Nguy cơ từ thuế quan, thị trường nội địa 'cứu cánh' cho DN thép?

Trước cơn bão thuế quan và biến động của thị trường trường xuất khẩu, 2025 sẽ là năm khó khăn với ngành thép. Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa được xem là cứu cánh của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

'Ông lớn' ngành thép thận trọng, lùi mục tiêu lợi nhuận...

Trước những biến động của tình hình thuế quan, cũng như rủi ro của thị trường bên ngoài, các ông lớn ngành thép đều lùi mục tiêu lợi nhuận trong tương lai. Thậm chí ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đầu ngành cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ.

Loạt ông lớn thận trọng, lùi mục tiêu lợi nhuận...  
Loạt ông lớn thận trọng, lùi mục tiêu lợi nhuận...  

Là “vua” đầu ngành nhưng "ông lớn" Hoà Phát cũng thừa nhận, những bất ổn và khó khăn của thị trường ở thời điểm hiện tại khiến doanh nghiệp này phải kinh doanh theo hướng... phòng thủ. Đáng nói, để đảm bảo có lượng tiền mặt xoay sở với biến động, Hoà Phát đã thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2024 toàn bộ bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% thay vì 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu như kế hoạch ban đầu.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hoà Phát tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 bày tỏ mong muốn cổ đông thông cảm với doanh nghiệp bởi tình hình kinh tế toàn cầu hiện đang có nhiều yếu tố bất định, dù Mỹ đã tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng 46% trong vòng 90 ngày, nhưng nguy cơ biến động vẫn hiện hữu.

“Ngay sau ngày 2/4, do biến động thuế quan lập tức chúng tôi phải đi vào phòng thủ. Điều đáng mừng là chúng tôi nhận được sự đồng cảm của cổ đông trên thị trường”, ông Long chia sẻ.

Với Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đánh giá năm 2025 vẫn còn nhiều thách thức, hoạt động xuất khẩu tôn - thép theo đó sẽ đối mặt với nhiều thách thức, khó đảm bảo ổn định thị phần. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cộng với bất ổn địa chính trị sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực chính trị tại Mỹ, nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại là rất lớn.

Với thị trường trong nước, ông Vũ khẳng định nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường trong nước thấp, nguồn cung sản phẩm tôn, thép đang dư thừa. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng gay gắt, khó đảm bảo biên lợi nhuận.

Trước đây, Hoa Sen xuất khẩu khoảng 15.000-20.000 tấn mỗi tháng sang Mỹ, còn bây giờ không thể đạt mức này. Tương tự cho thị trường châu Âu cũng rất khó khăn, sản lượng xuất khẩu trước đây 20.000 -30.000 tấn/tháng, bây giờ chỉ còn 15.000 - 20.000 tấn/tháng.

"Xu thế của hiện tại và trung hạn là xuất khẩu vẫn rất khó với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như Hoa Sen. Với những điều kiện khách quan như vậy, chúng ta buộc phải thích nghi. Tôn thép giỏi lắm chỉ đi ngang, còn xu thế chung là đi xuống”, ông Vũ khẳng định.

Tương tự, thép Nam Kim (NKG) cũng là doanh nghiệp khẳng định thị trường thép đang ở thời điểm khó khăn và doanh nghiệp này đã lên kế hoạch lợi nhuận đi lùi trong năm 2025. Trong năm 2025, Thép Nam Kim đặt kế hoạch tổng sản lượng 1,05 triệu tấn; tổng doanh thu 23.000 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước thuế 440 tỷ đồng, giảm 21,1% so với thực hiện trong năm 2024.

Đáng nói, không chỉ riêng các ông lớn, các doanh nghiệp trong ngành khác như Thép Thủ Đức cũng báo lãi sau thuế Quý I sụt giảm 21% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn khoảng 2,2 tỷ đồng. CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (Mã: TNS) là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành thép công bố Báo cáo tài quý I/2025 doanh thu trong quý đạt hơn 450 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ….

Thị trường nội địa có phải là cứu cánh của doanh nghiệp thép?

Nhìn chung, ngành thép trong quý I/2025 đang đối mặt với những thách thức nhưng cũng hoàn cảnh nào cũng vậy, cơ hội và rủi ro sẽ luôn song hành. Trong bối cảnh hiện tại, đa số các ý kiến cho rằng các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động tìm kiếm thị trường mới, tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất để tận dụng được những cơ hội từ sự phục hồi của nền kinh tế trong nước.

Thị trường nội địa có phải là cứu cánh?  
Thị trường nội địa có phải là cứu cánh?  

Chủ tịch thép Nam Kim Hồ Minh Quang nhận định, tình hình chiến tranh thương mại đang làm cho thị trường toàn cầu bước vào giai đoạn bất ổn và khó lường, ai cũng thận trọng và tập trung vào thị trường nội địa.

Theo đánh giá mới đây của SSI Research, nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024 trong bối cảnh thị trường bất động sản đã có sự phục hồi đáng kể với số lượng căn mở bán mới trong năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm 2023.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về thép. Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn, gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Đông - Tây; các sân bay và cảng biển trọng điểm như Cảng Cần Giờ tại TP.Hồ Chí Minh, Cảng Nam Đồ Sơn tại Hải Phòng; dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam…

TS Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam dự báo, có thể trong tháng 3/2025 bước vào mùa xây dựng, nhu cầu tăng mạnh lên thì giá một số vật liệu như sắt thép, xi măng có thể điều chỉnh tùy thuộc vào đầu ra, cũng như tùy thuộc vào giá nguyên liệu sản xuất đầu vào.

“Nhu cầu thép 6 tháng đầu năm 2025 sẽ tăng nhưng vẫn chưa mạnh, giá tăng hay giảm tuỳ thuộc vào sự biến động giá cả của nguyên vật liệu đầu vào, nhưng từ những phân tích và dấu hiệu tích cực trên; 6 tháng cuối năm 2025 nhu cầu thép và các loại vật liệu xây dựng khác cho thấy có thể tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2024 và giá có thể tăng lên so với hiện nay", TS. Thái Duy Sâm nhận định.

Đối với thép xây dựng, nhu cầu thép dự báo tăng mạnh nhờ cả đầu tư công và bất động sản phục hồi. Giá thép có thể tăng khoảng 7% khi áp lực từ nguồn cung Trung Quốc giảm. Theo đánh giá, với lĩnh vực này, Hòa Phát (HPG) với thị phần thép xây dựng lớn nhất sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi.

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, năm 2025, thị trường thép khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ không chỉ gặp khó khăn từ nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm tăng trưởng chậm lại, mà còn tiếp tục chịu thêm áp lực từ thép xuất khẩu của Trung Quốc -quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới và nằm ngay cạnh khu vực ASEAN. Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á còn đưa vào hoạt động các nhà máy thép mới khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường khu vực ASEAN càng tăng cao.

“Doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, tạo điều kiện để tái khởi động các dự án đầu tư xây dựng công trình, nhà ở thương mại, phát triển dự án mới”, ông Phạm Công Thảo nói.

Bên cạnh đó, có thể kể đến dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dự án xây dựng sân bay Long Thành và loạt dự án phát triển nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh và đẩy nhanh tiến độ. Điều này dự kiến sẽ kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có sắt thép tăng trưởng mạnh mẽ và đẩy giá thép lên trong thời gian tới.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần vận dụng các cơ chế phòng vệ thương mại trong WTO nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thép nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng bán phá giá thép nhập khẩu trên thị trường, tạo điều kiện lành mạnh hóa thị trường thép trong nước.

Để hỗ trợ cho ngành thép hồi phục và phát triển, các chuyên gia kinh tế đề xuất, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ thị trường thép trong nước.

Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành thép để tận dụng cơ hội tại thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn. Từ đó, thúc đẩy nguồn cung sản xuất trong nước, tạo sự tăng trưởng đột phá, phát triển sản xuất thép, vật liệu xây dựng và cơ khí...

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance