Doanh nghiệp có nguy cơ thu hẹp hoạt động do lãi suất ngân hàng tăng

Nếu tăng thêm chi phí lãi suất sẽ dẫn đến doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, không thể mở rộng đầu tư, tăng sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã công bố tăng lãi suất huy động. Khảo sát trên thị trường cho thấy, lãi suất huy động tiền gửi bằng Việt Nam đồng trong tháng 4/2022 tại nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh tăng. Có khoảng 12 ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với các mức tăng lãi suất huy động 0,1 - 0,3%/năm. Các ngân hàng Á Châu (ACB), Hàng hải (MSB) và Bản Việt (VietCapital) hiện có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm. Ngân hàng Nam Á cao nhất là 7,4%/năm và Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) dẫn đầu với lãi suất cao nhất là 7,8%/năm.

Nếu lãi suất cho vay tiếp tục tăng thì khó khăn sẽ chồng lên khó khăn và có nhiều doanh nghiệp khó mà trụ nổi. Ảnh; T.L  
Nếu lãi suất cho vay tiếp tục tăng thì khó khăn sẽ chồng lên khó khăn và có nhiều doanh nghiệp khó mà trụ nổi. Ảnh; T.L  

Trong khi lãi suất huy động tiền gởi bằng Việt Nam đồng tăng thì lãi suất tiền đồng giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng cuối tháng 4 sụt giảm từ 0,5 - 0,7%/năm. Lãi suất bình quân liên ngân hàng sụt giảm cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào.

Trước xu hướng tăng lãi suất, các nhà sản xuất, kinh doanh phập phồng lo lắng vì khi lãi suất cho vay tăng sẽ đẩy chi phí vốn tăng theo.

Ông Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát có nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Amata, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, nhu cầu về bao bì giấy trên thị trường đang gia tăng trở lại nên doanh nghiệp đang tăng tốc nhập hàng để cung ứng cho các đối tác. Tuy nhiên, sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, việc phục hồi vẫn chưa được như trạng thái ban đầu, do đó nguồn tài chính vẫn khó khăn. Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng khiến cho doanh nghiệp của ông cũng như các doanh nghiệp khác lo lắng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, tác động đến nguồn tiền của doanh nghiệp, trong đó có cả những khoản vay cũ.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP.HCM, hiện nay nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp đã bắt đầu ấm dần hơn sau hơn 2 năm chống chọi với dịch bệnh. Dù vậy, phần lớn các nhà sản xuất, kinh doanh đều vay vốn từ ngân hàng. Cho nên khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra cũng khó có thể đứng im.

Hiện tại đã có một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay khoảng 0,5%/năm so với mức lãi suất năm ngoái. Trong điều kiện kinh tế bình thường, mức tăng lãi suất như vậy không đáng lo ngại nhưng trong bối cảnh hiện nay sẽ gây thêm áp lực cho nhà sản xuất, kinh doanh. Bởi gần đây giá nguyên vật liệu, cước vận chuyển, xăng dầu… tăng mạnh. Chẳng hạn, giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển đều đã tăng 30%-50% so với năm ngoái.

Cũng theo ông Quốc Anh, với một loạt khó khăn như vậy, các doanh nghiệp đang rất cần sự chung tay hỗ trợ từ phía ngân hàng để gồng mình vượt khó. Nếu lãi suất cho vay tăng nữa thì khó khăn sẽ chồng lên khó khăn và có lẽ nhiều công ty khó mà trụ nổi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mặt bằng lãi suất huy động tăng, nguyên nhân chính phải kể đến là lạm phát có xu hướng tăng, khả năng duy trì mặt bằng lãi suất thấp rất thách thức với các tổ chức tín dụng. Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền ra thị trường, do đó không thể giúp các ngân hàng thương mại duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào nữa.

Từ đó, ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền vào. Khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, dòng tiền cần phải quay lại khu vực sản xuất, giảm bớt ở các kênh đầu tư tài chính như chứng khoán, tiền, vàng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Lãi suất huy động đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát, do người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư, nhưng các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp.

Hiện các doanh nghiệp đang lo ngại về xu hướng lãi suất tăng, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Trong khi đang gặp khó khăn về dòng tiền, giờ nếu tăng thêm chi phí lãi suất sẽ dẫn đến phải thu hẹp hoạt động, không thể mở rộng đầu tư, tăng sản xuất. Trong khi đó, gói hỗ trợ 2% vốn vay được Chính phủ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. Doanh nghiệp đang cần nguồn vốn rẻ vẫn phải chờ đợi.

Các chuyên gia kinh tế tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo trong thời gian tới áp lực lạm phát sẽ cao hơn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã và đang có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là xăng dầu, cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế.

Áp lực này sẽ khiến một số ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động sau một thời gian liên tục điều chỉnh giảm. Do đó, lãi suất cho vay dự báo sẽ duy trì ở mức cao tương đối chứ khó có thể giảm.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có trụ sở tại TP.HCM thừa nhận, một trong những điểm mấu chốt ảnh hưởng đến lãi suất huy động và cho vay là Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ như thế nào để các ngân hàng không cạnh tranh nhau về giá vốn như từng xảy ra vào những năm trước.

Cũng theo vị giám đốc ngân hàng này, trong trường hợp lạm phát năm nay vẫn duy trì dưới 4% thì dự báo đến hết quý 2/2022, lãi suất cho vay trong ngắn hạn hiện được một số ngân hàng cho vay tăng 0,5%/năm. Nhưng nếu lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn so với dự báo thì lãi suất cho vay ngắn hạn có thể tiếp tục tăng thêm 0,5% vào cuối năm và lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ tăng thêm khoảng 1,5% nữa.

T.L

Theo Chất lượng và Cuộc sống