Những mảng xanh triệu USD: 'Luật chơi' mới của bất động sản

Nắm bắt nhu cầu tìm nơi sống xanh của cư dân thành thị, nhiều chủ đầu tư đã phát triển bất động sản xanh. Đây là xu hướng chung của lĩnh vực bất động cả nước, bất cứ dự án quy mô lớn nào cũng cần có những hợp phần xanh... đã trở thành một 'luật chơi' mới trong giới BĐS.

Thành công của những “người tiên phong”

Phú Mỹ Hưng được đánh giá là đơn vị tiên phong trong xu hướng BĐS xanh. Cách đây 30 năm, khi khái niệm "dự án xanh" vẫn còn mơ hồ, chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng đã bắt đầu đặt nền móng xây dựng đô thị xanh đầu tiên tại quận 7.

Lúc ấy, người ta còn hoài nghi và khó có thể tin rằng, một vùng đất cách xa trung tâm TP.HCM lại có thể trở thành khu đô thị sầm uất và đáng sống. Bởi khoảng cách về vị trí, trở ngại về giao thông và bởi khái niệm xanh khi đó chưa thực sự trở thành lựa chọn quan trọng trong tâm trí của người mua nhà.

Hoài nghi đó đã được xoá bỏ, tất cả đã đổi thay, vùng đất ấy đã trở thành điểm đến của hàng nghìn cư dân, và là một trong những khu đô thị đáng sống nhất của Việt Nam khi được kiến tạo trên cơ sở tôn tạo thiên nhiên, sông nước, vốn là đặc trưng của Nam Bộ – hài hòa giữa cây xanh, mặt nước và bầu trời.

Ngoài các công viên diện tích lớn, chủ đầu tư còn gia tăng mật độ phủ xanh đô thị. Thông qua việc trồng cây trên toàn bộ tuyến đường, khu phố. Hầu hết, cây xanh tại các công viên và các trục đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng, được bố trí nhiều tầng gồm thảm cỏ, cây trang trí, cây bụi tầng thấp, cây gỗ tầng cao để vừa đảm bảo điều hòa không khí, giảm tiếng ồn, ngăn bụi mà còn tạo cảnh quan đẹp mắt, khuyến khích cư dân ra ngoài nhiều hơn.

Những mảng xanh triệu USD: 'Luật chơi' mới của bất động sản - Ảnh 1
Phú Mỹ Hưng chọn phát triển xanh nhằm định vị thương hiệu trên thị trường BĐS

Tới nay, nhiều chủ đầu tư đã chọn phát triển xanh nhằm “định vị” thương hiệu trên thị trường bất động sản thành phố.

Điển hình là nhà phát triển dự án xanh Gamuda Land đến từ Malaysia vừa ra mắt dự án Quick - turnaround - dự án khu dân cư thấp tầng tại huyện Bình Chánh, cửa ngõ phía Tây TP.HCM vào cuối tháng 5 vừa qua.

Sự hình thành của khu đô thị Gamuda City trên rốn nước thải Yên Sở (Hà Nội) đã minh chứng cho triết lý phát triển bền vững của chủ đầu tư Gamuda Land là xây dựng chiến lược dự án xanh.

Quỹ đất 294 ha thời bấy giờ chỉ là vùng đầm lầy trũng nước, ô nhiễm, chứa lượng rác thải khổng lồ từ sông Sét và sông Kim Ngưu đổ về khu Nam thủ đô đã hình thành nên một khu đô thị đáng sống mọc lên với cây xanh phủ lấp, những ngôi nhà cao tầng hiện đại và khang trang. Gamuda City trở thành khu đô thị vệ tinh phía Nam Hà Nội với sự hình thành của cộng đồng cư dân sầm uất và thịnh vượng.

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại, phát triển dự án xanh đã không còn là cuộc chơi của "những cánh chim đầu đàn" như Phú Mỹ Hưng, Gamuda Land hay Sun Group. Cuộc chơi đó đã thu hút hàng loạt các nhà phát triển bất động sản. Một số gương mặt ấn tượng có thể kể tới như chủ đầu tư Vingroup, Nam Long, Novaland, Ecolife Capital House, Phuc Khang Corporation…

Thiết lập “luật chơi mới”

Nhờ việc mạnh dạn theo đuổi hướng đi mới, các dự án của nhà phát triển này đều ghi nhận tỷ lệ thanh khoản lớn trong các lần mở bán.

Theo ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), tại Việt Nam, nhận thức của chủ đầu tư và người tiêu thụ về phát triển bền vững thông qua phát triển công trình xanh đã cải thiện, thị trường đã nhìn thấy thực tế là các dự án đô thị xanh mang lại hiệu quả cho nhiều chủ thể. Chủ đầu tư sẽ bán hàng nhanh hơn, giá cao hơn từ 5-10%.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng dự án thực tế vẫn khiêm tốn so với nhu cầu và số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua. Bởi nhiều chủ đầu tư muốn làm công trình xanh nhưng chưa có kinh nghiệm. Nhiều chủ đầu tư lo ngại việc xây dựng và phát triển công trình xanh sẽ khiến chi phí đầu tư tăng 20-30%, thậm chí cao hơn.

Trong khi theo các nghiên cứu trên thế giới, công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm được từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải.

Ước tính, toàn bộ diện tích công viên và cây xanh tại TP.HCM hiện có khoảng 535ha, trong khi con số này vào năm 1998 là 1.000 ha, giảm đến 50% chỉ sau 15 năm, chất lượng không khí, môi trường sống của thành phố đang ở mức báo động.

Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa nhận thức chính xác về công trình xanh. Đây cũng là sơ hở cho nhiều chủ đầu tư trục lợi, mượn nhãn dự án bất động sản xanh để quảng bá nhằm gia tăng khả năng thu hút, xoay vòng vốn và mở rộng diện khách hàng. Tình trạng "quảng cáo và thực tế khác biệt" trở thành hiện tượng khá phổ biến trong giai đoạn 2018-2023. Hệ quả là sự bức xúc của người mua nhà và những cuộc tranh chấp không hồi kết giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, VARS cho rằng, trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện quy trình đánh giá, chứng nhận, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình xanh bằng các con số, định lượng cụ thể. Trên thế giới có nhiều hệ thống đánh giá tiêu chuẩn công trình xanh đang được áp dụng như Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ)...

Đồng thời, cần có các cơ chế ưu đãi cụ thể đối với công trình xanh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh. Cần có các cơ chế ưu đãi cụ thể đối với công trình xanh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh.

Các doanh nghiệp cũng cần kịp thời định vị lại sản phẩm phát triển để được hưởng lợi từ những ưu đãi và nhu cầu sống xanh ngày càng tăng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường.

Những mảng xanh triệu USD: 'Luật chơi' mới của bất động sản - Ảnh 2
Các dự án đô thị xanh mang lại hiệu quả cho nhiều chủ thể, trong đó chủ đầu tư sẽ bán hàng nhanh hơn, giá cao hơn từ 5-10%.

Ông Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới. Phát triển công trình xanh cũng là chỉ tiêu để đánh giá, phân loại đô thị theo định hướng chuyển đổi xanh nền kinh tế.

Hiện, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Với hàng loạt động thái của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Dẫu vậy, theo các chuyên gia, để ngành bất động sản đạt được mục tiêu Net zero, các nhà làm chính sách cần phải xây dựng quy hoạch, lộ trình rõ ràng, đặc biệt là cần có nguồn tài chính nhằm khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng, vận hành các toà nhà xanh. Cam kết cắt giảm phát thải, giữ vững môi trường, phát triển bền vững đã trở thành "luật chơi" mới trong thương mại trong nước và toàn cầu.

Điều đó cũng đồng nghĩa chính doanh nghiệp địa ốc cũng cần có chiến lược mới để thích ứng, gia tăng sự cạnh tranh.

 

 

 

Khánh Nam

Theo VietnamFinance