Ngân hàng tuần qua: Tỷ giá VND/USD vượt mốc lịch sử, lãi suất lập đỉnh trên 8%
Trong tuần qua, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh, vượt mốc lịch sử 24.000 đồng. Tỷ giá trung tâm vẫn tiếp tục tăng, còn giá USD thế giới lại quay đầu giảm nhẹ.
'Big 4' vào cuộc, đường đua lãi suất thêm nóng
Vietcombank đã thông báo biểu lãi suất huy động mới nhất theo hướng tăng mạnh 0,8-1,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Theo đó, với hình thức gửi tại quầy, nhà băng này tăng lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng thêm 1% lên 4,1-4,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,8%/năm lên 6,4%/năm; lãi suất ở các kỳ hạn 24 tháng trở lên tăng 1%, ở mức 6,4%/năm.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, Vietcombank áp dụng mức lãi suất huy động mới cao hơn 1,2-1,3 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,9%/năm, cao hơn 1,2-1,3% so với biểu lãi suất cũ; kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng hình thức gửi online có mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm, tăng 1% so với trước đó.
Cùng với Vietcombank, một ngân hàng quốc doanh khác là Vietinbank cũng đã tăng mạnh biểu lãi suất huy động đợt này. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng của ngân hàng này đã tăng thêm 1% lên 4,1%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng lên 4,4%/năm; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietinbank cũng áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm như Vietcombank, đều tăng 0,8 điểm % so với trước đó.
Tương tự, Agribank cũng vừa điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động. Trong đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này tăng tới 0,3 điểm %, cao hơn con số niêm yết của nhóm ngân hàng quốc doanh cùng là 0,1%/năm. Còn lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất tại Agribank hiện cũng là 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6,4%/năm.
Trong nhóm Big 4 chỉ còn BIDV là chưa có động thái điều chỉnh biểu lãi suất huy động.
Việc nhóm Big 4 tăng mạnh lãi suất sẽ ảnh hưởng đáng kể tới mặt bằng lãi suất của thị trường bởi 4 ngân hàng này chiếm hơn 45% thị phần tiền gửi toàn hệ thống.
Như vậy, với mức tăng từ 0,8-1,3 điểm % lãi suất huy động, 3 ngân hàng quốc doanh nói trên chính là nhóm điều chỉnh lãi suất mạnh nhất trong đợt này.
>>> Xem thêm: 'Big 4' vào cuộc, đường đua lãi suất thêm nóng
Liên tục rớt giá, ‘cổ phiếu vua’ trong cơn bĩ cực
Được mệnh danh là “cổ phiếu vua”, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 45% lợi nhuận và 38% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhóm này thường được coi là nhóm dẫn dắt thị trường khi có tính thị trường rất cao, do đặc thù số lượng cổ phiếu lưu hành lớn. Cổ phiếu ngân hàng là một trong những bệ đỡ dẫn dắt đà tăng của thị trường lập đỉnh với mức trên 1.400 điểm.
Nhưng đến giai đoạn hiện nay, nhóm này dường như mất vị thế dẫn dắt đà tăng của thị trường. Sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng đã sụt giảm mạnh khi nhiều cổ phiếu không ngừng “tụt dốc” trong thời gian gần đây.
Trong tháng 8 vừa qua, có tới 19 trên tổng số 27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, với mức giảm phổ biến từ 5-7% so với đầu tháng. Trong đó, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức giảm sâu. Đơn cử, cổ phiếu BID và LPB có cùng mức giảm 8%; cổ phiếu HDB, STB, OCB có cùng mức giảm 7% trong tháng 8...
Sang đến tháng 9, nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa lấy lại động lực tăng trở lại, thậm chí nhiều cổ phiếu còn giảm sâu hơn.
Việc "cổ phiếu vua" liên tục giảm gây nản lòng các nhà đầu tư. Gần đây, sự quan tâm của khối ngoại đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang có dấu hiệu đi xuống. Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu bán ròng và có khối lượng giao dịch khá thấp.
Cổ phiếu ngành ngân hàng đang chịu phải áp lực bán mạnh. Nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra hoài nghi về tỷ suất lời của các ngân hàng.
"Những lo ngại của thị trường về lạm phát và nợ xấu gia tăng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư đối với triển vọng ngành ngân hàng kể từ đầu năm. Tâm lý thị trường đối với nhóm ngân hàng còn bị ảnh hưởng hơn khi thị trường vốn bắt đầu chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, bất chấp mục đích để cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường vốn trong dài hạn" - chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cho hay.
>>> Xem thêm: Liên tục rớt giá, ‘cổ phiếu vua’ trong cơn bĩ cực
Vượt mốc lịch sử, giá USD ngân hàng lên trên 24.000 đồng
Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại trong tuần qua đã tăng rất mạnh, vượt mốc lịch sử 24.000 đồng. Tỷ giá trung tâm vẫn tiếp tục tăng, còn giá USD thế giới lại quay đầu giảm nhẹ.
Cụ thể, ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.400 VND/USD, tăng 29 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày 30/9 là 24.100 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.700 VND/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nước nước hôm nay được điều chỉnh tăng từ 23.700 đồng/USD lên mức 23.925 đồng/USD (bán ra), còn giá mua vào vẫn để trống (trước đó niêm yết 22.550 đồng/USD). Như vậy, từ đầu năm đến nay, NHNN đã tăng tỷ giá tham khảo thêm 905 đồng, tương đương tăng 3,9%.
Trong khi đó, tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại vào tại ngày 30/9 tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh với mức tăng cao nhất tới 130 đồng/USD, vượt qua mốc lịch sử 24.000 đồng.
Tại thị trường tự do, giá USD ngày 30/9 vẫn được giao dịch quanh mức 24.200 - 24.290 đồng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, tỷ giá USD vào ngày 30/9 lại giảm nhẹ. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) vào lúc 9h30' ngày 30/9 (giờ Việt Nam) ở mức 112,18 điểm, giảm 007%.
Ngân hàng rao bán cả loạt resort, khách sạn để xiết nợ
Trong tuần qua, các ngân hàng liên tục rao bán và hạ giá nhiều tài sản đảm bảo nợ vay là khu du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn để thu hồi những khoản nợ xấu giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank AMC) đã thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Đầu tư Xây dựng Thăng Long.
Giá trị ghi sổ của khoản nợ tính đến ngày 9/9/2022 là hơn 156,2 tỷ đồng và 664.500 USD. Tài sản bảo đảm của khoản nợ trên là tài sản hình thành trong tương lai đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Cúc Phương thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, gắn liền với thửa đất có diện tích 990.164 m2.
Vietcombank trong tuần qua cũng rao bán khu resort Mỹ Khê (Quảng Ngãi) của Công ty cổ phần Du lịch Quảng Ngãi với giá khởi điểm hơn 30 tỷ đồng. Dự án có diện tích gần 3.700m2, thời hạn sử dụng đất đến năm 2042.
Ngoài khu du lịch nghỉ dưỡng, resort, các ngân hàng cũng rao bán nhiều khoản nợ được thế chấp bằng khách sạn.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết có nhu cầu bán toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Khách sạn Du lịch Huy Hùng Nam Thăng Long để xử lý thu hồi nợ vay.
Tổng dư nợ tính đến hết ngày 15/9/2022 là hơn 53 tỷ đồng. Khoản nợ có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là Khách sạn Galaxy River Hotel tại phường Thịnh Đán, TP.Thái Nguyên. Giá trị tài sản là 88,7 tỷ đồng. Giá bán/chuyển nhượng theo thỏa thuận.
>>> Xem thêm: Ngân hàng rao bán cả loạt resort, khách sạn để xiết nợ
Khai trừ Đảng nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Đông Á
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. HCM trong tuần qua đã khai trừ khỏi Đảng với bà Nguyễn Thị Cúc nguyên Trưởng Ban Kiểm soát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank).
Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. HCM, bà Nguyễn Thị Cúc trong quá trình giữ chức vụ Trưởng Ban Kiểm soát, Ngân hàng Đông Á đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, cùng gây thiệt hại cho DongA Bank số tiền hơn 3.608 tỷ đồng.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Cúc đã bị Tòa án nhân dân TP. HCM xử phạt 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 2, Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Từ tháng 12/2016, C46 đã khởi tổ vụ án và khởi tố bị can với một số cựu lãnh đạo của DongA Bank vì vi phạm các quy định hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank.
Ngày 11/6/2018, C46 đã khởi tố bị can, lệnh khám xét và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Cúc về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điểm những đỉnh lãi suất mới thiết lập
Một tuần sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã thiết lập mức cao mới. Hiện lãi suất huy động đã vượt mốc 8%/năm.
Đối với tiền gửi không kỳ hạn, hầu hết ngân hàng vẫn giữ nguyên mức lãi suất chỉ 0,1-0,2%/năm. Nhưng cũng có nhiều ngân hàng khác điều chỉnh tăng lên mức tối đa cho phép 0,5%/năm, như: NCB, BacABank, NamABank, GBBank, KienLongBank, SCB...
Ở kỳ hạn 1-3 tháng, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất lên kịch trần cho phép là 5% như: BacABank, GPBank, KienLongBank, NamABank, NCB, SaiGonbank, SCB, VIB, VietCapitalBank, PublicBank. So với biểu lãi suất cũ, hiện lãi suất của các ngân hàng này đã tăng từ 0,8%/năm đến hơn 1%/năm.
Trong khi đó, ở các kỳ hạn này, các ngân hàng khối quốc doanh có mức lãi suất tiết kiệm thấp hơn. Với kỳ hạn 1 tháng gửi tại quầy, cả 4 "ông lớn" ngân hàng nhà nước (gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) có cùng mức lãi suất tiết kiệm là 4,1%/năm.
Còn ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất huy động của 4 ngân hàng này cũng đều nâng lên mức 4,4%/năm, tăng thêm khoảng 1%/năm so với biểu lãi suất cũ.
Tại kỳ hạn 6 tháng gửi tại quầy, lãi suất huy động dao động từ 4,7-7,1%. Trong đó, CBBank là nhà băng có lãi tiết kiệm cao nhất ở kỳ hạn này, lên tới 7,1%/năm. Tiếp theo là BacABank (7%/năm), NCB (6,75%/năm), GPBank (6,6%/năm), DongABank (6,6%/năm). Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, ở kỳ hạn này, Agribank có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 4,8%/năm, 3 ngân hàng còn lại là BIDV, VietinBank và Vietcombank có lãi suất huy động là 4,7%/năm.
Ở kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động trong khoảng 4,8-7,2%. CBBank vẫn là ngân hàng có mức có lãi tiết kiệm cao nhất lên tới 7,2%. 4 ngân hàng quốc doanh có cùng mức lãi suất huy động là 4,8%/năm, mức này đã tăng thêm 0,8%/năm so với trước đây.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động hiện dao động trong khoảng 5,3-7,45%. Nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn này lên trên 7%/năm. Trong đó, CBBank vẫn là nhà băng có mức có lãi tiết kiệm cao nhất ở kỳ hạn này, lên tới 7,45%. Còn nhóm "Big 4" niêm yết lãi suất ở mức thấp hơn. Hiện mức lãi suất cao nhất tại Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank là 6,4%/năm khi khách hàng gửi kỳ hạn dài từ 12 tháng.