Nhà đầu tư BĐS “đứng ngồi không yên” tìm cách thoát hàng

Thị trường BĐS hiện đang trong giai đoạn khó khăn, thanh khoản kém. Nhiều nhà đầu tư “ôm hàng” trong thời gian sốt nóng đang nhanh chóng tìm cách thoát hàng, mặc cho không thu lại lợi nhuận và lỗ vốn nặng. Tình hình ảm đạm của thị trường được dự đoán đến cuối năm 2023 mới có thể ổn định được trở lại.

Nhà đầu tư BĐS “đứng ngồi không yên” tìm cách thoát hàng - Ảnh 1

“Thoát hàng” không còn dễ dàng

Thị trường BĐS hiện nay không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng mà cả lãi suất ngân hàng cũng đang trên đà tăng cao, khiến không nhà đầu tư đau đầu chỉ có thể “ôm đất” đứng yên một chỗ. Thị trường BĐS được các chuyên gia nhận đinh rằng từ đây đến cuối năm sẽ khó có thể chuyển biến lạc quan như giai đoạn trước. Do đó, nhiều nhà đầu tư không đủ mạnh về năng lực tài chính đành “cắt lỗ” thoát hàng nhanh chóng trước khi vướng phải nợ nần. Tuy nhiên, trong lúc thanh khoản thị trường kém như hiện nay, có thể chốt được giao dịch không còn là việc dễ dàng như trước.

Chị Nguyễn Thị Thư (TP.Thủ Đức) đã nhờ đến môi giới rao bán khu đất ở Long An hơn 3 tháng qua với giá 1,8 tỷ nhưng vẫn chưa thể bán được.

“Lo lắng tình trạng lạm phát gia tăng tôi đã chọn BĐS làm kênh tích trữ tài sản và đầu tư, tôi đợi giá bán tăng lên khoảng 500 triệu rồi bán. 3 tháng nay tôi nhờ môi giới bán khu đất với giá 2,5 tỷ nhưng không ngờ sốt đất qua nhanh, bán mãi vẫn chưa xong”, chị Thư chia sẻ.

Trên thực tế vẫn có rất nhiều người liên lạc đến xem đất, tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức xem rồi thôi khó có thể đi đến giao dịch, vì giai đoạn người dân đổ xô, tranh nhau mua đất đã qua. Với mức giá 2,5 tỷ trong tình trạng thị trường phát triển chậm như hiện tại để bán được khu đất cũng khá chật vật.

“Gia đình tôi gặp khó khăn trong việc kinh doanh đang cần gấp tiền để trang trải, tôi đã thương lượng hạ giá xuống nhưng vẫn chưa ai chấp nhận mua, thậm chí tôi rao bán thấp hơn giá vốn 200 triệu, chấp nhận bán lỗ để thu lại vốn nhưng tới giờ mảnh đất vẫn “nằm im” ở đấy”, chị Thư than thở.

Không chỉ riêng ở phân khúc đất nền mà tình hình căn hộ chung cư cũng không khá khẩm hơn. Trường hợp của anh Lê Minh Đức (TP.HCM) một nhà đầu tư mới sở hữu 2 căn hộ chung cư ở huyện Nhà Bè.

Anh Đức chia sẻ thời gian trước thấy nhiều người đua nhau đầu tư BĐS, sinh lời lớn và đây cũng là kênh đầu tư khá an toàn nên anh đã vay vốn ngân hàng mua thêm căn hộ chung cư để cho thuê cũng như chờ căn hộ lên giá rồi bán lại mà chưa tìm hiểu rõ tình hình chung của thị trường. Đến khi chốt xong giao dịch và trả được 30% giá trị căn hộ thì khoản vay không được giải ngân bởi ngân hàng hết room tín dụng.

“Để trả được chi phí cho căn hộ mới tôi đành tìm tới môi giới nhờ bán gấp căn hộ cũ, nhưng mức giá ban đầu đưa ra được chê quá đắt, tôi đã nhiều lần diều chỉnh lại giá bán thậm chí là thấp hơn cả giá gốc, chịu lỗ chi phí nội thất, sửa sang nhưng vẫn chưa thể bán được”, anh Đức cho biết.

Trái ngược với hai trường hợp trên, trong tình trạng người mua thì ít, người bán thì nhiều, anh Khang một nhà đầu tư đất nền ở TP.HCM khá may mắn khi có thể thoát được hàng. Cũng là một trong những nhà đầu tư mới đua nhau đầu tư trong cơn sốt đất, anh Khang đã mua một khu đất 2,3 tỷ ở quận 9 hiện là TP.Thủ Đức với hy vọng thu được khoảng lợi nhuận hơn 500 triệu chỉ trong vài tháng. Tuy nhiên, sau đó thị trường rơi vào tình trạng khó khăn giá đất không lên được thậm chí còn “đóng băng”. Lo lắng sẽ chịu lỗ nặng hơn nếu để lâu nên anh đã quyết định bán dưới giá vốn 100 triệu chỉ mong thu lại vốn, anh “thở phào” khi mới đây đã có khách hàng chốt giao dịch.

Nhà đầu tư BĐS “đứng ngồi không yên” tìm cách thoát hàng - Ảnh 2

Khó khăn chồng chất, đàu tư thế nào là hợp lý?

Thị trường BĐS đang gặp khó khăn chồng chất khi không thể tiếp cận nguồn vốn, lãi suất tăng cao, thanh khoản kém, nhiều nhà đầu tư lo lắng cho tình trạng phát triển của thị trường trong thời gian tới.

Trước những tình hình ảm đạm của thị trường nhiều nhà đầu tư nhất là đối với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẫy tài chính hoang mang, lo lắng. Nếu không xuất hiện tín hiệu tích cực thì những nguy cơ xấu có thể xảy ra như ôm hàng tồn, gánh nặng nợ lãi suất, thậm chí nếu không may thì có thể dẫn đến phá sản, khiến tâm lý nhà đầu tư lo sợ, nhanh chóng bán tháo thoát hàng dẫn đến làn sóng cắt lỗ xuất hiện và lan rộng.

Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp địa ốc đầu tư vào sản phẩm và dự án BĐS có giá trị lớn. Do đó, cần một nguồn vốn không nhỏ, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng hiện nay khá khó khăn. Việc này khiến nguồn cung có nguy cơ bị tắc nghẽn, ngoài ra cũng dẫn đến nhu cầu tụt giảm. Cung không còn, cầu không có là vấn đề nguy hiểm đối với sự tăng trưởng và phát triển của thị trường BĐS, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo nhận định từ các chuyên gia, thanh khoản BĐS sẽ khó có những diễn biến tích cực từ đây cho đến cuối năm. Thanh khoản giảm thì giá sẽ giảm, nguồn cung mới hạn chế là thách thức lớn cho thị trường BĐS trong thời gian sắp tới.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh nới room tín dụng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn khá khó khăn. Hơn nữa, các thông tin tiêu cực khác về vấn đề pháp lý như áp niên hạn sở hữu chung cư, áp dụng thuế tài sản,… và những sai phạm của những tập toàn BĐS lớn ảnh hưởng đến tâm lý người mua lẫn người bán.

Trong thời điểm thị trường ảm đạm để đảm bảo an toàn các nhà đầu tư chỉ nên tập trung đầu tư dài hạn ít nhất từ 1 – 3 năm. Đầu cơ, lướt sóng không phải là lựa chọn đầu tư thích hợp trong giai đoạn này. Dự trù tài chính, tốt nhất chỉ nên đầu tư từ số tiền nhàn rỗi, hạn chế vay vốn dùng đòn bẫy tài chính, tìm hiểu các diễn biến của thị trường và các chính sách về pháp lý để khoản đầu tư an toàn hiệu quả để không phải lo dọc, lo ngang khi thị trường biến động.

Theo Chất lượng và Cuộc sống