Nhà nước sẽ đứng ra cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
Dự thảo Nghị định nhà chung cư đã “mở đường” cho việc cải tạo, xây dựng lại dự án cũ bằng quy hoạch. Không chỉ vậy, Nhà nước còn sẵn sàng đứng ra thực hiện, nếu không có doanh nghiệp nào tham gia.
Ngày 27/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, xây dựng lại nhà chung cư (Nghị định nhà chung cư).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo Nghị định nhà chung cư gồm 8 chương, 48 điều quy định: Các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Di dời, cưỡng chế di dời và bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Bồi thường, tái định cư đối với nhà ở, công trình xây dựng thuộc tài sản công; Thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với trường hợp quy gom; Cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu dự thảo nghị định nhà chung cư phải thể hiện được trách nhiệm của nhà nước trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tích hợp vào quy hoạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng, quy hoạch phân khu, chương trình phát triển nhà ở của địa phương. Đồng thời khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp. Trường hợp những khu chung cư không có nhà đầu tư tham gia thì Nhà nước thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bằng nguồn vốn ngân sách.
"Quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải sát với thực tiễn. Quy hoạch đô thị, kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở phải đi trước một bước", Phó Thủ tướng nói.
Bộ Xây dựng cần đưa ra tiêu chí khoa học, trình tự thủ tục, trách nhiệm, thẩm quyền trong kiểm định, đánh giá, lập danh sách khu chung cư còn thời hạn sử dụng, đã hết hạn sử dụng và có thời hạn thực hiện cải tại, thuộc diện phải di dời khẩn cấp, trong đó ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của người dân.
Về quy định lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thông qua việc thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị trường hợp nhà chung cư đã hết hạn sử dụng, hay thuộc diện buộc phải phá dỡ để bảo đảm an toàn thì không cần ý kiến đồng ý của toàn bộ chủ sở hữu, các trường hợp còn lại phải nhận được sự đồng ý của 100% chủ sở hữu.
Trong xác định hệ số quy đổi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư, các ý kiến cho rằng vướng mắc lớn nhất là bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân sinh sống và kinh doanh, buôn bán ở tầng 1.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu thực tế, rất nhiều chung cư không thể thực hiện cải tạo, xây dựng lại do các hộ dân ở tầng 1 không đồng ý thoả thuận với chủ đầu tư do không được bố trí lại nơi ở tại tầng 1.
Đồng tình với kiến nghị này, Phó Thủ tướng cho rằng dự thảo nghị định cần quy định rõ các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư thực hiện tái định cư tại chỗ, ưu tiên các hộ dân ở tầng 1 được mua, thuê diện tích ở tầng 1 để ở, kinh doanh; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí xác định hệ số quy đổi diện tích chỗ ở tại chung cư cũ sang chung cư mới như đề xuất của TS. Cấn Văn Lực.
"Ưu tiên cho phương án người dân tự thoả thuận với doanh nghiệp để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng nhà chung cư nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát, bảo đảm quyền lợi của người dân khi phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án", Phó Thủ tướng lưu ý và giao Bộ Xây dựng tiếp tục lấy ý kiến địa phương, hiệp hội, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo nghị định.