Nguồn cung nhà ở xã hội TP.HCM chỉ đáp ứng được hơn 20% nhu cầu
Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu của người dân ở TP.HCM về NƠXH là 80.000 căn, nhưng thành phố chỉ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng được 17.900 căn hộ, chỉ đáp ứng được 22,3% nhu cầu.
Thông tin này được ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết tại hội thảo “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, Phân khúc nào phù hợp?” tổ chức ngày 24/12/2020 tại TP.HCM. Hội thảo được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì và giao Hội môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức thực hiện.
Nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu
Theo ông Khiết, nhà ở tại TP.HCM có đặc thù là nhà ở phát triển tự nhiên, nhằm phát triển theo chức năng kinh tế xã hội, ngoài ra còn có đặc thù về nhu cầu xây dựng mới chỉnh trang đô thị.
Vào giai đoạn 2016-2020, là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ, TP.HCM đã có 23 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,15 triệu m2 sàn (tương ứng 17.900 căn hộ).
“Số lượng các căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành mặc dù chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội (nhu cầu giai đoạn 2016-2020 là 80.000 căn hộ), nhưng đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người có thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở tại thành phố vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở, chưa đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố. Công tác quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở sau đầu tư xây dựng còn nhiều khó khăn trong thực tiễn”, ông Khiết nói.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở của đô thị đặc biệt với sự gia tăng dân số 2 triệu dân trong giai đoạn 2021-2030 và khắc phục những hạn chế trong phát triển 10 năm qua, ông… cho rằng cần xây dựng chương trình nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030 nhằm đề ra quan điểm, định hướng phát triển nhà ở.
Việc xây dựng chương trình này để đưa ra vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của thành phố hàng năm và từng giai đoạn, góp phần thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia.
Siết nhà ở cao tầng tại trung tâm TP.HCM
Ông Khiết cho biết, theo đề án phát triển nhà ở TP.HCM, đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố là 26,5 m2/người (quy mô dân số toàn TP.HCM dự kiến vào cuối năm 2030 là 11,1 triệu người).
Để thực hiện mục tiêu trên, trong 5 năm tới, với nhà ở xã hội, TP.HCM sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê. Thành phố cũng rà soát, sử dụng quỹ đất 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho thành phố.
Đối với nhóm giải pháp phát triển nhà ở theo khu vực, tại trung tâm hiện hữu (quận 1 và quận 3), thành phố sẽ ưu tiên tăng chi tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. TP.HCM hạn chế phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025, nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng bảo đảm và phù hợp.
Tại khu vực 11 quận nội thành (các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh), thành phố tập trung hoàn thiện các dự án dở dang, ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây mới các chung cư cũ trước năm 1975. Các dự án chỉnh trang nhà ở ven kênh rạch ở các quận này cũng được ưu tiên.
Trong đó, quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận, TP.HCM hạn chế chấp thuận các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng bảo đảm và phù hợp.
Còn quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở mới tại những khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng bảo đảm và phù hợp.
Trong khi đó, tại khu vực 6 quận nội thành phát triển (các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân), thành phố ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (metro số 1) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng. Thành phố cũng hạn chế chấp thuận các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo.
Còn tại 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ), thành phố ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính. Đồng thời, ưu tiên phát triển các khu du lịch kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.
Đặc biệt, ở khu vực ngoại thành, thành phố tập trung tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, TP.HCM sẽ khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đô thị như các tuyến metro, vành đai… Thành phố không phát triển các dự án nhà ở mới tại những khu vực chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.