Nhận định tính cấp thiết và nghiên cứu thực tiễn để khai mở không gian ngầm đô thị

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch, tính toán phát triển các không gian ngầm là điều cần thiết để giảm tải áp lực hạ tầng giao thông và ô nhiễm môi trường đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển không gian ngầm hiệu quả, cần có những giải pháp, quy hoạch chi tiết và đồng bộ.

 

Nhận định tính cấp thiết và nghiên cứu thực tiễn để khai mở không gian ngầm đô thị - Ảnh 1

Đường Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh Công viên bến Bạch Đằng (Q.1, TP Hồ Chí Minh) sẽ được ngầm hóa làm đường giao thông và bãi đậu xe.

Sự cần thiết cho phát triển đô thị

Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 850 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 22 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 88 đô thị loại IV và 659 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 39,3%. Sự tập trung dân số tại các đô thị ngày càng tăng dẫn tới sự quá tải cả về hạ tầng đô thị và không gian công cộng, đặc biệt là 2 đô thị lớn, là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Vì vậy đã tạo ra các áp lực lớn về hạ tầng đô thị như: nhà ở, giao thông đô thị và không gian công cộng đô thị… Vì thế, để đáp ứng các nhu cầu đó thì đô thị phải tận dụng cả về chiều cao lẫn chiều sâu của không gian đô thị, đó là không gian ngầm.

Tại Hà Nội, không ít các trung tâm công cộng, thương mại dịch vụ dưới lòng đất tại các khu chung cư cao tầng như Times City, Royal City đã tạo nét khác biệt cho tổ hợp kiến trúc tại khu đô thị mới.

Mới đây, ngày 15/3/2022, UBNDTP. Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch được duyệt đã mở ra một giai đoạn tăng tốc triển khai không gian ngầm đô thị tại Thủ đô Hà Nội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bản quy hoạch đã khá hoàn thiện về mô hình phát triển không gian ngầm, vấn đề là cần nhanh chóng được triển khai, cụ thể hóa bằng những quy hoạch chi tiết, vì đây là nền tảng cho sự phát triển và nhu cầu thiết yếu của Thành phố.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, hai khu vực đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh sẽ được nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm trong thời gian sớm nhất là khu trung tâm thành phố (khu 930ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố đặt ra mục tiêu khai thác hiệu quả không gian ngầm đô thị, kết nối với không gian ngầm của tuyến metro số 1 sắp đi vào hoạt động.

Có thể nói, không gian ngầm ở các đô thị là điều cần thiết nghiên cứu nghiêm túc, lỹ lưỡng nhằm khai mở một chiều hướng phát triển mới trong tương lai gần.

Nhận định tính cấp thiết và nghiên cứu thực tiễn để khai mở không gian ngầm đô thị - Ảnh 2

Các tuyến Metro thuộc không gian ngầm Hà Nội.

Lời giải cho sự bức bối trên mặt đất nhưng không ít vướng mắc

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, không gian ngầm đô thị là lời giải cho bài toán phát triển trong bối cảnh trên mặt đất đã quá chật chội. Không những vậy, các trung tâm văn hóa, thương mại, những đô thị ngầm như một sự kết nối hữu cơ với công trình trên mặt đất.

Thấy rõ tầm quan trọng của không gian ngầm, Hà Nội đã nghiên cứu từ nhiều năm nay nhưng vì thực trạng trong quản lý không gian ngầm vừa qua thiếu sự cập nhật, thống kê nên việc lập quy hoạch không gian ngầm rất phức tạp, đồ án rất khó để phê duyệt.

Đặc biệt, tồn tại đa dạng công trình ngầm như công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình năng lượng, thông tin ngầm, công trình an ninh quốc phòng…

Theo các chuyên gia, không gian trên mặt đất và không gian ngầm được thống nhất và đồng bộ như thế nào bắt đầu từ bước quy hoạch; sử dụng đất đến độ sâu bao nhiêu và sâu vào lòng đất tối đa là bao nhiêu chưa được quy định rõ ràng.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa người sử dụng đất trên mặt đất và dưới mặt đất được quy định như thế nào; vấn đề về sở hữu công trình ngầm, sở hữu không gian ngầm … cũng chưa được nêu trong bất kỳ văn bản pháp luật nào.

Định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá, quy trình kỹ thuật cho các công trình ngầm sử dụng vốn Nhà nước; chính sách đền bù đối với chủ sở hữu công trình trên mặt đất do ảnh hưởng bởi xây dựng các công trình ngầm… cũng chưa được đề cập. Nhất là hiệu lực pháp lý của các văn bản liên quan đến vấn đề này còn thấp.

Trước những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức khai thác không gian ngầm tại các đô thị, các chuyên gia về kinh tế, đô thị đề xuất cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý không gian ngầm như: Xây dựng Luật về Quản lý không gian ngầm; bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm trong Luật Quy hoạch đô thị và các hướng dẫn Luật; sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn quản lý sử dụng đất dưới lòng đất trong Luật Đất đai; Luật Dân sự liên quan đến sở hữu tài sản; Luật Đường sắt liên quan đến phạm vị bảo vệ và hành lang an toàn; sửa đổi một số nghị định và thông tư hướng dẫn có liên quan.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dựng công trình ngầm.

Cùng đó, xây dựng chiến lược tổng thể quản lý, khai thác sử dụng không gian ngầm; xây dựng hoặc hoàn thiện các cơ chế, chính sách tài chính huy động nguồn lực để đầu tư phát triển không gian ngầm. Từ đó mới thúc đẩy các nhà đầu tư, tạo hành lang pháp lý nhất quán đưa không gian ngầm về đúng vị trí xứng đáng trong các thành phố.

Tận dụng tốt tài nguyên không gian ngầm cũng thể hiện năng lực quản trị hiện đại, khoa học của chính quyền, nhà quản lý, đồng thời giúp đô thị giảm tải áp lực môi trường, sức khỏe cộng đồng được nâng cao và cảnh quan đô thị trở nên chất lượng, đáng sống hơn.

Anh Nguyễn

Theo Kinh doanh và phát triển