Giao đất vàng cho tư nhân: TTCP đề nghị TP.HCM rà soát

Nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, gây thất thoát tài sản nhà nước thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, tài sản công

Ngày 6/7, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM.

Theo TTCP, công tác quản lý xây dựng, đất đai, môi trường tại các khu công nghiệp và khu đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn trên còn một số tồn tại, vi phạm.

Cụ thể, tại các khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Tân Tạo, Tân Tạo mở rộng, Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Tân Bình, Tân Bình mở rộng đều có những vi phạm, chủ yếu về lĩnh vực thuê đất. Doanh nghiệp thuê đất trong các khu công nghiệp trên nhưng không đưa vào khai thác, sử dụng (để đất trống) dẫn đến lãng phí tài nguyên với diện tích hơn 53.000m2.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác còn nhiều khuyết điểm và vi phạm. Theo TTCP, các sở, ngành của thành phố đã tham mưu UBND TP.HCM quyết định chỉ định chủ đầu tư, phê duyệt dự án, chuyển mục đích sử dụng nhà, đất tại một số vị trí được thanh tra thuộc đối tượng phải đấu thầu dự án và đấu giá quyền sử dụng đất không đúng các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, tài sản tại một số dự án.

Cùng với đó, TTCP cũng cho rằng, qua thanh tra còn phát hiện một số khuyết điểm, vi phạm trong thẩm định và phê duyệt tiền sử dụng đất. Các sai phạm chủ yếu gồm các nội dung: sử dụng thông tin về giá tại các vị trí đất làm tài sản so sánh nhưng hầu hết chưa có giao dịch chuyển nhượng thành công trên thị trường (vi phạm quy định về xác định giá đất); lập, thẩm định và phê duyệt giá khi chưa có quyết định giao đất; phê duyệt suất đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật không đúng quy định; áp dụng đơn giá cho thuê thấp nhất thay đơn giá cho thuê bình quân; một số dự án đầu tư được điều chỉnh quy hoạch 1/500 sau khi đã xác định tiền sử dụng đất, trong đó nhiều chỉ tiêu quy hoạch cơ bản được thay đổi, làm tăng giá trị đất, nhưng UBND TP.HCM không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất theo quy định, nguy cơ gây thất thu ngân sách nhà nước.

Dự án Khu dân cư Lacasa (quận 7, TP.HCM) có tổng diện tích hơn 61.200 m2 do Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Ảnh: Dân trí  
Dự án Khu dân cư Lacasa (quận 7, TP.HCM) có tổng diện tích hơn 61.200 m2 do Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. Ảnh: Dân trí  
 

TTCP khẳng định, trách nhiệm trước hết thuộc lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP.HCM và các cá nhân liên quan do chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng. Việc thực hiện chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án không đúng quy định; xác định giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định; quản lý đầu tư, xây dựng thiếu chặt chẽ, có nơi bị buông lỏng, tình trạng vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng còn diễn ra nhưng chưa được kiểm tra và xử lý kịp thời... Hậu quả, nhiều dự án không hoặc kém hiệu quả, chậm tiến độ...

Tổng số tiền và nhà, đất qua thanh tra phát hiện cần kiến nghị xử lý là 2.054 tỷ đồng, trên 6 triệu USD và gần 464.000 m2 đất, trong đó thu hồi về ngân sách nhà nước 17,629 tỷ đồng.

UBND TP.HCM chủ trì xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đối với 2.036,601 tỷ đồng, 6.037.829,5 USD và gần 464.000 m3 đất.

Rà soát hai dự án giao đất vàng cho tư nhân

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN-MT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và xử lý để có hướng dẫn thực hiện đảm bảo sự thống nhất trong việc xác định, phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất đối với các dự án về việc cho khấu trừ 10% VAT trong giá trị ước tính tổng doanh thu thuần chưa phù hợp với các quy định về thuế giá trị gia tăng, làm giảm tương ứng giá trị tiền sử dụng đất phải nộp cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời hai bộ phối hợp với UBND TP.HCM kiểm tra, rà soát các dự án đã được Thanh tra Chính phủ nêu tại kết quả thanh tra để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp quy định của pháp luật đối với các vi phạm, không làm thất thoát tài sản.

Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định pháp luật và tránh thất thoát tài sản của Nhà nước đối với 2 dự án gồm: Dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo (phường Cô Giang, quận 1), do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư và Dự án số 39-39B Bến Vân Đồn (phường 12, quận 4). Trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trước đó.

"Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, gây thất thoát tài sản nhà nước thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật", Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với UBND TP.HCM rà soát, xử lý phù hợp theo thẩm quyền đối với các vi phạm tại các dự án có sử dụng đất an ninh, quốc phòng theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và Nghị quyết số 132/2020 của Quốc hội.

UBND TP.HCM chỉ đạo các sở liên quan (Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế) và các đơn vị trực thuộc UBND TPHCM rà soát, tổng hợp những hạn chế, tồn tại, bất cập của các cơ chế, chính sách, quy trình,… trong quá trình xác định giá cho thuê, giao nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, xác định nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, ký hợp đồng thuê đất đối với đất giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng thực hiện dự án.

UBND TP.HCM chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước rà soát, xử lý các khuyết điểm, vi phạm qua thanh tra đã phát hiện đối với các khu công nghiệp, khu đô thị và việc chuyển đổi mục đích sử dụng một số khu đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác, tránh gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Đối với khu công nghiệp, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP.HCM có biện pháp giải quyết, xử lý đối với đơn vị, cá nhân doanh nghiệp có vi phạm, truy thu tiền sử dụng đất, thu hồi các khoản thu không hợp pháp từ việc vi phạm pháp luật; yêu cầu chủ đầu tư sớm khắc phục triệt để các vi phạm, nhất là vi phạm liên quan đến việc sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình không đúng quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, chưa trồng cây trên đất trồng cây xanh theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra việc quản lý, sử dụng 17,7 ha đất tái định cư, đảm bảo không gây thất thoát, thiệt hại tài sản nhà nước.

Đối với khu đô thị, Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý khắc phục hậu quả, thu hồi triệt để về kinh tế, thu hồi các khoản thu không hợp pháp từ việc vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm về trách nhiệm theo quy định của pháp luật liên quan.

Kiến nghị UBND TP.HCM kiểm tra, rà soát việc xác định giá đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư, việc điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định, khởi công công trình khi chưa được chấp thuận đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng, chưa thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại từng dự án khu đô thị như: Dự án khu đô thị Lacasa do Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở phường Phước Long B…

Đối với các vị trí đất công, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo, thực hiện rà soát, xem xét để xử lý theo quy định đối với các địa chỉ nhà, đất được chuyển mục đích sử dụng có vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng. Trong đó cần phối hợp với các bộ ngành có liên quan để xem xét, xử lý đối với một số dự án theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật như: Dự án tại 14-16-18 Nguyễn Huệ; 117-119-121 Nguyễn Huệ và 16 Tôn Thất Thiệp.

UBND TP.HCM giao Thanh tra Thành phố thanh tra việc thực hiện quản lý, sử dụng đối với 53 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và đang giao cho các doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM quản lý; báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ trong quý 3/2021.

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu TP.HCM rà soát các loại quy hoạch (phân khu, 1/2000, 1/500) để xem xét, xử lý kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật đối với các vi phạm tại các khu công nghiệp, khu đô thị và các vị trí đất công trên địa bàn thành phố. Trong đó cần sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về việc xin rút quy hoạch đối với 3 khu công nghiệp là Bàu Đưng, Phước Hiệp và Xuân Thới Thượng.

Xử lý trách nhiệm thế nào?

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị, UBND TP.HCM chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm tại các khu công nghiệp, đô t hị và một số vị trí đất công được thanh tra. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức liên quan đến các vi phạm trong việc chỉ định các nhà đầu tư dự án không qua đấu giá được phát hiện qua thanh tra. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để xem xét, xử lý theo thẩm quyền các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và Nghị quyết số 132/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội đối với các dự án có liên quan đến các vị trí đất thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Minh Thái

Theo Đất Việt