản nhận định sàn Binance đang hoạt động trái phép trên lãnh thổ của họ. Thái Lan, Đức cũng siết chặt quản lý với loại tiền điện số này, đồng thời sẽ điều tra và xử phạt các sàn giao dịch nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Còn tại Việt Nam, đại diện của Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi thông điệp rõ ràng rằng, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong Chiến lược phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025.

Tương lai của CBDC?

Một số nhận định cho rằng việc Trung Quốc siết chặt quản lý với tiền điện tử, một phần nguyên nhân đến từ việc mong muốn mở đường cho đồng tiền điện tử pháp định của mình là Nhân dân tệ điện tử (eCNY), hay tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC).

PBOC có kế hoạch công bố chính thức đồng eCNY sớm nhất vào năm 2022, sau khi thử nghiệm tại Thế vận hội mùa đông. Bên cạnh đó, quốc gia này đang có kế hoạch sửa đổi luật để đưa giao dịch eCNY trở thành hợp pháp và cấm khu vực tư nhân phát hành tiền tệ kỹ thuật số.

Một quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho hay, đồng eCNY nhằm mục đích bảo vệ “chủ quyền tiền tệ” của Trung Quốc.

Một báo cáo từ công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố hồi đầu năm nay cho biết hiện có hơn 60 ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang cân nhắc phát hành tiền kỹ thuật số.

Cũng theo báo cáo, đến nay mới chỉ có 23% số dự án tiền kỹ thuật số bán lẻ do ngân hàng trung ương triển khai đạt tới giai đoạn thực thi, và có tới gần 70% dự án tiền kỹ thuật số bán buôn đang chạy thử nghiệm.

"Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ đóng góp quan trọng vào việc hiện đại hóa hệ thống tiền tệ quốc tế, đồng thời định hình lại cấu trúc thanh toán và tài chính toàn cầu", báo cáo viết. "Những đồng tiền kỹ thuật số này sẽ tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh kỹ thuật số hóa tại các doanh nghiệp và định chế tài chính, trong quá trình tích hợp những đồng tiền kỹ thuật số đó vào hạ tầng thanh toán và tài chính".

Các ngân hàng trung ương bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực phát hành tiền kỹ thuật số khi chứng kiến Bitcoin ngày càng trở nên phổ biến và sau khi Facebook công bố dự án tiền ảo có tên Libra, hiện đã đổi tên là Diem.

An Nhiên

Theo Đất Việt