Nhóm ngân hàng big 4: Nợ xấu giảm, vốn nhà nước được bảo toàn và sinh lời

(CL&CS) - Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ đánh giá tích cực về tình hình tài chính và hoạt động của khối ngân hàng thương mại nhà nước.

Tín dụng tăng trưởng an toàn, hiệu quả, nợ xấu giảm

Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các NHTM Nhà nước đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng như giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, hoạt động tín dụng của khối ngân hàng này vẫn đạt được tăng trưởng tích cực, huy động vốn có phần chậm lại nhưng chỉ các tiêu an toàn vốn vẫn được đảm bảo.

Về huy động vốn, đến cuối năm 2021, tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu (tổng nguồn vốn) của khối NHTM Nhà nước đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,27% so với cuối năm 2020, cơ cấu nguồn vốn huy động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ở nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư, phát hành giấy tờ có giá (huy động thị trường 1).

Các khoản nợ Chính phủ và NHNN đạt 69.519 tỷ đồng, giảm 35,39% so cuối năm 2020. Tiền gửi của khách hàng: đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 12,2%) so với cuối năm 2020.  Phát hành giấy tờ có giá đạt 234.154 tỷ đồng, tăng 26,76% so cuối năm 2020. Nguồn vốn huy động thị trường 2 đạt 339.819 tỷ đồng, tăng 9,23% so với cuối năm 2020.

Về cho vay khách hàng, trên cơ sở đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng tín dụng và kiểm soát trong giới hạn được NHNN cho phép, hoạt động tín dụng của khối NHTM Nhà nước đã có sự tăng trưởng năm 2021 so với năm 2020. Việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng luôn đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực cho vay tiềm ẩn rủi ro.

Tình hình tài chính của nhóm big 4 ngân hàng ngày càng cải thiện.
Tình hình tài chính của nhóm big 4 ngân hàng ngày càng cải thiện.

Đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay khách hàng của nhóm big 4 đạt: 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,41% so với cuối năm 2020. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ xấu năm 2021 là 58.451 tỷ đồng, chiếm 1,23% so với tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Về hoạt động đầu tư, đến cuối năm 2021, tổng số dư các khoản chứng khoán kinh doanh đầu tư của khối NHTM Nhà nước là 597.235 tỷ đồng (đã tính dự phòng rủi ro), tăng 87.478 tỷ đồng (17,16%) so với cuối năm 2020.

Về chất lượng tài sản, nợ xấu của khối ngân hàng thương mại Nhà nước năm 2021 là 58.451 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu năm 2021 là 1,23% (giảm 9% so với năm 2020). Chất lượng tín dụng, khối NHTM Nhà nước tiếp tục chú trọng thực hiện quyết liệt các biện pháp để nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng một cách thực chất. Hoạt động thu hồi nợ xấu và các khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được kết quả tốt.  

Các NHTM Nhà nước đạt kết quả khá tích cực trong xử lý nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, góp phần kiểm soát nợ xấu của từng ngân hàng nói riêng và kiểm soát nợ xấu của toàn hệ thống nói chung.

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu của Big 4 đạt 452.238 tỷ đồng, tăng 2,15%) so với cùng kỳ năm 2020 trong khi chi phí giảm 0,38%. Lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng quốc doanh đạt 71.367 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.   Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất thời điểm cuối năm 2021: đạt 16,05%, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2020.  Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) hợp nhất thời điểm cuối năm 2020: đạt 0,9%, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhờ hoạt động hiệu quả, vốn đầu tư Nhà nước tại khối ngân hàng này tiếp tục được bảo toàn và sinh lời. Vốn chủ sở hữu đạt 356.833 tỷ đồng, tăng 31.446 tỷ đồng (9,66%) so với cuối năm 2020, trong đó vốn điều lệ đạt 170.060 tỷ đồng, tăng 24.807 tỷ đồng (17,08%) so cuối năm 2020.

Tăng thêm vốn cho Big 4 ngân hàng

Trước đó, Trong báo cáo vừa gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng. Theo đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng của hệ thống.

Đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của nhóm big 4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180,3 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.060,3 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.618,2 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5.151,4 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng này cũng tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Về tăng vốn điều lệ đối với nhóm big 4, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã chỉ đạo các ngân hàng này triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.

Cụ thể, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ. VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án.

Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng.

BIDV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, hiện cơ quan này đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước. Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

NHNN cho biết, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.

Được biết, Năm 2023, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giám sát và kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh nợ xấu. Tăng cường kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp... kịp thời phát hiện dấu hiệu rủi ro, vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống