Những lưu ý giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi ký hợp đồng giữa đại dịch COVID-19
Theo các chuyên gia, trong khi việc nhận thức và áp dụng dịch bệnh COVID-19 là sự kiện bất khả kháng vẫn còn khác nhau trong giới nghiên cứu và áp dụng pháp luật, các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng thương mại, dân sự trong thời gian đại dịch cần thận trọng và cân nhắc nhiều nội dung để thích ứng với tình hình bình thường mới.
COVID-19 là sự kiện bất khả kháng
Tai tọa đàm "Doanh nghiệp tái khởi động sau đại dịch: Chuyển đổi số, Đổi mới mô hình kinh doanh, Tái cấu trúc & Những vấn đề pháp lý cần lưu ý" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Phòng thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Khánh Hòa tổ chức sáng 29/11, TS. Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa, Giám đốc chi nhánh VIAC tại Khánh Hòa khẳng định: thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua cho thấy, việc thực hiện và ký kết hợp đồng vẫn diễn ra để đáp ứng các yêu cầu của xã hội bằng nhiều hình thức thích ứng với đại dịch. Không thể đổ lỗi cho dịch COVID-19 để biện minh những vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nếu như không có căn cứ xác đáng.
Do hậu quả pháp lý áp dụng cho từng trường hợp có khác nhau như được miễn trừ trách nhiệm hay không được miễn trừ trách nhiệm đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại; cách xử lý hợp đồng khi bị vi phạm… nên việc xác định chính xác có phải là sự kiện bất khả kháng hay không, có ý nghĩa rất lớn đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên ký kết hợp đồng.
Ngày 12/11 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và có hiệu lực ngay từ 1/12/2021.
"Luật sửa đổi này đã kịp thời bổ sung điểm d vào khoản 1 các Điều 148,229,247 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 căn cứ để tạm đình chỉ tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố là “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh. Như vậy, dịch bệnh đã được Luật quy định chính thức là sự kiện bất khả kháng”, TS. Thân chia sẻ,
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc nhận thức và áp dụng dịch bệnh (cụ thể trong giai đoạn đại dịch COVID-19) là sự kiện bất khả kháng vẫn còn khác nhau trong giới nghiên cứu và áp dụng pháp luật nên rất cần có sự giải thích và hướng dẫn thực hiện thống nhất kịp thời từ Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong khi chờ sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại 2005.
Khó tránh khỏi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do COVID-19
Cho rằng đại dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp và rất khó lường khi xuất hiện biến thể mới Omicron nguy hiểm hơn nhiều biến thể Delta, TS. Thân khuyến cáo các cá nhân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng thương mại, dân sự trong thời gian đại dịch cần thận trọng và cân nhắc nhiều nội dung để thích ứng với tình hình bình thường mới. Đặc biệt, trong các Hợp đồng Thương mại và Dân sự cần thỏa thuận trước các điều khoản về sự kiện bất khả kháng một cách cụ thể hơn để tránh gây thiệt hại và tranh chấp khi thực hiện Hợp đồng.
Dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi các phương thức hoạt động, sinh hoạt, học tập, làm việc của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Những rủi ro trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng thương mại và dân sự trong thời kỳ đại dịch là điều khó có thể tránh khỏi. Trong giai đoạn này, tranh chấp phát sinh chủ yếu do chậm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
DN đối mặt với rủi ro khi thực hiện hợp đồng thương mại trong thời gian dịch COVID-19.
Do đó, theo TS. Thân, để giải thích về những hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, các doanh nghiệp, cá nhân cần cập nhật diễn biến dịch bệnh ở tại địa phương mình thực hiện hợp đồng và chứng minh do sự kiện bất khả kháng vì dịch bệnh nên không thể thực hiện được nghĩa vụ.
Để giải quyết những ý kiến còn khác nhau về hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do dịch bệnh COVID-19, các bên cần đề cao và tôn trọng lợi ích của nhau theo hợp đồng đã ký kết trên cơ sở áp dụng triệt để nguyên tắc cơ bản, quan trọng của pháp luật dân sự là “thiện chí và trung thực”.
"Có lẽ, đây là chìa khóa để giải quyết những ý kiến khác nhau, những bất đồng khi xảy ra tranh chấp giữa các bên khi thực hiện hợp đồng đã ký. Không phải ngẫu nhiên khi nhà làm luật đã thiết kế Điều 317 Luật Thương mại 2005 quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp theo thứ bậc trước sau là: Thương lượng, hòa giải rồi mới đến giải quyết tranh chấp bằng phương thức Trọng tài hoặc Tòa án", TS. Thân chia sẻ.
Trong khi đó, lưu ý doanh nghiệp khi đàm phán, rà soát, soạn thảo và quản lý hợp đồng thương mại, PGS TS. Nguyễn Minh Hằng - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Ngoại Thương, Trọng tài viên VIAC cho rằng, DN cần cẩn trọng, dành thời gian thích đáng để tìm hiểu đối tác. Khi lên khung hợp đồng cần theo nguyên tắc từ phòng ngừa đến nguyên tắc xây dựng hợp đồng theo cấu trúc chức năng. Ngoài ra, DN cần thận trọng khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng thông qua phương tiện điện tử. Đồng thời nên lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện.
Đồng quan điểm với TS. Hằng và TS. Thân về nguyên tắc tìm hiểu thông tin, đặc biệt là thông tin về đối tác và thị trường, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh, Trọng tài viên VIAC nhấn mạnh, quản trị rủi ro và bất định trong bối cảnh thay đổi lớn hiện nay là có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng DN. DN có thể kiểm tra thông tin đối tác và thị trường qua cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nước ngoài qua Thương vụ, hay ngân hàng...
Theo TS. Thành, DN cần biến các bất định thành cái xác định để tính toán. Trong trường hợp không kiểm soát được rủi ro thì cần hợp tác với đơn vị bảo hiểm.
Đặc biệt, theo TS. Thành, một nguyên tắc quan trọng mà DN cần nhớ là nếu gặp cú sốc có ảnh hưởng trong dài hạn như COVID-19 thì chắc chắn vấn đề chuyển đổi số, tái cấu trúc DN là cực kỳ quan trọng.
"Nếu cú sốc ngắn hạn thì DN có thể cắt giảm chi phí, thay đổi một số thứ trong ứng xử để chống chịu. Tuy vậy, nếu cú sốc dài hạn thì đó là cả một câu chuyện về tái cấu trúc, cải cách DN, trong đó có chuyển đổi số", chuyên gia nhấn mạnh.
Về xử lý tranh chấp hợp đồng, ông Thành khuyên DN giữ tất cả hồ sơ và thông tin DN lưu trữ và phải đúng thời hạn. Nếu thông tin DN cung cấp cho các bên xử lý như tòa án, trọng tài mà chậm trễ thì sẽ gây rất nhiều khó khăn và thiệt hại cho DN.