Ngân hàng chật vật thanh lý bất động sản thế chấp

Thời gian qua, ngân hàng liên tiếp rao bán các khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, thị trường bất động sản gặp khó khăn khiến những khoản nợ giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng rao bán nhiều lần kèm đại hạ giá vẫn chưa thể tìm được người mua.

Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng là bất động sản
Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng là bất động sản

Agribank tiếp tục hạ giá hàng chục tỷ đồng vẫn không bán được tài sản

Mới đây, Agribank thông báo bán đấu giá 5 tài sản đảm bảo cho khoản vay của CTCP Nông dược HAI tại Agribank Chi nhánh Phú Nhuận.

Trong đó gồm quyền sử dụng đất diện tích 2.287 m2; diện tích 2.352 m2; diện tích 1.920 m2; diện tích 2.193 m2; và quyền sở hữu công trình xây dựng trên diện tích đất 4.113 m2 tại Khu phố 3, phường 4, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Giá khởi điểm cho 5 tài sản trên hơn 42 tỷ đồng; đặt trước 10% giá khởi điểm. Con số này giảm tới gần 18 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 10/2022.

Một tài sản khác của Nông dược HAI là quyền sử dụng đất 3.048 m2, tại số 358 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất, kinh doanh (xây dựng trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng). Đây là tài sản được Agribank thông báo bán đấu giá lần thứ ba. Giá khởi điểm cho lô đất vàng trên là 171,7 tỷ đồng; giảm 18,6 tỷ đồng so với lần chào bán không thành công trước đó hồi tháng 11/2022 và giảm 48,3 tỷ đồng so với lần chào bán hồi tháng 9/2022 (gần 220 tỷ đồng).

Ngoài tài sản trên còn nhiều lô đất diện tích 2.287 m2; diện tích 2.352 m2; diện tích 1.920 m2; diện tích 2.193 m2; và quyền sở hữu công trình xây dựng trên diện tích đất 4.113 m2 tại Khu phố 3, phường 4, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Giá khởi điểm cho 5 tài sản trên hơn 42 tỷ đồng, giảm gần 18 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 10/2022.

Đáng nói là, dù tiếp tục hạ giá hàng chục tỷ đồng các bất động sản của CTCP Nông dược HAI tại TP HCM và Tiền Giang nhưng Agribank vẫn rao bán chưa thành công.

Tại Agribank, hiện chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 nhưng theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 cho thấy, tài sản thế chấp của khách hàng đạt hơn 2,32 triệu tỷ, tương đương tăng hơn 262.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020. Trong đó, riêng bất động sản thế chấp tại Agribank đã có giá trị trên 2,01 triệu tỷ đồng, chiếm 87% tổng giá trị tài sản thế chấp và tăng gần 10% so với năm 2020.

Vietcombank 'ôm' hơn 1,38 triệu tỷ đồng BĐS thế chấp

Vietcombank mới đây cũng thông báo lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá một loạt tài sản đảm bảo trị giá hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam (Công ty Evergreen Việt Nam) để thu hồi nợ.

Các tài sản đấu giá bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như nhà xưởng, máy móc thiết bị của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Giá khởi điểm cho lô tài sản này là 1.099 tỷ đồng, giảm 86 tỷ đồng so với lần rao bán vào tháng 11/2021.

Được biết, Vietcombank còn đang rao bán khoản nợ 341 tỷ đồng của Công ty cổ phần VIMAG HOLDINGS. Tài sản đảm bảo của doanh nghiệp là Hệ thống dây chuyền sàng đậu do Việt Nam sản xuất và thiết bị phụ trợ.

Tại Vietcombank chi nhánh Cà Mau cũng thông báo phát mãi các bất động sản gồm phần đất và nhà tại số F1, C4, khu cư xá Tân Cảng, đường Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Số bất động sản này được rao bán với giá khởi điểm hơn 37 tỷ đồng.

Vietcombank chi nhánh TP.HCM mới đây cũng đã chào bán hơn 1.400m2 đất tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Đây là đất thuộc cụm công nghiệp có thời gian sử dụng đến năm 2055, là tài sản đảm bảo của công ty TNHH Kim Loại Việt Phong.

Với lượng bất động sản thế chấp khủng, ngân hàng Vietcombank luôn tăng tốc trong việc rao bán các bất động sản thế chấp để thu hồi nợ xấu. Đồng thời, nhà băng này luôn nằm trong top ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất ngành.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank trong năm 2022 đã tăng thêm hơn 477.000 tỷ đồng (tăng 29,2%), lên trên 2,11 triệu tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên quy mô tài sản thế chấp tại Vietcombank vượt mốc 2 triệu tỷ.

Trong đó, bất động sản thế chấp chiếm gần 74% tổng lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank với hơn 1,56 triệu tỷ. So với cuối năm 2022, lượng bất động sản thế chấp tại Vietcombank đã tăng thêm gần 397.000 tỷ và là bộ phận có tốc độ tăng nhanh nhất.

Tài sản thế chấp tại Vietcombank. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022)
Tài sản thế chấp tại Vietcombank. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022)

BIDV rao bán đấu giá khoản nợ lần thứ 13

Cụ thể, mới đây, BIDV chi nhánh Hải Phòng thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Thép Việt Nhật lần thứ 13. BIDV đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ của Công ty Cổ phần Thép Việt Nhật là hơn 140,8 tỷ đồng. Con số này chưa bằng 1/3 giá trị khoản nợ và thấp hơn 53 tỷ đồng so với số tiền nợ gốc.

Ngân hàng chật vật thanh lý bất động sản thế chấp - Ảnh 1

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là 2 bất động sản tại Hải Phòng gồm số 159 Bạch Đằng và nhà máy cán Km9 Quốc lộ 5, Quán Toan, Hồng Bàng. Ngoài ra, tài sản thế chấp cho khoản vay này còn có máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và loạt phương tiện vận tải, xe máy công trình.

BIDV cho biết tại thời điểm đấu giá này BIDV đang tham gia giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản nợ trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” tại Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng thành phố Hải phòng. Hiện TAND Quận Hồng Bàng đang thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Trước đó, BIDV từng nhiều lần tổ chức bán đấu giá khoản nợ này 12 lần nhưng không thành công. Trong lần đầu tiên thông báo bán đấu giá khoản nợ vào cuối tháng 4/2022, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm tương đương giá trị tính đến hết ngày 28/02/2022 là hơn 440 tỷ đồng. Như vậy, sau khoảng 9 tháng, giá khởi điểm khoản nợ đã giảm gần 300 tỷ đồng.

BIDV cho biết, người tham gia đấu giá sẽ phải đặt trước 14,07 tỷ đồng. Thời hạn nộp tiền đặt trước sẽ từ ngày 10/01/2023 đến 16h30 ngày 12/01/2023. Thời gian, địa điểm mở cuộc đấu giá sẽ vào lúc 10h ngày 13/01/2023 tại Công ty Đấu giá hợp danh Lam Sơn Sài Gòn - Chi nhánh Hà Nội.

Về tình hình kinh doanh của BIDV, đến hết 31/12/2022, tổng tài sản đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao (12,7%), đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng (chiếm khoảng 12,5%).

Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,9%. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng.

Ngoài ra, những ngân hàng lớn khác như Vietinbank, Sacombank hiện cũng đang chật vật rao bán các khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi và xử lý nợ xấu.

Theo thống kê từ FiinGroup, khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Việc phát mãi tài sản bảo đảm, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.

Tính đến cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã tăng lên 1,9%, nợ xấu gộp 4,5% (gồm cả nợ đã bán cho VAMC và tái cơ cấu). Chất lượng tín dụng đi xuống tại các ngân hàng sau khi Thông tư 14 hết hạn vào cuối tháng 6/2022, từ đó nợ xấu đã được phản ánh vào báo cáo tài chính với các số liệu cho thấy hầu hết ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng trong năm qua.

Dự báo năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do rủi ro từ vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành xuất nhập khẩu cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản và những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp.

Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng triển tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Minh Anh

Theo Kinh doanh và Phát triển