Nhiều nhà đầu tư rao bán cắt lỗ Condotel
Từng là phân khúc được săn đón nhất thị trường, condotel hiện nay lại là phân khúc “thất thủ” chưa rõ ngày hồi phục. Đứng trước cảnh tiến thoái lưỡng nam, nhiều nhà đầu tư buộc lòng cắt lỗ sản phẩm để thu hồi vốn, có những căn cắt lỗ đến 30%,. Đặc biệt theo mức độ đo giá tăng giảm trên trang rao bán Batdongsan.com.vn, giá của những căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng này đã giảm từ 20-40% so với thời điểm năm 2022.
Đơn cử như thông tin rao bán biệt thự nghỉ dưỡng 700m2 tại Bãi Dài, Cam Ranh có mức giá 56 triệu đồng/m2. Đây là mức giá đã giảm 28,9% so với quý 2/2022.
Còn biệt thự nghỉ dưỡng tại Gand Melia Nha Trang được chủ nhà rao bán căn diện tích 340m2 có mức giá 29 tỷ đồng. Theo đo lường, mức giá này đã giảm 48,1% so với quý 4/2022 và giảm 23,9% so với quý 2/2023.
Ở Ninh Thuận, nhiều căn hộ condotel cũng được rao bán cắt lỗ. Đơn chử như căn hộ Sunbay Park Hotel & Resort Phan Rang tại Tháp Chàm đang được rao bán cắt lỗ tới 400 triệu đồng. Một căn hộ khác tại Sunbay Park cũng đang được rao bán giả chỉ 1,65 tỷ đồng với diện tích 37,3m2.
Tương tự nhiều nhà đầu tư khác cũng rao bán căn hộ condotel, anh Hoàng Trung Quân rao bán căn hộ khách sạn Flamingo Cát Bà giá 2,5 tỷ đồng. Theo thông tin anh cung cấp, giá mua ban đầu 3,7 tỷ đồng, nay cắt lỗ 1,2 tỷ, nhưng rao mấy ngày nay chỉ có khách hỏi chứ chưa ai chốt.
Khảo sát của các đơn vị nghiên cứu bất động sản cho thấy, sức cầu của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang ở mức rất thấp. Trong nhiều tháng, cả nước không ghi nhận bất cứ dự án nào mở bán mới, có một số dự án mở bán tiếp theo của giai đoạn trước.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), quý I năm nay, thị trường bất động sản Việt Nam đón nhận 9.970 sản phẩm du lịch - nghỉ dưỡng mở bán. Hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án mở bán trước đó. Chỉ có 5 dự án mở bán mới, đưa ra thị trường 326 sản phẩm, giảm 64% so với quý trước và giảm 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đơn vị này, toàn thị trường ghi nhận khoảng 160 giao dịch, tương đương với tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung sơ cấp chỉ đạt 2%. Trong đó, các dự án mới mở bán có tỷ lệ hấp thụ đạt 26%, tương đương với 87 giao dịch, chủ yếu đến từ phân khúc condotel, chiếm 40%.
Báo cáo mới đây của DKRA - đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản - cũng cho thấy, trong quý I vừa qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận bức tranh "tối màu". Xu hướng "đóng băng" vẫn sẽ tiếp tục tiếp diễn, cả nguồn cung và thanh khoản các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng đều chưa thể phục hồi trong ngắn hạn.
Sức cầu thị trường condotel ở mức thấp, thanh khoản chững lại và không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý. Mặt bằng giá bán sơ cấp condotel không biến động nhiều so với cùng kỳ và tiếp tục xu hướng đi ngang.
Nguyên nhân nào khiến bất động sản nghỉ dưỡng chậm phục hồi
Báo cáo mới đây Savills cho biết, hoạt động kinh doanh khách sạn tại khu vực Đông Nam Á đang trên đà hồi phục trong bối cảnh các quốc gia đã mở cửa hoàn toàn cho các hoạt động du lịch quốc tế, bao gồm sự khôi phục của các đường bay đến Trung Quốc cũng như việc gia tăng tần suất trở lại của các hãng hàng không. Dẫu vậy, các yếu tố thiếu hụt nhân sự, gia tăng chi phí năng lượng, xung đột địa chính trị, chi phí hàng không đắt đỏ cũng như các bất ổn trong hoạt động kinh tế tiếp tục tác động đến thị trường nghỉ dưỡng tại khu vực này.
Tại Việt Nam, quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh khách sạn diễn ra không đồng đều. Công suất và giá phòng bình quân của các khách sạn tại TP.HCM đang dần khôi phục về mức trước đại dịch. Trong khi đó, các thị trường nghỉ dưỡng như Nha Trang – Cam Ranh, Đà Nẵng và Phú Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc cải thiện công suất phòng.
Trong 10 năm qua (2013-2023), phần lớn nguồn cung phòng chủ yếu tập trung tại các thành phố Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long và Hội An – Quảng Nam, tương đương khoảng 54% tổng nguồn cung mới trên cả nước. Theo đó, nguồn cung tại các điểm đến ven biển tăng trung bình 16%/ năm trong thập kỷ qua, cao hơn nhiều so với TP.HCM và Hà Nội khi nguồn cung mới chỉ tăng trung bình 6%/ năm.
Một số điểm đến như Mũi Né, Nha Trang và Hạ Long tập trung phát triển vào cùng một phân khúc. Cụ thể, hơn 80% nguồn cung tại các địa phương này thuộc phân khúc tầm trung (Midscale – Upper Midscale). Đây là phân khúc có sự cạnh tranh cao về mặt bằng giá, không chỉ từ nguồn cung khách sạn mà còn gặp sự cạnh tranh từ những dự án căn hộ nghỉ dưỡng do chủ sở hữu tự kinh doanh, cho thuê với chính sách giá bán linh động để thu hút nguồn cầu.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ tiếp tục gặp khó trong thanh khoản. Riêng với các sản phẩm condotel, nhiều chủ đầu tư không tiếp tục cam kết trả lãi khiến nhiều nhà đầu tư phải gồng lỗ, "giữ không nổi, bán chẳng xong".
Tuy nhiên, ngoài giá bán, chuyên gia khuyến cáo người mua cần tìm hiểu kỹ pháp lý cũng như hiệu quả vận hành của các căn condotel đang bán cắt lỗ. Bởi vì, trên thực tế, việc khai thác vận hành tại nhiều dự án condotel còn bất cập, chưa đảm bảo được lợi nhuận cho chủ sở hữu.
Một vị giám đốc công ty bất động sản nhận định, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua đi. Tuy nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng - phân khúc kén khách mua hơn rất nhiều - thị trường sẽ cần phải thêm thời gian chờ đợi. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng muốn có thể phá "băng" thì toàn bộ quy trình nêu trên đều cần được phát triển đồng bộ, và đó không phải là chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết.