Người bình dân thôi mơ về nhà dưới 25 triệu đồng/m2?

Thị trường rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp dành cho các đối tượng có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Thị trường rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp dành cho các đối tượng có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Cử tri TP.HCM mới đây kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp” với các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, tiếp cận đất đai, rút gọn thủ tục đầu tư xây dựng... nhằm cung ứng loại căn hộ nhà ở thương mại giá thấp (1-2 phòng ngủ) với mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 đối với các tỉnh và mức giá khoảng 23-25 triệu đồng/m2 đối với các đô thị loại 1, đô thị loại đặc biệt. 

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Xây dựng thừa nhận có sự lệch pha cung cầu khi các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hầu hết quan tâm đầu tư các dự án nhà ở thương mại theo giá thị trường, phục vụ cho các đối tượng có thu nhập cao, dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp dành cho các đối tượng có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Người bình dân thôi mơ về nhà dưới 25 triệu đồng/m2? - Ảnh 1
Thị trường thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền

Bộ Xây dựng tính toán, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đ/m2 trở lên) hiện chỉ chiếm từ 20% - 30% tùy từng địa phương, đô thị cụ thể, còn lại 70-80% nhu cầu là phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đ/m2).

Để có quỹ nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2), Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, trong đó tập trung vào một số ưu đãi như: Về đất đai, được giảm tiền sử dụng đất, được chậm nộp tiền sử dụng đất; Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; Bố trí quỹ đất; thủ tục đầu tư xây dựng; cơ chế huy động vốn…

Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tư pháp thì các chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp chưa được quy định trong Luật Đất đai (miễn, giảm tiền sử dụng đất), Luật Nhà ở (lựa chọn chủ đầu tư), Luật Thuế (miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp)… Nghị quyết của Chính phủ không phải là hình thức văn bản quy phạm pháp luật sẽ khiến các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện nếu được Chính phủ ban hành.

Do vậy, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ theo hướng: Giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình để sửa đổi, bổ sung đồng bộ vào Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Trao đổi với Đất Việt trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra thực tế, giá bất động sản hiện nay quá cao so với sức tiêu thụ của đại bộ phận người dân. Trong khi TP.HCM hiện gần như không có nhà dưới 30 triệu đồng/m2 thì các TP lớn giá căn hộ khoảng 25 triệu đồng/m2 cũng khó kiếm. Người bình dân hiện nay mất cơ hội mua nhà khi các chủ đầu tư liên tục đẩy giá do nguồn cung khan hiếm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết, cđến nay, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập. Thị trường tồn tại tình trạng lệch pha cung-cầu, phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững, do rất thiếu loại nhà ở vừa túi tiền và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp.

Minh Thái

Minh Thái

Theo Đất Việt