Người mua nhà ngày càng ít lựa chọn khi việc chờ đợi giá nhà giảm là rất khó

Nguồn cung mới khan hiếm trong khi nhu cầu mua nhà của người dân không giảm đã kéo giá nhà tăng cao thời gian qua. Trước thực trạng này, những người có nhu cầu mua ở thực ngày càng ít sự lựa chọn, trong khi đó việc chờ đợi giá nhà giảm gần như là bất khả thi

Người mua nhà ngày càng ít lựa chọn khi việc chờ đợi giá nhà giảm là rất khó - Ảnh 1

Dù lãi suất vay mua nhà đang ở mức hấp dẫn chỉ 6-6,5%/năm, song nhiều người cho biết vẫn e ngại trong việc vay mua nhà bởi sản phẩm chưa đa dạng, giá lại liên tục leo thang.

Các thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, lượng tiền gửi tại các ngân hàng có xu hướng tăng, cho thấy một bộ phận người dân vẫn giữ tiền mặt, chờ đợi cơ hội đầu tư phù hợp.

Đại diện nhiều chủ đầu tư tại TP.HCM cho biết, mức độ quan tâm đến bất động sản của khách hàng từ nửa cuối năm trở lại đây có tăng, thậm chí khách hàng còn chủ động liên hệ với môi giới cũng như tham gia các sự kiện tư vấn bán hàng, tham quan nhà mẫu, nhưng đến khi quyết định xuống tiền lại tỏ ra dè dặt.

“Hiện tại, dù doanh nghiệp thiết kế nhiều gói bán hàng hỗ trợ, cũng như liên kết với nhiều ngân hàng để xây các gói vay ưu đãi, nhưng khi nhân viên tư vấn đến giá cả, người mua vẫn chần chừ và lấy lý do ‘suy nghĩ thêm’ hoặc nói thẳng là giá bán quá cao”, đại diện một doanh nghiệp bất động sản nói.

Giải bài toán nguồn cung sẽ giúp hạ giá nhà?

Trong bối cảnh cầu về nhà đất, nhất là nhu cầu đầu tư không ngừng tăng, chủ đầu tư sẽ ưu tiên phát triển phân khúc cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, chi phí xây dựng tăng cao cùng với hạ tầng, tiện ích được đầu tư ngày càng chất lượng.

Hành lang pháp lý mới loại bỏ các chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, buộc các chủ đầu tư còn lại trong "sân chơi" phải phát triển các đại đô thị đồng bộ hạ tầng, tiện ích, có sức lan tỏa lớn, đồng nghĩa với việc chi phí tăng cao, cũng khiến giá nhà khó hạ.

Đồng thời, việc thị trường chỉ còn lại các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, năng lực mạnh sẵn có hay có lợi thế tạo lập quỹ đất sẽ tiếp tục duy trì hiện tượng độc quyền nguồn cung, các chủ đầu tư lớn sẽ tiếp tục quyết định mức giá của thị trường, theo hướng cao hơn để tối đa hóa lợi nhuận.

Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cùng với việc thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội tại các đô thị, thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối, dịch chuyển nhu cầu về nhà ở từ vùng lõi trung tâm sang vùng lân cận, Nhà nước cần có cơ chế điều tiết nhằm giảm bớt yếu tố đầu cơ, giúp thị trường BĐS cân bằng về mặt dài hạn.

Thực tế, việc tăng nguồn cung vẫn đang trở thành vấn đề nan giải trên thị trường. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho hay, tại TP.HCM, trong số khoảng 148 dự án đang gặp vướng mắc pháp lý, nhiều dự án đã được tháo gỡ ở các cấp độ khác nhau, có những dự án nhà ở hình thành trong tương lai được phép huy động vốn lên đến 50%. Mặc dù đây chưa phải là giải pháp triệt để, nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho các chủ đầu tư.

Theo ông Châu, để giảm giá nhà cần phải tăng nguồn cung nhà ở, đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền, mà muốn tăng nguồn cung thì trước tiên cần phải giải quyết triệt để các dự án đang gặp vướng mắc, tồn đọng.

“Giả sử, trong số 148 dự án đang gặp vướng mắc nêu trên, trung bình mỗi dự án có 1.000 căn hộ, nếu tháo gỡ thành công thì thị trường sẽ có thêm 148.000 căn hộ mới, điều này trực tiếp điều tiết thị trường nên cần phải có cơ chế giải quyết ngay các dự án đang bị vướng mắc này. Đồng thời, nếu triển khai thành công 1 triệu căn nhà xã hội sẽ càng góp phần kéo giảm giá nhà”, ông Châu nói.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống