Những câu chuyện ‘dở khóc dở cười’ khi mua bán nhà đất mùa dịch bệnh

Thời dịch bệnh, thị trường gặp khó trong việc giao dịch do giãn cách, hạn chế tụ tập đông người. Rất nhiều câu chuyện oái ăm trên thị trường mua bán, cho thuê đã xảy ra ra khiến người trong cuộc rơi cảnh dở khóc dở cười.

Mới đây, chị H.T.Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) tá hỏa khi nhận được thông báo về tiền điện, tiền nước lên tới gần triệu đồng cho căn hộ bên Gia Lâm. Đáng nói, đã hơn 2 tháng nay, do dịch bệnh, chị và các thành viên trong gia đình đều không trở về đó sống nên hóa đơn tiền điện nước khiến chị ngạc nhiên. Trước đây, chị Vinh có ý định mở thêm cơ sở kinh doanh về huyện ngoại thành Gia Lâm nên mua thêm căn hộ bên đó để tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên, kế hoạch thay đổi, chị không mở thêm cơ sở kinh doanh ở Gia Lâm nên quyết định rao bán căn hộ từ đầu năm. Do cả gia đình đang sống ở quận Thanh Xuân, cách căn hộ bên Gia Lâm khoảng 20km và dịch bệnh hạn chế việc đi lại nên chị Vinh cho các môi giới mật khẩu căn hộ của mình để tiện dẫn khách lên xem nhà.

Căn hộ của chị cũng như nhiều căn hộ khác tại dự án này đều khó bán do nguồn cung lớn, xa trung tâm và dịch bệnh phức tạp. Rao bán nửa năm, môi giới nhiều lần dẫn khách xem nhà nhưng vẫn chưa có khách mua trả giá đúng ý chị Vinh, dù chị đã cắt lỗ nhẹ. Khi dịch bệnh chưa bùng phát, cuối tuần, gia đình chị vẫn về đây nghỉ ngơi. Thế nhưng gần đây do dịch bệnh, hơn 2 tháng, chị cũng chưa ghé thăm căn hộ bên Gia Lâm. Chị Vinh từ Thanh Xuân sang Gia Lâm thì phát hiện một trong số môi giới từng được chị cho mật khẩu căn hộ để dẫn khách xem nhà đã tự ý sống trong căn hộ của chị. Chị Vinh rất tức giận khi bị lợi dụng lòng tin và thừa nhận bản thân quá chủ quan khi cho môi giới mật khẩu căn hộ mà không thay đổi mật khẩu sau đó.

Thời dịch bệnh, rất nhiều câu chuyện oái ăm trên thị trường mua bán, cho thuê nhà đã xảy ra khiến người trong cuộc rơi cảnh dở khóc dở cười.  
Thời dịch bệnh, rất nhiều câu chuyện oái ăm trên thị trường mua bán, cho thuê nhà đã xảy ra khiến người trong cuộc rơi cảnh dở khóc dở cười.  

Chị Nguyễn Thị Liễu, môi giới tại Bắc Giang lại gặp một câu chuyện oái ăm khác do dịch bệnh gây ra. Khách Hà Nội ưng ý một mảnh đất chị giới thiệu tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) và đã chuyển tiền, làm hợp đồng cọc. Hai bên hẹn nhau 10 ngày sau khi kí cọc thì ra văn phòng công chứng làm thủ tục. Thế nhưng chưa đến hạn làm hợp đồng công chứng thì dịch tại Hà Nội bùng, phải giãn cách xã hội khiến khách mua không thể từ Hà Nội về Bắc Giang làm thủ tục chuyển nhượng. Khách bán tại Bắc Giang rất sốt ruột bởi bản thân đang cần tiền gấp mà đợi hơn tháng, khách mua tại Hà Nội ở vùng phong tỏa vẫn chưa thể về làm thủ tục. Đúng thời điểm có khách tại thành phố Bắc Giang cũng ưng ý miếng đất và trả giá cao hơn nên chủ đất tại Bắc Giang quyết định bẻ cọc. Do trong hợp đồng không ghi các điều khoản bất khả kháng nên chủ đất lấy lý do đã quá thời hạn hợp đồng cọc nhưng khách mua vẫn chưa làm thủ tục chuyển nhượng để hủy giao dịch. Chị Liễu rất đau đầu để giải quyết trường hợp này. Lấy lí do dịch bệnh, chị thuyết phục được chủ đất trả lại tiền cọc cho khách mua tại Hà Nội, còn bản thân khách mua Hà Nội thì nuối tiếc vì không mua được mảnh đất ưng ý.

Anh Trần Liêm, chủ một căn hộ tại Hoài Đức lại rơi vào một câu chuyên oái ăm khác. Cách đây hơn 3 tháng, môi giới báo căn hộ của anh có khách thuê. Căn hộ được anh Liêm đầu tư nội thất tốt và rất giữ gìn nên anh cũng rất kén khách. Anh gặp khách thì được biết khách là phụ nữ độc thân, đang làm cho một cơ quan nhà nước nên đồng ý cho thuê. Tuy nhiên cho thuê được hơn hai tháng thì hàng xóm cùng tầng gọi điện phản ánh căn hộ của anh đông người ở và rất mật trật tự, bật nhạc ầm ĩ ngày đêm. Lúc ấy dịch bùng, anh Liêm đang làm nhà online nên không qua kiểm tra được căn hộ, phải nhờ hàng xóm kiểm tra giúp mới biết căn hộ của anh có nhóm công nhân làm cho 1 công trường thuộc Nam Từ Liêm ở. Quá bất ngờ, anh gọi điện hỏi khách thuê thì khách báo do dịch, khách bị kẹt lại dưới quê, không quay trở lại được Hà Nội nên tạm cho người em họ và nhóm bạn làm công nhân ở công trường gần đó thuê lại cho đỡ phí tiền. Anh Liêm rất tức giận khi khách vi phạm hợp đồng, tự ý cho thuê lại nên đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê, phạt cọc và yêu cầu nhóm nhân công dọn ra khỏi nhà mình. Anh Liêm cho biết hiện căn hộ của anh để trống, hàng xóm là người kiểm tra khi khách trả nhà và giữ hộ chìa khóa. Do dịch bệnh, anh giải quyết mọi việc online và vẫn chưa quay lại kiểm tra căn hộ của mình khi khách rời đi.

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển