Nhà đầu tư vẫn than khó giải phóng mặt bằng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Sài Gòn - Huế, mặc dù đã tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng dự án tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tuy nhiên, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc bàn giao mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu vừa có buổi kiểm tra và làm việc với các đơn vị có liên quan về tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Thay mặt các chủ đầu tư, ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế (đơn vị thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu phi Thuế quan Sài Gòn - Chân Mây), khẳng định, công ty luôn tích cực, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư của các cấp chính quyền, các tổ chức, trong và ngoài nước.
Riêng trong giai đoạn 2019-2021, đã thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp thuê nhà xưởng, thuê đất và ký kết hợp đồng thuê nhà xưởng, thuê đất với tổng vốn đăng ký đầu tư 48 triệu USD và 63 tỷ đồng Việt Nam, diện tích đất thuê là 27,10 ha. Đến nay, doanh nghiệp đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích hơn 118 ha và tổng tiền đã chi trả là 90,27 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Hưng cũng cho biết, mặc dù công ty đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc bàn giao mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ.
“Mong muốn của các nhà đầu tư là làm sao được nhận mặt bằng đúng tiến độ. Do vậy, để thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đồng thời sớm có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thứ cấp và nâng cao công tác thu hút đầu tư nước ngoài, kiến nghị Bí thư Tỉnh ủy và các sở ban, ngành chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết những phản hồi của nhà đầu tư thứ cấp”, chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp và Khu phi Thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, nhấn mạnh.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Huế và các nhà đầu tư, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Phú Lộc đã giải đáp, làm rõ thêm nhiều vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm.
Đồng thời khẳng định đã và đang tích cực phối hợp, cùng với các chủ đầu tư để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch.
Trên cơ sở các ý kiến và trực tiếp đến kiểm tra một số dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu chỉ đạo, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan, tập trung để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư.
Nếu khó khăn, cần tổ chức thêm lực lượng tham gia giải phóng mặt bằng; cần thiết thì triệu tập thêm nhân lực có chuyên môn để cùng phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, cần huy động tổ công tác tác dân vận, cùng các lực lượng khác gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, giải quyết những thắc mắc của người dân. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các chủ đầu tư để giải quyết khó khăn, vướng mắc theo từng giai đoạn một, thời gian cụ thể.
Ông Lưu cũng yêu cầu, ngoài giải quyết những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì vấn đề thủ tục hành chính cũng phải được quan tâm triển khai nhanh nhất, thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, kể cả vấn đề thuế, cần rút ngắn thời gian. Cần phát huy hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông để tránh mất thời gian của chủ đầu tư.
“Tất cả các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phải thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư trong giải phóng, bàn giao mặt bằng và có báo cáo tiến độ theo quy định. Tinh thần đặt ra là luôn đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư tối đa”, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế yêu cầu.
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2006, với quy mô diện tích 27.108 ha. Trong đó, diện tích đất xây dựng khu kinh tế khoảng 10.000 ha, với 5 khu chức năng chính là Khu cảng, Khu công nghiệp, Khu phi thuế quan, Khu đô thị và Khu du lịch.
Theo định hướng quy hoạch, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là khu kinh tế tổng hợp, có kết cấu hạ tầng hiện đại, mang tầm vóc một khu đô thị cảng hiện đại, hạt nhân tăng trưởng kinh tế biển; cực phát triển phía Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự báo đến năm 2025, dân số đô thị Chân Mây khoảng trên 130 ngàn người, diện tích đất xây dựng đô thị hơn 3.439ha. Trong đó, đất ở biệt thự trên 246ha, đất ở liền kề hơn 230ha; đất chuyên dụng gồm công trình công cộng, công trình hành chính, thương mại, y tế, giáo dục, công trình phức hợp... trên 1.084ha. Riêng khu vực đô thị kết hợp khu công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao có tổng diện tích trên 1.344ha...