Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng báo lãi hàng nghìn tỷ đồng

Trong tuần vừa qua, hàng loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng với lợi nhuận ghi nhận lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng báo lãi hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 1

MSB: Lãi trước thuế 6 tháng đạt trên 3.300 tỷ, tăng 7% so với cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB) trong tuần qua đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với sự tăng trưởng về tổng cho vay khách hàng, tổng tiền gửi và thu nhập lãi thuần. Chất lượng tài sản vẫn ở mức tốt khi tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tính theo Thông tư 11/2021//TT-NHNN chỉ 1,1%.

Kết thúc quý II/2022, MSB ghi nhận mức tăng trưởng tổng tài sản 6,5% so với thời điểm 30/6/2021, đạt trên 195.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng cho vay khách hàng đạt gần 110.500 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Nhu cầu tín dụng tăng trưởng với sự gia tăng đáng kể của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 28% và dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp tăng khoảng 18% so với cùng kỳ.

Về huy động vốn, tổng tiền gửi tại ngày 30/06/2022 vượt 98.300 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với quý II/2021. Tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi đạt 36,72%, tăng nhẹ so với cuối năm 2021, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường.

Điều này cũng tác động trực tiếp đến biên lãi ròng (NIM), đưa chỉ số này tăng lên 4,05% vào cuối quý II/2022.

Tổng thu nhập thuần của riêng quý II chạm mốc 2.800 tỷ đồng, trong đó ghi nhận sự đóng góp phần lớn từ thu nhập lãi thuần 2.060 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Mảng thu nhập ngoài lãi ghi nhận sự đóng góp lớn từ kinh doanh ngoại hối khi lãi thuần mảng hoạt động này đạt hơn 315 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của riêng quý II/2022 của MSB vượt 1.840 tỷ đồng.

Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, MSB đạt tổng lợi nhuận trước thuế gần 3.336 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước. 

VPBank: Lãi trước thuế 6 tháng đạt 15.300 tỷ, hoàn thành 52% kế hoạch năm

Tính đến cuối quý II, dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) đạt 436 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành. Doanh số giải ngân 6 tháng đầu năm của hai phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ các sản phẩm cho vay thế chấp.

Thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. VPBank cho rằng thu nhập từ lãi tăng ổn định nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021. Tương tự, thu nhập thuần từ phí tăng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021, ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng, do tăng doanh thu từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ.

Thu nhập từ nợ đã xử lý đạt kết quả khả quan, tăng 26% so với cùng kỳ với trên 1,7 nghìn tỷ đồng.

VPBank cho biết nhờ tăng trưởng mạnh về doanh thu và kiểm soát tốt chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 52% kế hoạch năm.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 23,4% và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 3,5%.

Ngân hàng tuần qua: Loạt nhà băng báo lãi hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 2

Techcombank báo lãi trước thuế 14.100 tỷ đồng, tăng trưởng 22%

Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 21,1 nghìn tỷ đồng với động lực chủ yếu từ thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Cụ thể, thu nhập từ lãi đạt 15,9 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) ổn định tại 5,6%. Trong quý II/2022, do biến động lãi suất, lợi suất tài sản giảm 12 điểm phần trăm và chi phí vốn tăng 17 điểm phần trăm so với quý trước.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 29,5% so với cùng kỳ, đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ cốt lõi: thu phí từ dịch vụ thẻ (đạt 844,4 tỷ đồng, tăng 45,3%); thu phí từ dịch vụ bảo hiểm (đạt 617,1 tỷ đồng, tăng 31,5%); thu từ thư tín dụng (LC) (đạt 544,2 tỷ đồng, tăng 56,8%); thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) vẫn tăng 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,8 nghìn tỷ.

Về chi phí, chi phí hoạt động của Techcombank tăng 24,3% so với cùng kỳ, đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,3%. Chi phí dự phòng giảm đáng kể 56,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo Techcombank, nguyên nhân là do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi, dẫn đến một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.

Techcombank báo lãi trước thuế luỹ kế 6 tháng đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. 

BAC A BANK được chấp thuận góp vốn vào một công ty xếp hạng tín nhiệm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã chấp thuận việc BAC A BANK góp vốn, mua cổ phần vào VIS Rating với số tiền tối đa là hơn 5,2 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 5,1% vốn điều lệ của công ty này.

Phương án mua cổ phần này đã được BAC A BANK thông qua tại Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT của HĐQT ngày 21/4/2022 vừa qua.

NHNN cho biết BAC A BANK cần lưu ý về việc VIS Rating phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (đã sửa đổi, bổ sung) và các quy định pháp luật khác có liên quan khi xếp hạng tín nhiệm (bao gồm việc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh trước khi cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm).

BAC A BANK phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần vào VIS Rating trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày NHNN ra văn bản chấp thuận.

Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Petrolimex thoái vốn khỏi PGBank

Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua đã chấp thuận cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, UPCoM: PGB).

Việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện thông qua hình thức đấu giá công khai tại sở giao dịch chứng khoán. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến trong quý III/2022.

Được biết, Petrolimex hiên là cổ đông lớn nhất của PGBank với tỷ lệ sở hữu 40%, tương đương nắm giữ 120 triệu cổ phiếu.

Tạm tính theo thị giá của PGB trên thị trường chứng khoán, Petrolimex có thể thu về 2.160 tỷ đồng nếu thoái vốn thành công tại ngân hàng này.

Tính đến cuối quý I/2022, khoản đầu tư tại PGBank của Petrolimex ghi nhận giá trị hơn 1.712 tỷ đồng trên báo cáo tài chính.

Việc thoái vốn tại PGBank của Petrolimex đã kéo dài lâu hơn so với dự kiến. Tập đoàn này từng tuyên bố sẽ thoái xong vốn tại ngân hàng này trong năm 2021, tuy nhiên tại ĐHCĐ thường niên năm 2022 thì thời gian thực hiện phương án lại được lùi xuống nửa đầu quý IV/2022.

Ngân Kim

Theo VietnamFinance