Nhiều nhà đầu tư bỏ cọc đất vàng ven biển Quảng Trị
Trúng đấu giá quyền sử dụng các lô đất nằm ở vị trí ven biển, nhiều tiềm năng với giá không quá cao so với khởi điểm song nhiều khách hàng tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn bỏ cọc.
Ngày 13/9, theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), trên địa bàn huyện có tình trạng nhiều khách hàng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Điển hình, tại khu dân cư Mũi Lò Vôi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh có 50 lô được đánh giá là "đất vàng" ven biển thì có 49 lô đấu giá thành công với số tiền hơn 104 tỷ đồng, cao hơn 3,2 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, đến nay, 12 khách hàng đã bỏ cọc 12 lô đất trúng đấu giá.
UBND huyện Vĩnh Linh mới đây đã ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 12 lô đất tại khu dân cư Mũi Lò Vôi, xã Kim Thạch. Nguyên nhân là do người trúng đấu giá từ chối và không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Trước đó, ngày 12/3/2022, UBND huyện này đã tổ chức đấu giá 50 lô đất tại khu dân cư Mũi Lò Vôi. Đây là khu vực giáp biển, có vị trí đắc địa, nên giá khởi điểm của tổng 50 lô đất nói trên hơn 103 tỷ đồng. Kết quả, có 49 lô được đấu giá thành công với số tiền thu về hơn 104 tỷ đồng.
So với giá khởi điểm, giá đấu trúng cao hơn 3,2 tỷ đồng. Trong số này, có 12 lô đất bị “bỏ cọc” với số tiền đấu trúng hơn 30 tỷ đồng, số tiền đặt cọc là 2,3 tỷ đồng.
Sau khi có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 12 lô đất nói trên, Ban Quản lý dự án Đầu tư – Xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Linh sẽ đưa các lô đất đó vào đấu giá ở những đợt đấu giá kế tiếp.
Từ cuối năm 2021 đến nay, tại nhiều nơi ở Quảng Trị, việc bỏ cọc sau khi trúng đấu giá khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là xuất hiện tình trạng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm để tạo "cơn sốt" nhằm đẩy giá đất quanh khu vực đấu giá để thu lợi. Sau đó, những người trúng đấu giá đã đồng loạt từ chối và không thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định đối với những lô đất đã đấu trúng.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh này đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng 46 lô đất với tổng diện tích hơn 14.208 m2 thuộc công trình Phát triển điểm dân cư xã Gio Hòa (nay là xã Gio Sơn, huyện Gio Linh). Những lô đất này đều thuộc khu vực nông thôn nhưng kết quả đấu giá lại vượt xa so với mong đợi.
Tổng số tiền đấu giá của 46 lô đất này hơn 62 tỷ đồng. Trong đó, niều lô đất có giá trúng cao gấp 4 lần so với giá khởi điểm.
Tuy nhiên, khi hết thời hạn chỉ có 5 thửa đất được nộp đủ tiền. Do đó, đầu tháng 5 vừa qua, UBND huyện Gio Linh đã ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 41 thửa đất còn lại. Trong số 41 thửa đất bị bỏ cọc, có 4 thửa đất được đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm và mỗi thửa được đặt cọc số tiền từ 70 triệu đến 110 triệu đồng.
Tình trạng nhiều thửa đất được đấu giá với số tiền cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm nhưng cũng bị bỏ cọc cũng diễn ra ở các huyện Cam Lộ, Đakrông và TP Đông Hà của tỉnh Quảng Trị.
UBND huyện Cam Lộ hồi tháng 6 đã có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 11 lô đất tại thị trấn Cam Lộ và xã Cam Tuyền do quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá. Đây là những lô đất đã được huyện này phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong đợt 3 năm 2022 với giá đấu trúng gần 18 tỷ đồng. Tổng số tiền khách hàng đã đặt cọc các lô đất trên là 1,3 tỷ đồng.
Trước đó, UBND TP Đông Hà cũng đã có quyết định hủy công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đối với 9 lô đất ở Khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo và Khu tái định cư Bắc sông Hiếu. Đây là những lô đất được Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối 2021. Trong số này có những lô đất được người mua trả giá cao gấp 2 – 3 lần so với giá khởi điểm,...
Không chỉ tại Quảng Trị, tại địa phương lân cận là Quảng Bình thì tình trạng "sốt đất" đang có dấu hiệu lắng xuống. Các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất không còn sôi động như trước.
Không ít khách hàng bỏ cọc dù trúng đấu giá quyền sử dụng đất vì không đủ khả năng tài chính, trong khi việc vay vốn từ ngân hàng khó khăn. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến nhiều người bỏ cọc dù trúng đấu giá là do giá đất cao hơn so với thực tế.