Nghịch lý BĐS phía Tây Hà Nội: Hạ tầng quá tải, doanh nghiệp vẫn đua “bơm thổi” tăng giá bán
Tắc đường nghiệm trọng xảy ra hàng ngày và ngày càng nghiêm trọng trên tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, thế nhưng các tòa cao ốc vẫn đua nhau mọc lên và giá bất động sản cũng được “bơm thổi” tăng đến chóng mặt.
Hạ tầng quá tải, bất động sản vẫn được “bơm thổi” tăng giá
Tuyến đường Tố Hữu có chiều dài khoảng 2km, được được xây dựng với mục đích giảm tải cho tuyến đường Nguyễn Trãi vốn có lưu lượng xe cộ rất lớn. Đây cũng là tuyến đường huyết mạch kết nối khu trung tâm với khu vực phía Tây Hà Nội. Vì vậy, nhiều người đặt kỳ vọng cơ sở hạ tầng, giao thông khu vực sẽ thuận tiện hơn, tạo đà phát triển và làm thay đổi diện mạo khu vực này khi con đường được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, ngay khi dự án được khởi động thì “cuộc đua” của các đại gia địa ốc dọc tuyến đường này cũng bắt đầu. Các dự án bất động sản ăn theo hạ tầng giao thông mọc lên dày đặc, tuyến đường dài 2km ngoài việc giảm tải giao thông cho đường Nguyễn Trãi, còn phải gánh lưu lượng phương tiện giao thông cư dân hàng chục tòa chung cư cao từ 25 – 45 tầng, khiến hạ tầng quá tải, tắc đường xảy ra hàng ngày vào những giờ cao điểm…
Cùng với đó, các chủ đầu tư cũng đã tận dụng cơ hội để quảng cáo dự án được “hưởng lợi” từ tuyến đường huyết mạch và “thổi” giá nhà, đất khiến những thông tin về việc BĐS khu vực này tăng giá xuất hiện dày đặc.
Điển hình như chung cư Sparks Tố Hữu của Vinaconex Xuân Mai, thời điểm được chào bán ra thị trường vào năm 2010, giá bán căn hộ tại dự án này là 16 triệu đồng/m2, tuy nhiên, sau đó dự án đã được “bơm thổi” khiến mức giá tăng dần lên đến 21 triệu đồng/m2.
Năm 2014, một dự án khác cũng được mở bán là chung cư C37 Bắc Hà Tower với 500 căn hộ cũng được chào bàn ra thị trường mới mức giá ban đầu là 22 triệu đồng/m2, sau đó cũng đã được tăng lên 25-26 triệu đồng/m2.
Dù giá bán đã tăng cao, nhưng “cái phao” của những dự án này là vị trí nằm trên trục đường Tố Hữu, nên vẫn thu hút rất nhiều người mua nhà.
Một dự án khác cũng nằm trên tuyến đường này là Ecolife Capitol, được chào bán ra thị trường từ năm 2015 với 760 căn hộ. Mức giá được đưa ra thị trường thời điểm đó đối với những căn hộ tại dự án này là 27 triệu đồng/m2, đến nay, giá bán căn hộ tại đây dã được tăng lên 30 triệu đồng/m2.
Hiện tại, 730 căn hộ tại dự án này đã được bán ra thị trường, và còn khoảng 40 căn hộ vẫn đang được chào bán.
Được biết, hiện trên tuyến đường Lê Văn Lương còn hàng loạt dự án khác đang được triển khai xây dựng. Trong đó dự án Roman plaza với quy mô “khủng” lên đến hàng nghìn căn chung cư, biệt thự, liền kề… dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý 2/2019.
Thời điểm mở bán vào năm 2017, Romanplaza đã chào bán 804 căn hộ chung cư với mức giá 28 triệu đồng/m2. Hiện hơn 400 căn hộ tại dự án đã được bán ra thị trường, và khoảng gần 400 căn hộ đang được chào bán với giá khoảng 29 triệu đồng/m2.
Mới đây, chung cư Anland Premium cũng được khởi công xây dựng, và năm 2018 dự án được mở bán với mức giá khoảng 24 triệu đồng/m2. Hiện tại, mức giá bán đã được nâng lên khoảng 25 triệu đồng/m2, và còn tồn khoảng 400 căn hộ.
Vị trí dự án - Từ lợi thế trở thành bất cập
Có thể nói, trong những năm qua, chủ đầu tư các dự án bất động sản khu vực này đã khá thuận lợi khi triển khai hàng loạt dự án “ăn theo” hạ tầng dọc tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu ngay khi con đường này được triển khai và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đường Tố Hữu, con đường vốn được coi là huyết mạch của phía Tây Hà Nội trước đây lại trở thành “điểm đen” tắc đường của thành phố mà hiện vẫn chưa có phương án nào để giải tỏa, giảm tải áp lực cho tuyến đường này.
Khoảng 40 – 50 tòa chung cư từ các dự án như: The Pride, dự án Tây Hà, Bắc Hà, KĐT Dương Nội, Handico, The Light,… chen chúc trên tuyến đường dài khoảng hơn 2km. Trong khi đó, hàng loạt dự án với quy mô lớn vẫn đang triển khai và chuẩn bị được đưa vào sử dụng.
Hàng loạt dự án đang thi công xây dựng và sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Trong đó, dự án Roman plaza với quy mô lên đến hàng nghìn căn chung cư, biệt thự, liền kề… dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý 2/2019 là một trong những dự án có quy mô tương đối lớn dọc tuyến đường này.
Khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tuyến đường này sẽ phải gánh thêm hàng nghìn hộ dân, tạo thêm một áp lực không nhỏ mà tuyến đường Tố Hữu phải “oằn mình” gánh chịu.
Hay các dự án như Anland Premium, QMS Tower, Aoen Mall Hà Đông… cũng đang được triển khai xây dựng, trong tương lai không xa, khi những dự án này được đưa vào sử dụng, sẽ càng khiến tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu tắc “không lối thoát”.
Hạ tầng vốn đã quá tải, tắc đường là tình trạng xảy ra hàng ngày vào những khung giờ cao điểm tại tuyến đường này, thế nhưng các dự án vẫn đua nhau mọc lên, dân cư khu vực tăng lên và thêm một nghịch lý nữa là giá bất động sản khu vực này được “bơm thổi” tăng theo.
Nhiều chủ đầu tư, dự án vẫn đang tự hào quảng cáo vị trí đắc địa, hay vị trí “vàng” trong các chiến dịch mở bán căn hộ và giới thiệu dự án đến khách hàng, bất chấp tỉnh trạng quá tải hạ tầng giao thông khu vực vốn đang hiện hữu và trở thành một vấn nạn cho người cư dân khu vực.
Tình trạng quá tải hạ tầng có thể còn nghiêm trọng hơn khi đại siêu thị AEON Hà Đông đang triển khai đi vào hoạt động.
Nhiều người lo ngại, trong những năm tới, tuyến đường này sẽ “thất thủ” hoàn toàn nếu không có giải pháp giảm áp lực cho con đường “độc đạo” này.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo Dân trí, KTS Trần Huy Ánh, Hội kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng có nhiều khu đô thị lớn được thiết kế kiểu vệ tinh dọc trục đường nhưng hệ thống trường học, bệnh viện chưa thực sự hoàn chỉnh. Điều này chỉ giải quyết được vấn đề chỗ ở nhưng sáng sáng lại dồn tập trung trên một số con đường xuyên tâm vào nội đô để học hành, mưu sinh, khám chữa bệnh… nên ùn tắc tất yếu xảy ra. Trong cuộc chạy đua giữa nhà và đường thì đường đã “thua đứt".
Theo Hải Lan/Kinhdoanhnet.vn