Nỗi lo bất động sản ‘leo thang’ trong bối cảnh lạm phát tăng cao

Áp lực từ lạm phát dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng giá BĐS, thanh khoản của thị trường đang phụ thuộc nhiều vào chính sách bán hàng và hỗ trợ tài chính từ các chủ đầu tư.

Nỗi lo bất động sản ‘leo thang’ trong bối cảnh lạm phát tăng cao - Ảnh 1

Dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào lĩnh vực BĐS khi tâm lý lo ngại lạm phát ngày càng tăng lên. Chương trình phục hồi nền kinh tế với quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng của Chính phủ chuẩn bị bung ra cộng hưởng giá xăng dầu, nguyên vật liệu vẫn đang tăng mạnh là loạt dấu hiệu dự báo lạm phát. Theo TS Trần Nguyễn Minh Hải, Trường Đại học Ngân Hàng TP Hồ Chí Minh, lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến “một đồng tiền của ngày mai sẽ không giá trị bằng đồng tiền của ngày hôm nay”. Với bối cảnh đó, các nhà đầu tư sẽ phải rút tiền ra khỏi ngân hàng vốn có lãi suất không thể theo kịp tốc độ lạm phát và đổ vào các kênh đầu tư an toàn hơn là BĐS.

Trong khi đó, TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, khi lạm phát xảy ra, thị trường sẽ ghi nhận dòng tiền đổ mạnh vào kênh đầu tư BĐS, nơi được mệnh danh là “trữ tiền an toàn”. BĐS có mối tương quan với lạm phát, một khi lạm phát gia tăng, giá BĐS thường có xu hướng tăng theo, thậm chí tăng mạnh. Nếu mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ tăng lên 1,2-1,5 tỷ đồng. Khi lạm phát càng mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái điều chỉnh như tăng lãi suất. Lãi suất càng cao, khả năng chi trả của người mua sẽ bị hạn chế, khả năng thanh khoản của BĐS sẽ trở nên khó khăn.

Số liệu từ Savills Việt Nam cho thấy, giá căn hộ trung cấp tại TP Hồ Chí Minh hiện đã chạm mốc gần 60 triệu/m2, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, có một số dự án tăng giá bán lên 11% trong vòng 3 tháng. Báo cáo thị trường tháng 1/2022 của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, giá căn hộ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng 1,8-4,4% so với cuối năm tháng 12/2021. Xu hướng tăng giá nhà sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh kịch bản lạm phát đã diễn ra trước mắt và các chi phí xây dựng không ngừng tăng.

Báo cáo & Chỉ số tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam được Batdongsan.com.vn công bố mới đây cho thấy, 92% người Việt có mong muốn mua BĐS trong tương lai. 67% người mua muốn tìm sản phẩm BĐS ở thị trường sơ cấp nhưng 55% trong đó thừa nhận, giá nhà hiện tại đang cao vượt tầm tài chính bản thân và chỉ có thể mua được BĐS với điều kiện có sự hỗ trợ tài chính và chính sách bán hàng ưu đãi từ các chủ đầu tư.

Thực tế thị trường cũng cho thấy, trước bối cảnh chi phí phát triển dự án leo thang không ngừng, chủ đầu tư gần như khó tính chuyện giảm giá hay giữ nguyên mức giá bán cũ. Vậy nên để tăng thanh khoản, hầu hết các dự án triển khai thời điểm gần đây đều đi kèm những chính sách bán hàng ưu đãi cho người mua. Đây đang là hướng đi được nhiều chủ đầu tư lựa chọn trong bối cảnh áp lực lạm phát đè nặng lên tình hình tài chính chung.

Theo ông Ngô Quang Phúc – TGĐ Phú Đông Group, các mức thanh toán chia nhỏ của chủ đầu tư sẽ là giải pháp hữu ích giúp người mua tối ưu lợi nhuận và giảm tải gánh nặng tài chính. Dịch bệnh diễn biến phức tạp và tác động trên diện rộng đối với thị trường BĐS, song những phân khúc hướng đến người mua ở thực, chi phí vừa tầm, linh hoạt giải pháp đầu tư vẫn sẽ được nhiều khách hàng săn đón.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, trong bối cảnh thị trường nhà ở đang đối mặt áp lực lạm phát. Nếu gặp được những chủ đầu tư có có chính sách tái định vị sản phẩm như đưa ra chính sách ưu đãi, những sản phẩm đủ tiêu chuẩn an toàn là cơ hội rất lớn cho người đi mua. Nếu có cơ hội, người mua nên mạnh dạn mua căn hộ, chọn những dự án giá tốt, chủ đầu tư uy tín, quản lý tốt…

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển