Ngân hàng siết cho vay bất động sản là cần thiết

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng siết chặt vốn nguồn vốn cho vay bất động sản sẽ ảnh hưởng đến thị trường địa ốc tuy nhiên việc này cần thiết và cũng không cần lo ngại vì siết tín dụng mà xuất hiện tình trạng bong bóng bất động sản.

Năm 2022, NHNN sẽ kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền chảy vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.  
Năm 2022, NHNN sẽ kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền chảy vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.  

Siết dòng vốn chảy vào bất động sản

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

Trước yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số ngân hàng đã có động thái siết chặt việc cấp tín dụng, giải ngân với lĩnh vực cho vay bất động sản.

Đầu tiên là, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã quyết định không cho vay đối với lĩnh vực bất động sản từ 23/3 đến hết 30/6/2022.

Để ngăn chặn tình trạng cấp tín dụng ồ ạt, một số ngân hàng vừa phải chỉ đạo tạm dừng hoặc hạn chế cho vay vào lĩnh vực này. Sacombank đã ban hành công văn trên toàn hệ thống cho biết sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nay đến hết tháng 6/2022.

Hiện ngân hàng này tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng gia tăng cao như xất khẩu, dịch vụ, logictics…

Đại diện của Sacombank cho biết hạn mức tín dụng được tạm cấp trong năm 2022 không nhiều, ngân hàng sẽ hạn chế cho vay bất động sản để tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…

Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng thông báo kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản.

Theo đó, ngân hàng này sẽ tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3. Các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang ngày 1/4.

Làm trong sạch thị trường bất động sản

Các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo tình trạng cho vay bất động sản ồ ạt có thể sẽ gây lên hệ lụy cho nền kinh tế.

Trong một hội thảo mới đây, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ… thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra giám sát.

Theo ông Nghĩa, xét về cơ cấu phát hành trái phiếu năm qua có đến hơn 50% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, 30% từ ngân hàng. Điều này có nghĩa là hơn 80% trái phiếu phát hành không thuộc lĩnh vực sản xuất. Phần lớn khối lượng trái phiếu được phát hành trong những năm qua không có bóng dáng của các lĩnh vực như sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại mà tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có tính đầu cơ cao như lĩnh vực bất động sản.

Ông Nghĩa cho rằng đây là một dấu hiệu đáng lo ngại khi mức độ cho vay các công ty sân sau bất động sản đang ở mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính nhìn nhận, việc kiểm soát tín dụng bất động sản nhằm thanh lọc doanh nghiệp trong lĩnh vực này để thị trường nhà đất phát triển bền vững hơn, vì các doanh nghiệp hiện chủ yếu dựa vào vốn vay.

Chia sẻ với báo chí mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho rằng, việc siết chặt tín dụng vào bất động sản sẽ tạo ra cú sốc lớn cho thị trường. Điều này sẽ có, vì "thắt" nguồn tiền dĩ nhiên lượng giao dịch sẽ giảm.

Tuy nhiên chuyên gia này khẳng định rằng, siết tín dụng là điều cần thiết và cũng không cần lo ngại vì siết tín dụng mà xuất hiện bong bóng bất động sản.

Thời gian qua, NHNN đã nỗ lực kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro và làm sạch quan hệ sở hữu chéo của ngân hàng với doanh nghiệp sân sau, song theo các chuyên gia, mối quan hệ này ngày càng phức tạp và không dễ kiểm soát.

Phó thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú khẳng định, năm 2022, NHNN sẽ kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền chảy vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, với lĩnh vực bất động sản, cơ quan này sẽ siết chặt tín dụng bất động sản có tính chất đầu cơ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, NHNN vẫn sẽ ưu tiên và tạo điều kiện.

"Chúng tôi chỉ đạo các ngân hàng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp", Phó Thống đốc nói.

Các ngân hàng  phải dựa vào tỷ lệ hiện cho vay đối với lĩnh vực này so với tổng dư nợ của ngân hàng mình, cân đối nguồn vốn và các tỷ lệ an toàn vốn... để hạn chế hay là siết dòng vốn đối với kinh doanh bất động sản.

Không chỉ siết vay vốn, Thông tư 16/2021/TT-NHNN cũng quy định chặt chẽ về việc mua bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Đây được xem là chiếc van hạn chế và kiểm soát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào bất động sản qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Bảo Phương

Theo Chất lượng và Cuộc sống