Ồ ạt rao bán hàng cắt lỗ sau “sốt đất”, nhà đầu tư lại không muốn “bắt đáy”?

Sau những cơn sóng đất nền ồ ạt đầu năm, kế đó là đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường bất động sản lại rơi vào tình cảnh trầm lắng, hiu hắt. Tại một số điểm sốt đất ảo, nhiều môi giới đang ồ ạt rao bán hàng cắt lỗ sâu, hối thúc nhà đầu tư “bắt đáy” thị trường. Nhưng thực tế, thị trường dù chạm đáy nhưng giới đầu tư lại không muốn “bắt”.

 

Ồ ạt rao bán hàng cắt lỗ sau “sốt đất”, nhà đầu tư lại không muốn “bắt đáy”? - Ảnh 1

Giá đất giảm sâu tại những thị trường sốt ảo

Khu vực xung quanh sân bay Técníc cũ thuộc Hớn Quản (Bình Phước) – một trong những điểm nóng sốt đầu năm đã và đang chứng kiến cuộc rớt giá thảm hại. Thời điểm đầu năm 2021, Bình Phước đề xuất, xin ý kiến xây dựng sân bay lưỡng dụng Técníc Hớn Quản diện tích 400-500 ha theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dù dự án vẫn còn “nằm trên giấy” và đang trong giai đoạn nghiên cứu nhưng giới đầu nậu và môi giới tự do đã đua nhau thổi giá đất gần khu vực sân bay là xã An Khương và Tân Lợi.

Theo khảo sát, đất mặt đường liên xã, diện tích 500-700m2, thời điểm cuối năm 2020 chỉ được giao dịch ở mức 200-300 triệu đồng/lô thì trong cơn sốt, giá bị đẩy lên ngoạn mục 3-5 tỷ đồng/lô. Đất nằm sâu trong ấp có giá tầm 100-150 triệu đồng/lô cũng bị đẩy lên mức 1 tỷ đồng/lô. Ngoài ra, Hớn Quản nói riêng và Bình Phước nói chung vốn là thủ phủ của cây cao su nên đất trồng cao su nếu bán thường tính theo hécta. Năm 2020, 10-15ha đất cao su ở đây được chào bán với giá 1-1,5 tỷ đồng thì trong cơn sốt nóng, mỗi một ha được chào bán 2-3 tỷ đồng, 10ha đất cao su bị đẩy lên 20-30 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, giá đất thuộc An Khương, Tân Lợi và 1 số khu vực lân cận đã trở về cái giá của năm ngoái, lúc cơn sốt chưa ập tới. Thậm chí rất nhiều lô đất của những nhà đầu tư “mắc cạn” đang được chào bán rất thấp so với giá thị trường. Một số môi giới và nhà đầu tư từng lao về đây với mục đích lướt sóng bị mắc cạn đang rao bán trên nhiều hội nhóm với chiêu trò “bắt đáy” thị trường thời điểm đại dịch.

Giá đất giảm sâu nhưng nhà đầu tư “hờ hững” với thị trường  
Giá đất giảm sâu nhưng nhà đầu tư “hờ hững” với thị trường  

Bắc Giang cũng là một điểm nóng bỏng đầu năm của cơn sốt đất. Trong cơn sốt, đất gần các khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên), khu công nghiệp Nội Hoàng (Yên Dũng) bị đẩy lên 35-40 triệu đồng/m2. Tại Đông Anh (Hà Nội), ăn theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đất tại Tàm Xá – Xuân Canh – 2 khu vực được nghiên cứu xây dựng trong đồ án từng bị đẩy lên mức 51-69 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm cuối năm 2020 giá chỉ trên dưới 30 triệu đồng/m2… Thế nhưng đến nay, giá đất ở các khu vực này chỉ còn bằng 1/2-2/3 so với thời điểm sốt. Với mức giá giảm sâu này, rất nhiều môi giới đang chào mời các nhà đầu tư “bắt đáy” thị trường. Họ không ngừng quảng cáo đây là cơ hội tốt để đầu tư do mua được đất giá rẻ.

Nhà đầu tư vẫn không muốn bắt đáy?

Tuy nhiên, một điểm chung là giao dịch của thị trường hoàn toàn không có tại các điểm nóng trên dù giá bán đúng nghĩa là cắt lỗ sâu. Được mời trở thành thành viên một group mua hàng cắt lỗ, bắt đáy đất Hớn Quản, một nhà đầu tư lâu năm bật cười chia sẻ: “Phần lớn những nhà đầu tư sành sỏi sẽ bắt đáy thị trường thời điểm này nhưng không phải thị trường nào cũng xuống tiền “bắt đáy” dù giá đất giảm sâu. Việc mua bán với hàng cắt lỗ sâu cũng phải nhìn thấy tiềm năng tăng giá trong tương lai. Trong khi tại Hớn Quản, ngoài thông tin sân bay trên giấy mà tính hiện thực hóa thấp thì vùng đất này hiện không có những yếu tố kích thích giá trị bất động sản trong tương lai”.

Cũng tương tự tại Đông Anh, những mảnh đất ăn theo quy hoach Sông Hồng, dù cắt lỗ sâu rẻ nhưng nhà đầu tư không mặn mà bắt đáy. Một nhà đầu tư tại đây cho biết: “Quê ngoại tôi ở Đông Anh, nhiều năm quan sát thị trường này tôi thấy, không riêng gì phân khu quy hoạch sông Hông mà nhiều công trình lớn ở Đông Anh được đầu nậu, cò đất “vin” vào thổi giá mấy năm nay cũng chưa hề được xây dựng. Nhiều chỗ vẫn quây tôn để đó. Thị trường này rất ảo. Bắt đáy thị trường không chỉ là giá thấp mà còn phải là tiềm năng của thị trường trong trung và dài hạn”.

Uyển Nhi

theo Kinh doanh & Phát triển