Những “điểm nóng” nào tại thị trường phía Bắc đang hút dòng tiền đầu tư đổ về?
Sau thời điểm những cơn “sốt đất” diễn ra cục bộ tại khắp các tỉnh thành, đặc biệt là khu vực phía Bắc, thêm đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp dẫn đến xu hướng đầu tư cũng có sự thay đổi. Không còn “Nam tiến” như trước nữa mà nhiều nhà đầu tư đang dồn tiền về thị trường phía Bắc.
Còn nhớ thời điểm năm 2008 – 2010, khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, hầu hết nhà đầu tư đồng loạt đổ về những điểm nóng từ thành phố Thủ Đức, khu Nam, khu Tây TP Hồ Chí Minh và các thị trường vệ tinh Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Từ đó xu hướng “Nam tiến” đã xuất hiện.
Sở dĩ khu vực phía Nam lại hút đầu tư bởi phía Nam còn có lợi thế lớn trong phát triển bất động sản nghỉ dưỡng với đường bờ biển dài và đặc trưng khí hậu nóng ẩm quanh năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản phía Bắc lại bình lặng với những cơn sốt nhỏ, lẻ tẻ, ăn theo những biến động về quy hoạch, hạ tầng.
Tuy nhiên kể từ khi tình trạng “sốt đất” manh nha xuất hiện, thời điểm đó khu vực phía Bắc cũng ghi nhận có sự bứt phá mạnh mẽ về hạ tầng, quy hoạch. Theo đó thị trường BĐS phía Bắc như “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, trong quý I/2021, tại khu vực phía Bắc, nhiều nơi mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng mức độ quan tâm vẫn ghi nhận tốt.
Trong đó, Bắc Giang tăng 256%, Bắc Ninh tăng 113%, Hải Phòng tăng 84%, Quảng Ninh tăng 147% so với quý trước. Trong đó, Thái Nguyên, Ba Vì, Hòa Bình vẫn còn nhiều dư địa. Về tốc độ tăng giá, Hòa Bình tăng 102%, Ba Vì tăng 76%, Hưng Yên tăng 26%, Quốc Oai tăng 20%, Thái Nguyên tăng 15%, Bắc Ninh tăng 10% so với quý trước.
Thị trường BĐS Bắc Giang “nóng” chưa từng có
Trong vài năm trở lại đây, Bắc Giang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều ông lớn bất động sản. Nhờ việc đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi đầu tư, phê duyệt các dự án mới, thị trường bất động sản tại đây bỗng chốc trở nên sôi động hơn bao giờ.
Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) đã chỉ ra rằng, nhóm các tỉnh/TP như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang,… đang được đánh giá tích cực sôi động, thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Được biết, chỉ trong quý I/2021, tỉnh Bắc Giang đã có quyết định phê duyệt quy hoạch/nhiệm vụ quy hoạch gần 20 dự án bất động sản quy mô lên tới hàng nghìn ha. Đơn cử như: Khu đô thị, du lịch sinh thái thể thao Khuôn Thần tại xã Kiên Lao (gần 900 ha); Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí hồ Hố Cao – Bắc Giang, xã Hương Sơn (hơn 400 ha); Khu đô thị mới thị trấn Kép, huyện Lạng Giang (hơn 158 ha), Khu đô thị mới phía Nam thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (gần 70 ha); Khu đô thị số 6, thị trấn Đồi Ngô (gần 70 ha),..
Trước đó nhiều tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước đã đến khảo sát tìm cơ hội đầu tư tại tỉnh này. Còn nhớ thời điểm tháng 12/2020 Tập đoàn Vingroup đã có buổi làm việc với UBND TP Bắc Giang về ý tưởng quy hoạch Dự án khu đô thị kết hợp sân Golf tại TP Bắc Giang. Theo đề xuất, dự án được lập quy hoạch trên diện tích khoảng 1.500 ha, thuộc địa giới hành chính xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang Bắc Giang và xã Tiền Phong, Tân Liễu, huyện Yên Dũng.
Hay như Tập đoàn CapitaLand vừa qua cũng đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư lĩnh vực khu, cụm công nghiệp và khu đô thị thông minh tại địa phương.
Một ông lớn khác là Tập đoàn FLC cũng đang triển khai thực hiện nghiên cứu, lập quy hoạch và triển khai một loạt dự án tại Bắc Giang. Cụ thể, gồm: Dự án Cải tạo nâng cấp trụ sở Trung tâm hành chính cũ thành Khu Trung tâm thương mại, Dự án Khu đô thị thông minh tại TP Bắc Giang, Dự án Tổ hợp Thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp Bắc Giang, Dự án Đầu tư xây dựng, kinh doanh, hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Hòa, Dự án Khu du lịch – thể thao và vui chơi giải trí Kiên Lao (Lục Ngạn),…
Ngoài ra HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã: KBC) cũng vừa thông qua phương án hợp tác kinh doanh từng phần tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu (Bắc Giang) với công ty con là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang (SBG). Theo đó, Kinh Bắc sẽ góp tối đa 300 tỷ đồng và phần vốn góp này không vượt quá 80% tổng mức đầu tư dự án. Hai bên sẽ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên phần diện tích 93,5 ha.
Mới đây nhất, tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư cho ba dự án: Khu đô thị trung tâm thị trấn Kép mở rộng quy mô gần 26 ha, tổng vốn đầu tư gần 541 tỷ đồng; Khu đô thị số 4 xã Thái Đào với quy mô gần 9 ha, tổng vốn đầu tư hơn 84 tỷ đồng và Khu đô thị số 3 xã Thái Đào với quy mô hơn 6 ha, tổng vốn đầu tư hơn 66 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đang “săn lùng” gì tại thị trường Thái Nguyên?
Với lịch sử phát triển công nghiệp từ sớm cùng với việc khai thác tốt những thế mạnh và những chuyển biến tích cực trong chính sách phát triển, thị trường bất động sản Thái Nguyên luôn có sức hút lớn với các nhà đầu tư.
Trong bối cảnh khó khăn của thị trường khi lãi suất huy động của ngân hàng giảm, thị trường vàng và chứng khoán biến động mạnh, nhiều rủi ro, thì bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền vẫn là một bài toán an toàn. Tỉnh Thái Nguyên hiện là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Thái Nguyên thời gian qua đang thu hút được rất nhiều các doanh nghiệp lớn như Vingroup, FLC, Samsung, TNG Holdings,T&T Group, Flamingo, Kosy,… với loạt dự án lớn. Đơn cử như cuối năm 2020, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Tập đoàn Tân Hoàng Minh mong muốn được nghiên cứu khảo sát, lập và thực hiện ba dự án tại địa phương này. Cụ thể, gồm: Khu công nghệ thông tin tập trung và đô thị Yên Bình THM – CN (thuộc thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình); Khu du lịch nghỉ dưỡng tâm linh Thiên Tây Trúc – Đại Từ THM – TL (huyện Đại Từ); Khu đô thị THM – Smartcity dọc Sông Công (TP Sông Công).
Hay đầu năm 2021, Tập đoàn Capital United mong muốn được thực hiện dự án Khu Công nghệ thông tin tập trung với diện tích 200 ha tại Thái Nguyên đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Và gần đây nhất, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã có buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên về đề xuất xem xét nghiên cứu đầu tư triển khai dự án trong các lĩnh vực như phát triển công nghiệp, du lịch và quy hoạch khu đô thị.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua, Thái Nguyên ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 14%/năm và giữ vai trò là một trong những điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hiện Thái Nguyên đã có 132 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động, trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh miền núi phía Bắc. Chưa dừng lại ở đó, thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục ưu tiên phát triển, mở rộng và xây mới nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng.
Điều đáng nói là trong khi thị trường địa ốc cả nước đang chịu tác động xấu từ dịch Covid-19, thì phân khúc đất nền thị trường Thái Nguyên vẫn diễn ra bình thường kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Hàng loạt “ông lớn” đổ bộ về Phú Thọ
Là một trong số các tỉnh lân cận của Thủ đô Hà Nội, trong những năm gần đây Phú Thọ ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng giao thông. Đơn cử như việc tỉnh này đã hoàn thành 3 nút giao (IC7, IC9, IC11) kết nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với các trục giao thông đối ngoại của tỉnh.
Nhiều dự án giao thông quan trọng được triển khai là các trục giao thông huyết mạch, kết nối tỉnh lộ với quốc lộ, kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với trục giao thông đối ngoại quan trọng như: Hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp mở rộng QL32 đoạn từ Trung Hà – Cổ Tiết, Dự án cầu Văn Lang theo hình thức BOT; hoàn thành dự án Xây dựng cầu Mỹ Lung mới trên QL70B tại Km31+325; đưa vào vận hành khai thác dự án điều chỉnh tuyến QL32C đoạn qua thành phố Việt Trì, đường nối Quốc lộ 70 đi tỉnh Hòa Bình…
Phú Thọ đang đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), xã hội hóa, như: Cầu Văn Lang, đầu tư hoàn thiện 13km ĐT.322, huyện Đoan Hùng, nghiên cứu để triển khai dự án tuyến đường từ cầu Đồng Quang đến quốc lộ 32 theo hình thức BOT, triển khai dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, các tuyến đường tỉnh 317D, 323D…Cùng với đó là những dự án đã hoàn thành, những dự án giao thông đang nghiên cứu triển khai trên sẽ góp phần quan trọng tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận. Từ đó tạo tiền đề giúp Phú Thọ hút vốn đầu tư trong thời gian tới.
Với việc các dự án hạ tầng đã và đang được đầu tư thực hiện, Phú Thọ dần trở thành “miền đất hứa” đối với giới đầu tư bất động sản. Trong những năm qua hàng loạt ông lớn địa ốc đã “nhòm ngó” và cũng đã cụ thể hóa bằng loạt dự án nghìn tỷ.
Điển hình như Tập đoàn T&T – một trong những ông lớn trong giới bất động sản đã “chọn mặt gửi vàng” tại Phú Thọ với dự án KĐT sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf ở huyện Tam Nông. Dự án có tổng diện tích gần 500 ha, thuộc địa giới các xã Lam Sơn, xã Quang Húc, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông với 4 phân khu chức năng chính.
Được biết tổng mức đầu tư dự án lên đến gần 33.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD). Dự án đã được duyệt quy hoạch vào cuối tháng 12/2020. Về tiến độ thực hiện dự án, UBND huyện Tam Nông đã đề xuất 5 dự án thành phần tại KĐT này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến thẩm định của các sở, ngành.
Ngoài ra Tập đoàn FLC cũng góp mặt tại đây. Cụ thể, trong năm 2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã có thông báo tìm chủ đầu tư cho dự án KĐT sinh thái và thể thao Việt Trì. Dự án có tổng diện tích quy hoạch khoảng 235ha thuộc địa bàn các xã Chu Hóa, Thanh Đình, Thụy Vân và phường Vân Phú, TP Việt Trì. Trong đó, giai đoạn I của dự án bao gồm các phân khu D, E, F có quy mô 111 ha. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 4.190 tỷ đồng.
Cũng tại TP Việt Trì, vào tháng 12/2020, tỉnh Phú Thọ đã có thông báo mời đầu tư dự án khu nhà ở đô thị Tiên Cát tại phường Tiên Cát. Theo đó chủ đầu tư dự án là liên danh Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập và CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.750 tỷ đồng trên khu đất 14,2 ha. Một đại gia khác cũng đang có mặt tại TP Việt Trì đó là CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu (GPInvest) với dự án KĐT mới Tây Nam – giai đoạn 1. Dự án có quy mô 28,4 ha, tổng mức đầu tư 1.033 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành công tác chi trả giải phóng mặt bằng cho 484/670 hộ dân.
Ngoài ra, tại huyện Hạ Hòa, địa phương này có hai dự án nghìn tỷ nằm trong danh mục trọng điểm của tỉnh Phú Thọ. Đầu tiên là Khu dịch vụ, đô thị văn hóa, thể thao và học viện golf Ao Châu tại thị trấn Hạ Hòa, do CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng diện tích hơn 92 ha, tổng mức đầu tư hơn 988,5 tỷ đồng. Về tiến độ làm dự án, ngày 7/1 vừa qua, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Hạ Hòa điều chỉnh quy hoạch dự án đối với một số chỉ tiêu.
Một dự án khác tại huyện Hạ Hòa là KĐT nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, sinh thái tại xã Hiền Lương do CTCP Tập đoàn TH tài trợ lập quy hoạch, có diện tích 361,5 ha, tổng mức đầu tư 1.070 tỷ đồng. Hay liên danh CTCP Đầu tư Bất động sản Phú Thọ – CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô vừa trúng thầu Khu nhà ở đô thị phía Tây Bắc thị trấn Sông Thao rộng hơn 23 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập – CTCP Xây dựng Việt Hùng trúng thầu Khu dân cư mới phía Tây Nam thị trấn Đoan Hùng hơn 27 ha, vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng,…