Nguồn cung eo hẹp là “nút thắt” trên thị trường bất động sản
Dù các cơ quan quản lý nỗ lực tìm cách tháo gỡ bằng việc đẩy nhanh tiến trình có hiệu lực của các sắc luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023... nhưng việc lệch pha cung - cầu vẫn diễn ra, nguồn cung eo hẹp vẫn đang là “nút thắt” trên thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản nhà ở tiếp tục lệch pha cung cầu
Theo báo cáo thị trường bất động sản trong tháng 5/2024 của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), đối với bất động sản nhà ở, nguồn cung mới trong tháng 5 có sự sụt giảm (chỉ bằng khoảng 38,5% nguồn cung mới của tháng 4), phần lớn đến từ phân khúc căn hộ trung và cao cấp. Tổng nguồn cung sơ cấp giảm nhẹ (0,73%) so với tháng 4, đạt mức 47.458 căn.
Nguồn cung trong tháng 6 dự kiến có sự cải thiện hơn và đa dạng loại hình sản phẩm, đến từ các dự án đã và đang được truyền thông nhưng chưa mở bán.
Ngoài ra, tỷ lệ hấp thụ bình quân trên nguồn cung mới tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt mức bình quân 58-62%. Sự tăng trưởng này đến từ việc nguồn cung mới tương đối khan hiếm, đến từ các dự án có vị trí đắc địa, thanh khoản cao.
Hiện tượng sốt nóng cục bộ tại khu vực Hà Nội đã có dấu hiệu hạ nhiệt, giao dịch chủ yếu đến từ nguồn cung mới trong khi giao dịch thứ cấp dần ổn định trở lại. Các dự án mở bán mới trong kỳ chủ yếu đến từ phân khúc trung cấp trở lên góp phần làm tăng mức giá bán bình quân tại các thị trường lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Trong tháng 6/2024, một số dự án cao cấp, hạng sang sẽ được mở bán chính thức trong khi nguồn cung mới từ các dự án bình dân, trung cấp ngày càng hạn chế và các dự án nhà ở xã hội chưa có kế hoạch mở bán nên mặt bằng giá dự báo sẽ tiếp tục xu hướng leo thang.
Theo các chuyên gia của đơn vị này, thị trường đã tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu cải thiện theo hướng tích cực hơn. Trong đó, các chủ đầu tư khẩn trương triển khai công bố, mở bán các dự án đã đủ điều kiện pháp lý. Khách hàng có năng lực tài chính tốt nhanh chóng đưa ra các quyết định mua khi có sản phẩm phù hợp, kể cả ở một số dự án có mức giá bán khá cao.
Nguồn cung eo hẹp là “nút thắt” trên thị trường bất động sản, cho dù các cơ quan quản lý nỗ lực tìm cách tháo gỡ bằng việc đẩy nhanh tiến trình có hiệu lực của các sắc luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023… (dự kiến từ ngày 1/8/2024).
Nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đẩy mạnh đấu giá đất
UBND huyện Phú Xuyên cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 13 lô đất tại Khu thùng lò gạch (thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên).Theo đó, các lô đất đấu giá có diện tích từ 137m2 đến 176m2 với giá khởi điểm 14 triệu đồng/m2. Mục đích là đất ở nông thôn, hình thức sử dụng lâu dài.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 11/6 đến 24/6 tại Trụ sở Tiếp công dân UBND huyện Phú Xuyên, trong giờ hành chính. Đơn vị sẽ tổ chức cho khách hàng kiểm tra thực địa khu đất đấu giá trong các ngày 17/6-18/6. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức lúc 8h ngày 27/6 tại nhà Văn hóa trung tâm huyện theo phương thức trả giá lên.
Huyện Quốc Oai cũng sẽ tổ chức đấu giá 3 lô đất ký hiệu DG2-31, DG2-32, DG2-33 tại điểm đấu giá số 02, thôn Khánh Tân (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) với tổng diện tích 300m2.
Theo đó, mỗi lô đất có diện tích 100m2, với giá khởi điểm là 26,7 triệu đồng/m2. Đơn vị tổ chức sẽ nhận hồ sơ tham gia đấu giá từ nay đến ngày 25/6. Buổi đấu giá sẽ được tổ chức lúc 8h30 ngày 28/6 tại Hội trường Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai.
Trước đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đối với 6 thửa đất ở tại khu Gạc Chợ (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Tổng diện tích của 6 thửa đất ở được đưa ra đấu giá là 718,3m2. Trong số này, 2 thửa có mức giá đấu khởi điểm từ 66,7 triệu đồng/m2 và 4 thửa có mức giá đấu khởi điểm là 75,4 triệu đồng/m2.