Người dân vẫn “rót tiền” vào ngân hàng, dòng tiền vẫn “đứng ngoài” bất động sản?
Bất chấp lãi suất thấp, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống Tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120 nghìn tỷ trong tháng 4/2024. Điều này cho thấy người dân vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng thay vì tìm đến các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản.
Tiền vẫn “chảy” vào ngân hàng…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố số liệu thống kê liên quan đến tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng tháng 4.
Theo đó, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120.000 tỷ trong tháng 4.
Cả tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư đều tăng trưởng dương trong tháng 4. Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 81.000 tỷ đồng trong tháng 4, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên do sụt giảm khá mạnh trong tháng 1 và tháng 2 nên tính chung trong 4 tháng, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn ghi nhận sụt giảm hơn 133.000 tỷ đồng (tương đương giảm 1,95%).
Trong khi đó, tiền gửi của dân cư trong tháng 4 tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, đạt kỷ lục mới. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm, tiền gửi dân cư tăng hơn 183 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 2,8%).
Như vậy, bất chấp lãi suất thấp kỷ lục trong giai đoạn đầu năm, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng mạnh, đạt kỷ lục mới.
Song mức tăng trưởng của tiền gửi tại hệ thống ngân hàng vẫn thấp hơn so với tín dụng. Tiền gửi khách hàng của hệ thống tăng 0,91% trong 4 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng là 2,01%.
Để hút khách gửi tiền, các ngân hàng cũng liên tục tăng lãi suất huy động trong những tháng gần đây.
Chỉ tính riêng trong 2 tuần đầu tháng 7, có 10 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng 0,5%/năm so với cuối quý I/2024. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng huy động vốn vẫn rất chậm, chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm tới ngày 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,50%, trong khi tín dụng tăng tới 4,45% so với cuối năm 2023. Như vậy, tín dụng đang tăng gấp 3 lần so với tốc độ tăng huy động vốn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới “bẫy thanh khoản” cho các tổ chức tín dụng, buộc các nhà băng phải tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn.
Giới chuyên gia dự báo, trong nửa cuối năm, lãi suất điều hành nếu tăng cũng chỉ tăng ở lãi suất thị trường mở, còn trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ vẫn được giữ ổn định.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất tiết kiệm trên thị trường tăng nhẹ như thời gian qua là hợp lý, giúp cân bằng lợi ích các bên, giữ chân người gửi tiền. Với hệ thống ngân hàng, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là giữ được lãi suất điều hành ổn định và mặt bằng lãi vay ở mức thấp để nền kinh tế phục hồi.
Trên thực tế, dù lãi suất huy động đã thoát đáy, song vẫn chưa hấp dẫn với người gửi tiền. Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia tài chính, cố vấn quản lý gia sản Công ty cổ phần FIDT nhận định: “Trong 6 tháng cuối năm, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng, song mức độ tăng không nhiều và chưa thực thực sự hấp dẫn”.
Trên thực tế, với tính an toàn và khả năng thanh khoản cao, tiền gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn với số đông. Dù vậy, với lãi suất tiết kiệm hiện nay, cảnh người dân ùn ùn gửi tiền vào ngân hàng như năm 2022 là không xảy ra.
… và vẫn đứng ngoài bất động sản?
Mặc dù so với những tháng đầu năm 2024, dòng tiền vào bất động sản có dấu hiệu tích cực hơn tuy nhiên với việc người dân vẫn “rót tiền” vào ngân hàng thì một lượng lớn tiền vẫn đứng ngoài bất động sản. Điều này cũng đã cho thấy tâm lý của thị trường vẫn chỉ ở mức thăm dò, chưa ưu tiên “xuống tiền” thời điểm này.
Thực tế, mặc dù đã kết thúc quý II, nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét khi thanh khoản kém tích cực, nguồn cung hạn chế…Và kỳ vọng của doanh nghiệp bất động sản là vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực.
Ở một chia sẻ mới đây, TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia tài chính chia sẻ, từ trước đến nay chúng ta thường sử dụng bất động sản chỉ để ở, như vậy sẽ không tạo ra dòng tiền. Hiện nay, kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn là cho thuê bất động sản, đặc biệt cho người nước ngoài thuê với giá cao rồi đi thuê nơi khác để ở.
Đối với khái niệm nhà ở dòng tiền, đầu tiên phải có người sở hữu, không sử dụng mà khai thác bằng cách cho thuê, tạo ra một nguồn thu nhập.
"Thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tư vào bất động sản, đợi lên giá và bán, trong thời gian ngắn gọi là đầu cơ, một số người đợi lâu để đầu tư. Dù đầu tư hay đầu cơ thì điều quan trọng nhất chúng ta quan tâm là tính thanh khoản", ông Ánh cho hay.
Dạng thứ hai cần phát triển là sở hữu bất động sản và cho thuê. Phân khúc đi thuê và cho thuê lại, không quan tâm sự thanh khoản, mà tạo ra dòng tiền liên tục, và dòng tiền càng lớn càng tốt.
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Việt Dũng, chuyên gia từ Học viện Ngân hàng, nhận định trên truyền thông rằng, việc huy động vốn giảm trong quý đầu năm 2024 đến từ nhiều nguyên nhân, song có 3 lý do chính là bởi lãi suất huy động thấp nhất lịch sử, chứng khoán khởi sắc và đặc biệt là thị trường nhà đất bắt đầu ấm lên.
Thực tế cũng cho thấy rất nhiều nhà đầu tư giàu tiềm lực sau thời gian dài chọn gửi tiền vào ngân hàng như một giải pháp an toàn trong thời kỳ kinh tế khó khăn, đã và đang rục rịch “nắn” dòng vốn sang thị trường bất động sản.
Về tâm lý người mua trong thời gian tới, dựa trên dữ liệu lớn và nghiên cứu thị trường qua các chu kỳ phát triển, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn dự báo trong vòng 2 năm tới, thị trường bất động sản Việt Nam có thể đi qua các giai đoạn: đảo chiều, thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định.
Ở mỗi giai đoạn, người mua sẽ ưu tiên những yếu tố khác nhau khi lựa chọn bất động sản. Từ nay đến cuối năm 2024, thị trường vẫn đang thăm dò, người mua ưu tiên các yếu tố chắc chắn như phục vụ nhu cầu ở thực, pháp lý rõ ràng, có chính sách hỗ trợ tài tính tốt, bên cạnh đó là lợi suất cho thuê ổn định và tối ưu các loại chi phí. Ở giai đoạn này, chung cư thu hút lượng quan tâm lớn và ghi nhận thanh khoản tốt nhất trong các loại hình bất động sản.
Bước sang thời kỳ củng cố dự kiến bắt đầu trong quý I/2025, người mua và nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn với các yếu tố tài chính, pháp lý nhưng vẫn ưu tiên các sản phẩm phục vụ ở thực và mang lại dòng tiền tốt. Lúc này, nếu các yếu tố tiền tệ thuận lợi hơn, loại hình chi phí cao như nhà riêng, nhà phố sẽ dần cải thiện về lượng giao dịch.