Nhựa Đồng Nai (DNP): Quy mô tài sản và nợ vay tăng nhanh, nhưng lợi nhuận lại... 'đi lùi'!

6 tháng đầu năm, lợi nhuận của CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP) suy giảm trong khi quy mô tài sản, nguồn vốn lại tăng mạnh. Đáng chú ý, vay nợ tăng dẫn tới chi phí lãi vay tại DNP tăng mạnh...

Quy mô tài sản và nguồn vốn càng lớn, lợi nhuận tại DNP càng "đi lùi"

Nhựa Đồng Nai vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2021 với lợi nhuận ảm đạm do chi phí đồng loạt tăng vọt.

Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần tại DNP tăng 33% so với cùng kỳ, đạt gần 2.026 tỷ đồng.

Tuy vậy, một loạt chi phí bất ngờ tăng như chi phí tài chính tăng 58% leen 238 tỷ đồng; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 59% và 34% , lần lượt ghi nhận gần 141 tỷ đồng và hơn 162 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế của DNP giảm 83% so cùng kỳ, còn gần 5 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, phần lớn đều là lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát với hơn 4 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ. Phần nhỏ còn lại là lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ chỉ bằng nửa tỷ đồng, gấp 4.3 lần cùng kỳ.

Riêng quý 4/2020 lợi nhuận sau thuế tại DNP chỉ đạt 331 triệu đồng.    
Riêng quý 4/2020 lợi nhuận sau thuế tại DNP chỉ đạt 331 triệu đồng.    
Năm 2021, DNP đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất đạt 5.919 tỷ đồng, tăng 80% so với thực hiện năm 2020. Tuy nhiên, Công ty dự kiến lợi nhuận trước thuế giảm 24%, còn 25 tỷ đồng.

Như vậy, sau 6 tháng, DNP đã thực hiện được 35% chỉ tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của DNP tính tăng 37% so với đầu năm, lên hơn 13.321 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định chiếm 56% tổng tài sản, tăng 39%. Vốn chủ sở hữu tăng 36% lên gần 3.749 tỷ đồng.

Được biết, tổng tài sản của Nhựa Đồng Nai tăng mạnh sau khi hợp nhất tài sản với Công cổ phần CMC (mã CVT). Đây là kết quả của thương vụ mua cổ phần chi phối CMC từng gây chú ý vào hồi đầu đầu năm 2021.

Nhờ việc thâu tóm CMC đã giúp DNP mở rộng hệ sinh thái lên 32 doanh nghiệp và đưa Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường chứng khoán về số lượng thương vụ thâu tóm.

Đáng chú ý, những năm gần đây, dù tăng mạnh quy mô tài sản, nguồn vốn được mở rộng đầu tư, duy trì tăng trưởng doanh thu, nhưng lợi nhuận của DNP lại bị chững lại, thậm chí suy giảm đã khiến các chỉ số sinh lời của DNP đang có dấu hiệu đi xuống.

Chẳng hạn, chỉ số ROE tại DNP  (hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) giảm từ 0,55% tại thời điểm cuối năm 2020 xuống còn 0,04% tại thời điểm cuối tháng 3/2021 và đến cuối tháng 6/2021 chỉ còn 0,01%. Tương tự, chỉ số ROA tại DNP (hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản) cũng giảm từ 0,15% tại thời điểm cuối năm 2020 xuống còn 0,01% tại thời điểm cuối tháng 3/2021 và đến cuối tháng 6/2021 chỉ số này đang âm.

Ngoài ra, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) quý 2/2021 vỏn vẹn 107 đồng/cổ phiếu trong khi quý 2/2020 là 236 đồng/cổ phiếu. Cả năm 2020, EPS chỉ ở mức 132 đồng/cổ phiếu. Bội số giá trên giá trị sổ sách (P/B) quý 2/2021 chỉ ở mức 0,63 lần trong khi cùng kỳ 2020 đạt 0,74 lần.

Tăng cường vay nợ khiến chi phí lãi vay tại DNP tăng

Do đẩy mạnh đầu tư và sử dụng kết hợp nhiều vốn vay khiến chi phí tài chính trở thành gánh nặng đáng kể trong hoạt động kinh doanh của DNP.

Đến cuối tháng 6/2021, nợ phải trả tại DNP tăng 37% so với đầu năm, lên hơn 9.572 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức gần 3.749 tỷ đồng. Như vậy, tỷ số nợ phải trả/tổng tài sản của DNP là 72%, lớn gấp hơn 2,5 lần vốn chủ sở hữu (có nghĩa 72% tài sản của DNP được tài trợ bởi nợ).

Trong đó, tổng dư vay nợ và thuê tài chính tại DNP tăng 27% so với đầu năm, lên gần 7.002 tỷ đồng, chiếm tới 73% nợ phải trả. Trong đó, vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn tăng 29% lên 2.187 tỷ đồng; vay nợ và thuê tài chính dài hạn tăng 27% lên 4.815 tỷ đồng. Như vậy, vay nợ tại DNP đã vượt qua vốn chủ sở hữu, do đó tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức xấp xỉ 2 lần.

Nguồn: BCTC hợp nhất qúy 2/2021 tại DNP.    
Nguồn: BCTC hợp nhất qúy 2/2021 tại DNP.    
Vay nợ tăng dẫn tới chi phí lãi vay tại DNP trong 6 tháng đầu năm mạnh lên 230 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2020.

6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động tài chính của DNP khá hiệu quả, với hơn 165 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi hoạt động đầu tư với hơn 119 tỷ đồng. Tuy nhiên, vay nợ và chi phí lãi vay phải trả lớn, điều này khá nhạy cảm với doanh nghiệp khi có rủi ro biến động lãi suất, sẽ tạo áp lực không hề nhỏ trong việc cân đối dòng tiền để đảm bảo khả năng thanh toán nợ và tái đầu tư.

Lưu ý, 6 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh tại DNP có dấu hiệu giảm 18% so với cùng kỳ, ở mức 258 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh giảm chủ yếu do hàng tồn kho tăng vọt 105% lên hơn 1.216 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn tăng 31% lên gần 1.317 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư tại DNP cũng âm gần 992 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 441 tỷ đồng.

Có thể thấy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh giảm và dòng tiền đầu tư bị âm mạnh trong kỳ dẫn tới DNP phải tăng cường vay nợ. 

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ